
Tìm Mồ Mả Gia Tiên
Sau gần 50 xa miền Bắc và 25 năm xa miền Nam, trong những năm 2000, tôi trở về quê Cha đất Tổ vì, trước hết, tôi muốn làm hai công việc trước khi chết : đó là việc tìm mồ mả gia tiên và việc tìm tông tích dòng họ....Vào khoảng 1994, nhân đi Pháp trình diễn âm nhạc, tôi được gặp một người có liên hệ với gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh và được cho coi hai lá thư của ông chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phượng Dực, Huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây và của ông Đinh Xuân Mậu, một bô lão nơi làng này, gửi cho ông Nguyễn Hồ ở Hà Nội -- là con cụ Nguyễn Văn Vĩnh -- báo tin nhà nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức công nhận miền Bắc có 4 vị danh nhân văn hoá của đất nước là:
1. Cụ Phạm Quỳnh
2. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (quê tại làng Phượng Dực này)
3. Cụ Phạm Duy Tốn (quê tại làng Phượng Dực này)
4. Cụ Nguyễn Văn Tố
Thư còn cho biết đã có một buổi lễ vào ngày 1 tháng 5, năm 1993 để đón bằng của Bộ Văn Hoá Thông Tin công nhận ngôi làng đình Phượng Vũ về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đình này thờ ba vị Đại Vương : hai vị có công đánh quân Nguyên Mông thời vua Trần Nhân Tôn (thế kỷ XIII). Một vị có công giúp vua Lê Nhân Tôn tiến đánh Chiêm Thành mở mang bờ cõi. Hiện nay, tại ngôi đình Phượng Vũ còn lưu giữ được 33 đạo sắc phong của các triều đại vua chúa thời xưa phong tặng...
Ngoài ra, thư cho biết thêm: đã có Giáo Sư Trần Quốc Vượng cùng ông Giám Đốc Sở Văn Hoá Thông Tin về thăm ngôi đình và dự trù sẽ mời các vị khoa học về mở hội nghị, hội thảo tại thôn Phượng Vũ.
Vợ con trở về thăm làng trước tôi…
Thế là sau hơn nửa thế kỷ chinh chiến và chia ly, bị cắt đứt với cái nôi của họ Phạm ngay từ khi còn ở trong nước cho tới khi phải buộc lòng ra sống ở ngoại quốc, trên 20 năm đã trôi qua thì... với tin vui kể trên, bỗng nhiên gia đình chúng tôi được nối lại với mảnh đất của tổ tiên.
Vào năm 1996, tôi cho vợ là Thái Hằng, con là Duy Cường, từ Mỹ quốc trở về làng Phượng Dực để, trước hết là đi thăm quê cha đất tổ, sau là đi tìm mộ của cha mẹ...
Hai mẹ con Thái Hằng và Duy Cường đã về thăm ngôi đình (hay đền) tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, ở nơi này người ta còn giữ lại được một tấm bia đã vỡ, với nội dung ghi tên các vị công thần sinh trưởng ở làng này từ thế kỷ XIII và các đạo sắc phong của các triều đại vua chúa thời xưa...
Ngôi Đình (hay Đền) Làng
Tấm bia đá ghi tên các danh nhân họ Phạm tại làng Phượng Dực
Cổng sau của ngôi đền có tượng hai con chó đá rất xưa
Thái Hằng thắp hương trước bàn thờ tổ tiên rồi đi tới nơi có ngôi mộ tổ, người làng nói là mộ cụ Phạm Duy Đống, tổ đời thứ 9 của họ Phạm...
Thái Hằng thắp hương trên mộ tổ họ Phạm.
Dù đã được tôi cho biết mộ của cha tôi nằm ở một nơi gọi là xã hay làng Đông Tác, nhưng vợ tôi không thành công trong việc tìm ra ngôi mộ. Người làng cho biết trước đây một số mộ vô chủ ở làng này đã được bốc đi và cải táng tại nghĩa trang Yên Kỳ, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Vài tháng sau, người con thứ hai của tôi là Phạm Duy Minh đã từ California USA trở về Sơn Tây, nhưng cũng không tìm ra mộ ông nội.
Năm 2000, tôi trở về…
Vào năm 1996, tình hình chưa cho phép tôi hồi hương nhưng vào năm 2000, cơ hội này đã tới.
Về Hà Nội hôm trước, hôm sau tôi đi tìm mộ cha mẹ tôi ngay, vì được nghe nói mộ được bốc về nghĩa địa Bất Bạt vào thời gian nhà nước muốn giải tỏa những khu đất chung quanh Hà Nội. Tới nghĩa địa, tôi tới văn phòng và xin gặp ông Giám Đốc, xin được coi những cuốn sổ lớn ghi tên những mộ đã được đem về cải táng ở đây.
Tra tên của bố tôi, Phạm Duy Tốn, thấy có khoảng vài chục tên nhưng tra tên của mẹ tôi, Nguyễn Thị Hoà, thấy có tới 800 tên... Nhưng tôi không thấy có tên nào đúng với ngày sinh và ngày tử của bố mẹ tôi. Coi như việc đi tìm mồ mả gia tiên của tôi đã thất bại. Tôi sẽ phải trở về Việt Nam nhiều lần mới có hi vọng tìm ra manh mối.
Đã trở về quê hương thì tôi phải ưu tiên về thôn Phượng Vũ thuộc xã Phượng Dực (Hà Tây). Tôi vào nhà thờ tổ để làm lễ, giống như vợ tôi đã vào lễ tổ vào năm 1996.
Rồi trước sự đông đảo của bà con trong làng, tôi được công nhận là người trưởng họ vì tôi thuộc thế hệ cao hơn mọi người.
Sau đó người trong họ đưa đi thăm ruộng và thăm làng. Tôi có dịp nhìn thấy cảnh thôn làng đã hoàn toàn đổi mới đối với tôi.
Nhà cửa trong làng không còn là thứ nhà tranh vách nát như xưa nữa, dân chúng ở trong những ngôi nhà gạch, có điện, có giếng… Đường làng không còn là đường đất mà toàn là đường đã được xây gạch…
Đã không thành công trong việc đi tìm mộ của bố, khi chuyển sang việc đi tìm mộ mẹ, tôi cũng bị bó tay... vì nghĩa địa của chùa Liên Phái (thuộc tỉnh Hà Đông) là nơi an nghỉ của mẹ đã không còn nữa, trải qua gần nửa thế kỷ, nhà cửa đã được xây chi chít ở trên đó và khi người ta cải táng mộ mẹ thì các con đều đã đi xa, tôi và anh Nhượng di cư vào Saigon, người anh và chị lớn thì qua sinh sống ở Paris.
Tôi cũng có chút buồn lòng vì việc này, nhưng khi được biết vợ chồng Phạm Văn Đôn (anh họ của vợ tôi) là người ở Hà Nội từ đầu đến cuối cuộc chiến... cũng lâm vào tình cảnh như tôi, thì tôi đỡ buồn hơn. Còn được an ủi thêm là khi trở về đất tổ quê xưa, được thắp hương trước ngôi mộ tổ và nhất là được gặp đông đảo người trong họ.
Tấm ảnh kỷ niệm