Pham Duy 2010
Viễn Du - Vịnh Hạ Long
Viễn Du - Vịnh Hạ LongLúc tôi 14 tuổi, tôi đã từ Hà Nội xuống thành phố Cảng, nghĩa là tới một nơi có thể nhìn ra biển Đông, để đón anh Khiêm từ Pháp trở về, sau 7 năm du học. Nhưng bởi vì tôi đi cùng mẹ và các anh chị trên một chiếc xe hơi do anh rể lái (sáng đi chiều về), nên chẳng biết gì về thành phố này và chỉ nhìn với cặp mắt thèm thuồng chiếc tầu biển to lớn, đã từ bến Marseille tới bến Hải Phòng sau gần một tháng hải trình.


Tới khi tôi 17 tuổi, được gọi đi làm tại một Nhà Máy Điện trong tỉnh Móng Cáy thì đây là lần thứ hai tôi tới thành phố biển và lại thưc hiện được giấc mơ viễn du của tôi, nghĩa là còn được ra khơi, đi trên biển nữa ! Lúc đó, tầu thủy là phương tiện duy nhất để nối liền Hải Phòng với tỉnh Móng Cáy và có một người Việt là ông Bạch Thái Bưởi đứng ra khai thác công nghiệp này.
 

Ô. Bạch Thái Bưởi
(1874-1932)
 
Nước ta lúc đó chỉ mới có ngành thủ công nghiệp với quy mô nhỏ mà người quản lý thường là chủ gia đình. Đến khi công nghiệp bắt đầu phát triển, phần lớn doanh nghiệp nằm trong tay tư bản người Pháp, nhưng cũng đã có một vài doanh nhân người Việt thành đạt, người tiêu biểu nhất là ông Bạch Thái Bưởi. Trong hàng tứ đại gia giàu có nhất nước vào những năm đầu của thế kỷ XX (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi), ông Bạch Thái Bưởi được coi là một doanh nhân kiệt xuất của đất Việt. Và đã từ lâu người ta xưng tụng ông là “Ông vua đường thủy”.
 
 

Một buổi sớm tinh mơ trong năm 1939, tôi tới bến tầu của hãng hàng hải Bạch Thái Bưởi và thấy cảnh sinh hoạt của một cửa bể. Nhìn cái gì cũng thấy thích thú, từ cái cần trục đen xì tới con tầu sắt mới sơn, từ nhà máy có tiếng còi gọi sáng tới cửa kho chật chội hàng hóa. Bến tầu nhộn nhịp với đám công nhân hùng hục khuân vác… Người bán quà rong đem tới rổ xôi lúa hay gánh bún chả, cất tiếng rao hàng lanh lảnh. Hành khách hối hả chen nhau lên tầu…
 
 
Tôi đã nhìn thấy biển ở xa xa. Gió thổi vào môi thấy mặn mùi muối. Tôi nghe tiếng chim biển vỗ cánh... Rất lãng mạn, tôi nghĩ rằng mình đã trở thành tình nhân của biển  rồi ! Bài Viễn Du manh nha trong tôi lúc này, sẽ ra đời 15 năm sau với câu hát :
Ra sông, biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi, thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới…

Tới giờ nhổ neo, tầu Bạch Thái Bưởi kéo còi rồi từ từ ra khỏi bến. Hải Phòng khuất dần trong sương mù. Buồn lâng lâng… Rồi con tàu trôi vào vùng nước rộng. Sóng biển bạc đầu nhô lên, nhào xuống. Bọt sóng lăn tăn chung quanh con tầu…

Thấy mình bây giờ là khách giang hồ thực thụ nên tôi rất vui và không thấy đói, trong khi mọi người chung quanh mở khăn gói lấy đồ ăn và nói chuyện om xòm. Đa số hành khách là người Tầu đi buôn bán giữa Hải Phòng và Móng cáy.
 
Rồi tầu chạy tới vịnh Hạ Long. Tầu đi qua những cái động mang tên Grotte Des Merveilles, Grotte De La Surprise... làm tôi tò mò muốn vào thăm những động đó nhưng tầu không đậu lại cho tôi được chiêm ngưỡng những cái đẹp của một nơi gọi là những “kỳ quan của thế giới – merveilles du monde”.
 
 
 
Mãi tới năm 2002, khi trở về thăm quê hương, tôi mới có cơ hội đi thăm kỹ càng Vịnh Hạ Long… Bây giờ, muốn tới đó, tôi không cần phải đi theo đường biển nữa. Một chủ nhật hơi lành lạnh mang không khí mùa Thu Hà Nội, sau khi đã hỏi thăm về đường xá, tôi thuê một xe bus để đi đường bộ từ Hà Nội tới Đông Triều. Trong xe, ngoài bố con tôi ra, còn có Thành là cháu ruột của tôi (con trai của Chị Trinh), vợ chồng Văn Thao là con trai Văn Cao, và môt cô bạn gái của Duy Hùng.
 

 
Xe chuyển bánh, chẳng bao lâu đã tới Hải Dương. Hải Dương là nơi nổi tiếng là có bánh đậu xanh ngon nhất Bắc Kỳ. Chúng tôi ghé vào một quán hàng ở đầu con đường vào thành phố, nơi có bán nhiều sản phẩm địa phương như đồ thêu, đồ gỗ... và lẽ dĩ nhiên là có bán bánh đậu xanh. Sau một tuần trà thơm và bánh ngọt, chúng tôi lên xe đi Đông Triều, bây giờ được gọi là Tỉnh Quảng Ninh.
 

 
Khi còn trẻ, đi làm thợ ở Moncay, tôi phải xuống Hải Phòng, đáp tầu biển đi ngang Vịnh Hạ Long tới Trà Cổ, rồi từ đó đáp xe bus đi Moncay. Xưa kia cũng đã có con đường chật chội cho xe hơi chạy từ Hải Phòng tới mỏ than Hòn Gay ở Đông Triều, nơi dẫn tới Vịnh Hạ Long. Bây giờ con đường đó trở thành một xa lộ rộng rãi để chúng tôi đi thẳng tới Quảng Ninh mà không cần phải đi qua Hải Phòng nữa. Tới Bãi Cháy là địa điểm cuối cùng, chúng tôi vào một hotel đã thuê trước bằng điện thọai... Rồi kéo nhau đi ăn cơm, món ăn toàn là đồ biển rất tươi ngon.
 
 
 
Hotel ở ngay bên bờ biển. Bố con tôi ra ngồi thưởng thức những luồng gió ấm thoang thoảng mùi mặn của biển rộng... Trời ơi, tôi lại sắp sửa được ra khơi nữa rồi ! Xa xa là những hòn đảo, nơi có những hang, động nổi danh mà chúng tôi sẽ thuê một con tầu nhỏ để đi thăm…
 
 

Con tầu nho nhỏ vừa đủ chứa hơn 10 du khách đi thăm Vịnh Hạ Long. Phải mặc quần áo ấm vì chúng tôi rủ nhau đi chơi vùng biển vào một ngày mùa Thu lạnh ướt.
 


Thủy thủ Duy Cường
 
Nhưng gió lạnh cũng không ngăn được chúng tôi rời khoang tầu, leo lên mui để ghi vào trí nhớ khung cảnh trời biển nơi đây. Tục truyền rằng từ muôn nghìn năm về trước, đây là nơi an tọa của một ông Vua (hay Thần) Rồng, do đó Vịnh này có cái tên "Hạ Long".
 
Đã được đọc trước một tài liệu của Sở Du Lịch ở Saigon, chúng tôi đã biết rằng trong Vịnh Hạ Long có khá nhiều đảo, mỗi đảo có một tên riêng như Đảo Đầu Gỗ, Đảo Bồ Hòn, Đảo Ta Tốp, Đảo Đầu Bè, Đảo Khỉ, Đảo Mê Cung... Trên mỗi đảo đều có những hang động mà người ta dần dần phát hiện ra. Dưới thời Pháp Thuộc, tôi chỉ được nghe những cái tên tiếng Pháp như Grotte Des Merveilles, Grotte De La Surprise... nay người ta khám phá ra nhiều hang, nhiều động khác và vì mỗi động, mỗi hang đều có những đặc thù riêng cho nên mang những cái tên như Hang Sửng Sốt, Hang Trinh Nữ, Hang Ham, Hang Luồn, Hang Bồ Hòn… Động Thiên Cung, Động Mê Cung, Động Kim Quy v.v…
 

 
Nếu muốn đi thăm tất cả những hang động kể trên thì phải ở lại đây tối thiểu là một tuần lễ, tôi bèn quyết định là chỉ đi thăm một Động Thiên Cung Đảo Đầu Gỗ. Già như tôi, chỉ cần leo từ bến tầu lên tới cửa động mà thôi, đã thấy oải người ra rồi ! Nhưng đứng trước cửa hang, chỉ cần nghỉ ngơi chốc lát, chụp riêng hay chụp chung vài ba tấm ảnh là có lại sức khỏe để "tuần du" hang động.
 
Động Cửa Trời có thể là hang động đẹp nhất trong Vịnh Hạ Long. Trong hang sâu có những khoảng thật rộng, nhờ hệ thống đèn điện, du khách nhìn trên vách đá những bức tranh khổng lồ do tạo hóa nên... Nào là đàn voi đi kiếm ăn, đàn hươu nai chạy nhẩy... Nào là bầy sư tử lim dim nằm ngủ, những cánh rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu v.v...
 
 
 
Cuộc "tuần du" trong Động Cửa Trời tính ra cũng mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ vì đường đi ngoắt ngoẻo, trèo lên trèo xuống, bở hơi tai du khách. Bù lại, tôi có cảm giác lạc về Trời... lòng nhẹ lâng lâng như đang ngủ mơ.
 
Thế rồi thấy sự "tuần du" chưa nguôi được sự tò mò của mọi người, chúng tôi xuống tầu đi thăm một đảo khác, một hang động khác.
 
Động Mê Cung trên một đảo gần đây cũng na ná như Động Thiên Cung. Cũng có những nhũ đá trong hang đá tạo nên những cảnh tượng thần tiên làm cho lũ con tôi khoan khoái vì thấy rằng nước Việt Nam cũng có những danh lam thắng cảnh đẹp không thua gì nước Mỹ.
 
  
 
Có thể hơi thua nước Tầu một chút bởi vì Duy Cường chót đi thăm một hang động ở Trung Quốc, rất rộng lớn, nằm trên một ngọn núi cao... cao quá khiến tôi chịu thua, không dám leo (vả lại, lúc đó tôi bị cảm sau khi leo Vạn Lý Trường Thành trong một ngày có nhiều gió lạnh).
 
Chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long trong năm 2002 có thể được coi là hải trình gần đây nhất của tôi. Đi thăm kỳ quan của thế giới là một chuyện. Chuyện chính vẫn là được sống thêm một lần nữa với biển cả, được vẫy vùng trong vùng sâu rộng để thỏa mãn tâm hồn “ra khơi” của mình.
 
Bây giờ ngồi nhớ lại thì bỗng thấy mình mang hồn thủy thủ từ khi còn rất trẻ. Lúc đó, Vịnh Hạ Long cũng như bãi biển Trà Cổ cho tôi ý niệm đầu tiên về biển khơi. Sống trong thành phố thì không thể nào thấy được cái vĩ đại của thiên nhiên. Đứng trước đại dương mới cảm thấy mình bé nhỏ. Leo lên thuyền hay lên tầu để vượt trùng dương thì mới biết mình chỉ là chiếc lá mong manh trôi giữa cõi mênh mông, bão tố…
 


Bãi biển Trà cổ

 
 
Hạnh phúc cho tôi biết là bao nhiêu ! Sau đó, tôi được sống trên tất cả những bãi biển ở Việt Nam, hoặc chỉ được đứng trầm ngâm trên bãi cát, hoặc lao mình vào những lớp sóng cao, hoặc làm được những cuộc ra khơi ngắn hay dài trên thuyền buồm, trên ca nô hay trên tầu xuyên đại dương…
 
Sau khi đã biết mùi sóng to, gió lớn ở Trà Cổ tại phía cực Đông Bắc Việt Nam, vào năm 1940, vì tôi có một thời gian sống ở Kiến An, tôi và bạn bè đạp xe đi chơi Đồ Sơn. Ngoài cái thú nhào xuống biển bơi lội, chúng tôi còn được đi coi chọi trâu nữa…
 
Đồ Sơn


Đạp xe tới một bãi biển xa hơn nữa, nghĩa là vào Thanh Hóa, chúng tôi vẫy vùng trong biển ấm Sầm Sơn, rồi đi thăm Hòn Trống Mái.
 
Hòn Trống Mái chính là sự xếp đặt từ 3 khối đá thiên nhiên đã có từ bao đời nay. Hòn lớn bằng phẳng ở dưới trông như cái bệ lớn. Một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên trông giống hình dáng con gà trống; hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái. Các khối đá có hình dáng đẹp thơ mộng được gắn với truyền thuyết về một mối tình chung thủy. Nhà văn Khái Hưng cũng đã viết về một mối tình giữa thiếu nữ Hiền tỉnh thành và chàng Vọi ngư phủ, với cuốn tiểu thuyết nhan đề “Trống Mái”.
 

 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1948, tôi xung phong vào sống với dân chúng trong vùng giặc chiếm tại Bình-Trị-Thiên. Sau sáu tháng trời, tôi được trở về Thanh Hóa (để lấy vợ), nhưng vì phải sống những ngày quá gian khổ vừa qua, trái tim của tôi bị nở lớn, tôi không thể lội bộ, leo đèo để trở ra được nữa ! Tôi xin với Ủy Ban Kháng Chiến cho tôi ra Thanh Hóa bằng đường biển.
 
Và tôi được đưa tới một làng chài tại Thừa Thiên để xuống một chiếc thuyền buồm có thêm motor chạy chân vịt. Phải mất một ngày một đêm trên biển cả mới tới một bến ở Nghệ-Tĩnh để lên bờ đi bộ về Thanh Hoá.
 
Thế là sau khi đã có dịp đứng trên một đỉnh Trường Sơn để ngắm biển Đông bao la vời vợi, bây giờ tôi lại có dịp nằm vắt chân chữ ngũ trên khoang của một con thuyền lớn đang lướt sóng như bay trên biển cả, ngước mắt nhìn vào dẫy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp và cất lên tiếng hát gửi vào đất liền những lời ca mới mẻ nhất của tôi :
Về đây với lúa, với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo.
Nguồn vui đã tới với dân nghèo
Con sông nước chẩy, tiếng chèo hò khoan.

 
Có lần tôi đi sâu vào miền Trung với một gánh hát rong, ban ngày tôi thường rất rảnh rỗi, tôi thích đi ra biển chơi hơn là ngồi trong thành phố. Bây giờ trở về nước, tôi có nhiều dịp thăm Đà Nẵng và cũng không quên đi biển chơi như những ngày nào.
 
 
Đà Nẵng

 
 
Biển ở Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết được tôi tới để tìm những hình ảnh đi hát rong, đi kháng chiến, đi thăm các con, nhất là hình ảnh một cuộc tình xa xưa khó quên…

 
Các con tôi có lần sống ở Nha Trang vài tháng

 Nha Trang ngày về,
mình tôi trên bãi kia…

 
Làm quen với ngư dân, ngư phủ 
 
Vào miền Nam thì Vũng Tầu là nơi tôi luôn luôn được hưởng cái thú đại dương, thậm chí dám leo lên ca nô để ra khơi trong một buổi sáng mùa hè…
      
 

 
 
Rồi cuối cùng, mối tình biển cả của tôi còn dắt tôi tới những nơi cực Nam Việt Nam như Hà Tiên, Cà Mâu.
 

Hà Tiên – Hòn Phụ Tử
 

Mũi Cà Mâu
 
Không những tôi biết mặt biển Đông, ngày tôi đi du học tại Pháp, trong 24 ngày tuyệt vời trên tầu La Marseillaise, tôi làm quen với cảng Singapore, bị say sóng dữ dội tại Ấn Độ Dương, hồi phục súc khỏe khi gặp biển Địa Trung Hải…
 

 
Tôi có dịp đi từ nước Anh qua nước Pháp nhiều lần, lúc chưa có đường hầm dưới đáy biển, tôi được vượt biển Manches trên một chiếc ca nô lớn, chuyến đi trên biển với bốn, năm tiếng đồng hồ lại khơi động trong tôi những cảm xúc trùng dương (sentiment océanique). Vẫn là tình cảm của con người bé nhỏ trước thiên nhiên cao rộng. Vẫn là hồn thủy thủ   năm tháng phiêu du… vẫn là ngày ngày vươn vai ra khơi đón ánh dương soi con tim bồi hồi, chiều chiều chơi vơi không nguôi thương thương nhớ nhớ con trong cuộc đời…

 
 
Đó là chưa kể vợ chồng tôi được đi chơi trên biển California hai lần (gọi là đi cruise), một lần lên miền Bắc rồi một lần xuống vịnh Mexico trên những chiếc tầu khổng lồ chứa hàng ngàn du khách với tất cả tiện nghi tối tân.
 
 

Kể lể dông dài như thế, chỉ để tâm sự với các bạn vì tôi rất yêu biển cho nên tôi rất hiểu biết tính tình của biển : lúc thì biển êm sóng lặng, nước nôi hiền lành… lúc thì sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ trùng dương… lúc thì ra biển chiều nay một mầu máu đỏ, máu đỏ bầu trời, máu đỏ chân mây… lúc thì biển buồn bao la một mầu tím ngát muộn phiền… lúc thì biển mênh mang một niềm nhớ tiếc, biển run lên từng đợt sóng biếc, ngỡ ngàng… lúc thì biển thương đau mấy kiếp, biển đơn côi, biển còn nối tiếp cuộc sầu…
 
 
Tôi còn một nhận xét nữa : đối với người Việt, biển có nhiều huyền thoại hơn đất, núi hay rừng, kể từ huyền sử qua dã sử tới lịch sử. Những huyền thoại như :


* Biển là bước đường cùng của
An Dương Vương, sau khi nghe lời biển mới biết con gái Mị Châu, ngồi sau lưng ngựa rắc lông ngỗng để người tình Trọng Thủy tìm được mình và đem lại cái chết của Phụ Vương...
* Biển chứng kiến cuộc tình không phân chia giai cấp của Công Chúa Tiên Dung và người nghèo Chử Đồng Tử...
* Biển là bạn hiền an ủi An Tiêm trong lưu đầy nơi đảo khơi...
* Biển là cõi tình của Trần Khắc Chân khi kéo quân vào Chiêm cứu Huyền Trân ra khỏi giàn hoả thiêu rồi hai người kéo buồm ra khơi, hai năm sau mới trở về đất liền...
* Biển là võ khí của Đức Trần Hưng Đạo, là đường phục quốc của Hoàng Đế Gia Long...
* Biển là nỗi buồn Nguyễn Du lúc chiều hôm trong Truyện Kiều, là lòng Mẹ bao la của Y Vân, là Mẹ Trùng Dương của Phạm Duy, là nỗi nhớ nhung (Biển Nhớ) của Trịnh Công Sơn trong âm nhạc...
 
Trong những ca khúc về biển, tôi có một bài coi như đó là kết luận của tôi về mối tình biển cả. Vài năm sau khi bị hoảng loạn vì thời thế, cùng gia đình bỏ nhà bỏ nước ra đi, tôi lấy lại được thăng bằng tại một nước giầu sang nhất thế giới, nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ khao khát trở về quê hương ngay. Tôi viết một bài hát nhan đề Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà (1983), với câu kết :
 
Rồi đây ta sẽ đưa nhau về nhà
Về miền quê ta thơm tho mùi lúa
Có cầu ao yên giấc ngủ trưa
Có đồi non êm ái cỏ hoa
Con sông nào đưa lối
Tiếng hát nào chơi vơi
Biển Ðông vỗ sóng ru ta bồi hồi
Biển Ðông vỗ sóng ru ta đời đời !




 
 

Các bài khác: