Vùng Ấu Thơ

Đường Paul Bert
Ngã tư Phố Hàng Đào
Phố Hàng Nón
Thản hoặc cũng có khi đường phố náo nhiệt vì đông người, trong một ngày hội nào đó, có rước rồng hay rước sư tử.
Phố Hàng Quạt
Nhưng không khí “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương” của Bà Huyện Thanh Quan vẫn còn với một vài di tích xưa…
Cửa Ô Quan Chưởng
Tháp nhỏ còn sót lại của Chùa Báo Ân
Vào năm 2000, sau 50 năm vắng mặt, duyên may run rủi khiến cho tôi có cơ hội trở về thăm ngôi nhà cũ ở phố Hàng Dầu (nay đổi tên là phố Lò Xũ), ngay cạnh Hồ Gươm.
Tôi ngồi trên xe Honda của sử gia Lê Văn Lan, đưa tôi tới thăm căn nhà thời thơ ấu. Nói chung, khung cảnh khu phố không có gì thay đổi ngoại trừ có nhiều nhà trong phố được cất thêm một hai tầng. Tôi vẫn nhận ra ngay căn nhà tôi sống hồi còn bé.
Rồi tôi được vào tận trong nhà để đứng trên cái sân nhỏ lộ thiên nằm ở giữa nhà là nơi khi xưa, tôi hay đứng tắm khi trời mưa to.
Khi xưa chỉ có 5 mẹ con chúng tôi ở trong căn nhà nhỏ này, bây giờ có tới 5 gia đình sống chung với nhau, nội thất do đó mà thay đổi hoàn toàn. Tôi được nói chuyện thân mật với các chủ nhà, phần nhiều là người tỉnh nhỏ ra Hà Nội sống để trở thành dân Hà Thành.
Tôi không tìm thấy những kỷ vật cũ như những chum đựng dầu lạc chôn dưới bốn gầm giường, những bức tượng nhỏ đắp trên hai bức tường trước căn phòng mà mẹ tôi đặt bàn thờ tổ tiên, mỗi khi Tết đến thì khói hương nghi ngút với đèn sáng rực rỡ…
Tuy vậy, ước mong trong tôi đã được thỏa mãn, tôi đã về đứng giữa căn nhà xưa rồi ! Coi như “vòng đời” của tôi đã được nối liền (le cercle est bouclé).
Bước ra ngoài, thấy đường phố đông người hơn ngày xưa. Phố Hàng Dầu (hay phố Lò Sũ) lúc này không còn nhà ai bán dầu nữa và có rất nhiều nhà bán giầy dép. Ngoài những cửa hàng được bầy biện rất tươm tất, người ta còn bầy bán các thứ guốc, dép trên những vỉa hè khiến cho sự đi lại của khách bộ hành rất là khó khăn.
Những người hàng xóm xưa kia của gia đình tôi như ông lang Ký Hải, ông Kim chủ hãng làm nước đá, ông Phồn bán dầu, ông Tích bán gạch cùng các hậu duệ đều đi đâu hết cả rồi. Tôi rất nhớ họ, những con người thật thà hiền lành cũng như nhớ con phố yên tĩnh thân yêu của thời xa xôi.
Cảm tưởng cuối cùng của tôi là Hà Nội bây giờ ồn ào quá ! Muốn tìm lại không khí thật êm lặng của Hà Nội ngày xưa thì phải dạy thật sớm hay đợi mấy ngày Tết khi thiên hạ về quê, mới tìm lại được sự vắng lặng của phố Hàng Dầu.
Ngôi Trường Xưa
Vùng ấu thơ của tôi còn là ngôi trường Nguyễn Du mà tôi theo học trong 5 năm trời. Từ nhà tôi tới trường chỉ có một khoảng cách là 200 thước mà thôi…
Về thăm trường cũ, tôi giống như ông Carnot trong sách Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu, sau vài chục năm, về chơi trường xưa, trong lòng xiết bao cảm động.
Trước kia, trường Nguyễn Du này dành riêng cho con trai, nay tôi thấy có nhiều em gái theo học ở đây.
Trường vừa tan học, tôi được vào trong một lớp, có thể vào ngồi đúng chỗ tôi mài đũng quần trên 50 năm về trước… Ngồi mà nhớ tiếng nói êm vang của các thầy Quýnh, thầy Qùy giữa tiếng ê a của bạn học trong mấy chục lớp.
Ngồi đây rồi mới thấy tôi đã thực hiện câu hát soạn ra không hẳn là cho mọi người mà là cho chính tôi :
Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oan
Ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm...
Đền Ngọc Sơn
Vùng ấu thơ của tôi còn là Hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn nữa. Trước đền là bãi cỏ mà khi còn bé, gần như hàng ngày tôi ra đó để trèo cây bắt chim trong tổ, đào đất bắt dế trong lỗ hay để coi người Tầu làm xiếc hoặc múa rối cũng như nghe người mù hát xẩm.
Sau 50 năm xa vắng Hà Nội, bây giờ trở lại khu Hồ Gươm, trước khi vào cổng ngoài để qua cầu Thê Húc vào chùa Ngọc Sơn, tôi gặp lại một người ngồi nặn đồ chơi bằng bột gạo -- gọi là ''ò e'' -- để bán cho con nít như trong những ngày cũ. Khi còn bé tôi hay ra đây để mua những tượng Quan Công, Trương Phi hay những tượng gà, tượng lợn bằng bột gạo với vài ba xu.
Nhưng hôm nay, bên cạnh người ngồi nặn tượng bằng bột gạo đó, tôi không thấy một dẫy hành khất ngồi cạnh những ông đồ đang nằm bò để viết câu đối như xưa. Quả thật Đền Ngọc Sơn vào năm 2000 không có ăn mày như lúc trước.
Bước vào cầu Thê Húc là phải trả tiền vãng phí. May cho tôi, hôm nay không có nhiều du khách.
Vào năm 1953, vợ chồng tôi đã ra Hà Nội và đứng trên cầu Thê Húc mà không phải trả tiền.
Thăm lại Hồ Gươm, tới được cầu Thê Húc, vào được phía trước và phía sau của Đền Ngọc Sơn, đối với một người tuổi ngoài 80 như tôi là được sống lại những ngày còn thơm mùi tóc mẹ, còn rộn rã tình đầu, còn trắng trong tình đời… Tôi cám ơn cuộc đời đã cho tôi cơ hội được trở về với quê hương, nhất là trở về với tôi.
Đền Ngọc Sơn, phía trước, phía sau
Chợ Hàng Bè
Vùng ấu thơ của tôi còn là chợ Hàng Bè, ở ngay sau lưng phố Hàng Dầu. Lúc bé, tôi thường được vú già cho đi chợ. Bây giờ, tôi lại được đi chợ. Chợ là nơi có bán đủ các thứ rau cỏ, thịt cá nhưng còn có thêm những quán ăn (gọi là quán chợ) vừa rẻ vừa ngon như bún ốc, bánh cuốn, miến gà…
Rẻ như bèo vì quán chỉ phải trả tiền thuế chợ rất nhẹ, ngon vì ăn toàn đồ tươi.
Ốc là món tuyệt diệu của những người thích ăn quà vặt như tôi...
Bánh cuốn nóng hổi từ nồi hấp lên miệng thực khách.
Chợ Hàng Bè vào năm 2000 còn có một món quà vặt chua thèn lẹt, cứng như đá, dai như cao su, không hợp với khẩu vị mình mà cũng phải mua vì… cô bán những quả "xấu" này "đẹp" kinh khủng !