
Các Nghệ Sĩ Lão Thành
Dương Tường, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang
Trong số bạn già của tôi, ngoài Hoàng Cầm ra còn các anh Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang mà tôi muốn gặp trong chuyến về thăm quê hương này. Họa sĩ Dương Tường thết mọi người bữa cơm tối tại nhà anh. Tôi mới gặp Lê Đạt tại Paris cách đây một năm còn Nguyễn Hữu Đang thì tôi chỉ được điện đàm với anh hồi anh vừa được chính phủ tặng một căn nhà ở ngay ngoại ô Hà Nội để anh dễ đi lại.
Anh chị Dương Tường biết tôi kiêng ăn thịt nên cho chúng tôi ăn một bữa cơm toàn các món cá rất ngon
PD, Lê Đạt, Dương Tường
Tôi yêu Lê Đạt từ khi có được bài thơ Cả Nước là Nàng Tô Thị của anh do Phạm Văn Kỳ Thanh tặng hồi đầu thập niên 80. Tôi đã định phổ bài thơ thành ca khúc nhưng không hiểu vì sao lại không phổ ? À nhớ ra rồi, tôi đánh mất bài thơ đó ! Gặp anh tại Paris năm nào và gặp anh ở Hà Nội bây giờ, tôi cũng chưa có dịp xin anh bài thơ đó.
PD và Nguyễn Hữu Đang
Còn ông anh Nguyễn Hữu Đang thì đã có ít nhiều kỷ niệm với tôi tại Việt Bắc, khi tôi dừng chân tại cơ quan của anh là tổ chức Bình Dân Học Vụ vào năm 1947. Tôi có soạn cho tổ chức của anh một ca khúc nhan đề Bình Dân Đi Học :
Bình Dân Học Vụ là đóa hoa tươi
Xanh ngát khắp đất trời Nam mới
Từ nay người người
Đạp trên đường đời...
Hồn sáng hướng tới nơi tương lai...
Các Nhạc Sĩ Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ
Đoàn Chuẩn, Ngọc Bảo
Thời gian tôi ở Hà Nội đã được dành cho hai việc chính là việc đi tìm mồ mả gia tiên và tìm tông chi họ hàng cho nên tôi không thể đi thăm tất cả các bạn bè xa xưa. Trong giới ca nhạc sĩ, trước hết tôi đi gặp những người cùng lứa tuổi như Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ, Đoàn Chuẩn...
Hoàng Giác
Nguyễn Thiện Tơ
Đoàn Chuẩn trên giường bệnh
Nếu hai anh bạn Hoàng Giác, Nguyễn Thiện Tơ hãy còn khoẻ như tôi thì Đoàn Chuẩn đang bị bệnh nặng và đã lâm vào tình trạng hôn mê, không còn biết gì nữa. Người nhạc sĩ của mùa Thu quyến rũ đang đi dần vào cõi chết, đồng thời là cõi bất tử.
Với người bạn ca sĩ ngoài 70 tuổi mà vẫn giữ được giọng hát mê hồn là tài tử Ngọc Bảo thì chúng tôi luôn luôn gặp nhau, khi thì tại nhà anh, khi thì trong bữa cơm chung với Hồng Đăng, Nguyễn Thụy Kha... tại một quán ăn bên bờ sông Hồng. Tại đây, tôi vừa được nhìn ra sông Hồng bát ngát, vừa được thưởng thức món cá Anh Vũ là món đặc biệt của quán này. Cá Anh Vũ cũng như nhãn lồng Hưng Yên, khi xưa là thứ cao lương mỹ vị để tiến vua, cá có đôi môi rất dầy vì chỉ ăn rêu mọc trên tảng đá ngầm nơi thượng nguồn sông Hồng.
Nữ Ca Sĩ Lê Dung
Nữ ca sĩ Lê Dung mà tôi gặp nhiều lần tại Paris tới chào tôi ở khách sạn. Người ca sĩ hạng nhất của Việt Nam này, chuyên môn hát opéra, đã từng thu thanh một số ca khúc của tôi và đã bị khá nhiều rắc rối, nay có thể yên tâm vì đã thực sự có đổi mới ở trong nước và đã có thiện chí nơi tôi rồi. Tôi nhận thấy hiện nay tuổi trẻ ở Việt Nam thích nghe loại nhạc POP, hoặc là nhạc POP nguyên thủy, hoặc là nhạc Việt có nhiều hơi hướng nhạc POP của Mỹ, Đài Loan hay Đại Hàn. Đó là vì phong trào Karaoke đã hạ thấp khiếu thẩm âm của quần chúng. Những ca sĩ như Lê Dung, cũng như nhạc sĩ, ca sĩ khác có nhiều khi thấy mình khá cô đơn.
Một năm sau khi gặp nhau trên quê hương, người ca sĩ có giọng hát cao quý nhất Việt Nam qua đời, tôi không biết vì bệnh gì. Chỉ biết thương tiếc diva Việt Nam Lệ Dung !
Hội Nhạc Sĩ
Tôi có dịp đi thăm trụ sở của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi được gặp đa số các nhạc sĩ lớp cũ như Trọng Bằng, Tô Vũ... và lớp mới như Hồng Đăng, Đỗ Hồng Quân (con Đỗ Nhuận)... Nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học Tô Ngọc Thanh (con Tô Ngọc Vân) cũng có mặt trong buổi tiếp tân này.
Hồng Đăng, Đỗ Hồng Quân, PD, Tô Vũ,
Văn Thao (con Văn Cao), Ngọc Bảo
Trụ sở của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam nằm trong một khu đất lớn, gồm nhiều trụ sở khác như của Hội Nhà Văn, Hội Điện Ảnh v.v... Tiếc rằng tôi không nhiều thời giờ để đi thăm tất cả.
Nhạc Sĩ Ngọc Đại
Sau đó, cùng với các anh Hồng Đăng, Nguyễn Thụy Kha, Ngọc Bảo... tôi được đưa tới nhà một nhạc sĩ trẻ, anh Ngọc Đại, để được biết về một người có dụng tâm phá sạch những hình thức tân nhạc cũ.
Nhạc sĩ Ngọc Đại còn dành cho một người từ Hoa Kỳ xa xôi về nơi chôn rau cắt rốn này một buổi chiều nghe Hát Chèo, Hát Ả Đào, Hát Chầu Văn do một ban nhạc cổ truyền biểu diễn.
Ban nhạc cổ truyền
Các họa sĩ Phan Kế An, Mai Văn Hiến
Nói về Trường Mỹ Thuật ngày xưa, tôi học chung lớp với Bùi Xuân Phái, Quang Phòng, Võ Lăng và Phan Kế An, con cụ Phan Kế Toại, Thủ Hiến Bắc Việt trước Cách Mạng Tháng Tám. Sau 50 năm xa nhau, nay gặp lại anh, tôi thấy anh vẫn nhanh nhẩu như xưa. Có thể vẫn tinh nghịch như khi anh vẽ bạn bè trong lớp theo kiểu hí họa (caricature) vào lúc chúng tôi vừa tròn 20 tuổi...
Phan Kế An
Sau đây là chân dung tôi, Phan Kế An đã vẽ nó tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Khi đó tôi hãy còn là một anh thanh niên gầy gò và cận thị.
Phạm Duy năm 1941, theo hí hoạ của Phan Kế An
Trong những năm đi kháng chiến, Phan Kế An đã vẽ nhiều chân dung của các văn nghệ sĩ nổi danh. Bây giờ gặp lại tôi, anh lục ra từ trong ngăn kéo để tặng tôi những bức phác họa quý giá vô cùng này.
Thế Lữ, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn
Trước khi gặp Phan Kế An, tôi đã gặp hai người bạn xưa là họa sĩ Quang Phòng và hoạ sĩ Lê Thanh Đức. Rồi sau khi gặp Phan Kế An, tôi đi gặp Mai Văn Hiến...
Mai Văn Hiến
Anh bạn lai Pháp này, lúc còn ở trong trường thời tiền chiến và lúc ở tại Việt Bắc trong thời kháng chiến, luôn luôn có nhiệt tình đối với tôi. Tôi còn nhớ mấy quả chua mà anh bạn tìm trong rừng sâu để tặng cho Thái Hằng khi đang có mang Duy Quang hồi 1950 tại Yên Giã (Thái Nguyên). Về già, anh ở chung với con gái và chàng rể (cũng là hoạ sĩ) trong một căn nhà nhỏ tại một chung cư dành cho các hoạ sĩ. Cũng như Phan Kế An, anh vẫn vẽ và vẫn bán được tranh. Tiếc rằng thời gian tôi ở Hà Nội quá eo hẹp, tôi chỉ thoáng nhìn họa phẩm của các bạn mà không được ngắm nghía kỹ càng từng bức tranh một. Thôi, để chuyến về Hà Nội vào tháng 10-2000, tôi sẽ tới thăm từng họa sĩ, xin được coi tranh vậy.
Đào Mộng Long (Gánh Cải Lương Nam Hồng)
Hà Quang Định (Gánh Cải Lương Ái Liên)
Lúc tôi 20 tuổi, tôi nổi hứng vào học vẽ tại Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Nhưng tôi chăm đi tập điền kinh và tập hát hơn là tập vẽ. Cho nên tôi sẽ bỏ bút vẽ để cầm đàn đi theo gánh hát lưu động ĐỨC HUY. Lúc đó, kịch sĩ Đào Mộng Long đi hát cho một gánh lưu động khác là gánh NAM HỒNG. Chúng tôi quen nhau từ đó, gặp nhau trên đường lữ thứ, khi thì ở Thanh Hoá, khi thì ở Saigon, Cần Thơ... Năm nay, khi chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội, anh đã 83 tuổi, tôi đã đúng 80. Tôi leo thang 3 tầng lầu để ôm lấy anh, mừng mừng tủi tủi vì cả hai đều sống sót sau nhiều cơn bão tố.
Một người nữa trong giới Cải Lương còn sống cho tới ngày hôm nay để tôi được gặp lại sau 50 năm xa cách là Hà Quang Định, chồng của Ái Liên, cha của Ái Vân.
Đúng là khóc...
... là cười, giữa chúng tôi !
Tôi có được bức ảnh gia đình thuở xưa và thời nay của đại gia đình Ái Liên-Hà Quang Định này.
Thế là sau khi tìm về được làng xưa của tổ tiên, cũng như tìm được gốc tích của mình, tôi đã mãn nguyện về phần tái ngộ với các bạn cũ.
Tôi sẽ còn vui hơn nữa vì tuy đã gần miệng lỗ rồi mà vẫn còn làm được những cuộc hành hương, thăm viếng rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mà khi xưa tôi đã đặt chân tới nhưng chưa tận hưởng những cái đẹp nghìn đời.