
Video clip đầu tiên có cảnh tôi và cột số 0 trên đường cái quan với vạch đường ranh giới Việt-Trung, xa xa là Ải Nam Quan (còn được gọi là Hữu Nghị Quan)… những hình ảnh này cho thấy tôi đã tới Lạng Sơn là một cửa khẩu của Việt Nam, sau khi đã tới hai cửa khẩu khác là Moncay và Lào Kay. Chưa kể tôi cũng đã tới một cửa khẩu trông ra biển Đông là Hải Phòng…


Ranh giới Việt-Trung
Tôi thường có ý nghĩ rằng tuổi trẻ nào và ở nơi đâu -- nhất là ở Việt Nam -- cũng đều mơ ước được xuất ngoại và trong số bạn bè, tôi thấy có anh đã vượt biên đi thoát (như họa sĩ Trần Đình Thục), có anh bị bắt lại (như nhạc sĩ Lâm Tuyền)… Còn tôi là một người có nhiều cơ hội để dễ dàng vượt biên nhưng lại chưa có đủ sự thèm muốn và lòng can đảm “vượt trùng”, dù trong tâm tư luôn luôn có những giấc mộng viễn du, viễn xứ, với những câu châm ngôn mời gọi : Hóa nhi thăm thẳm nghìn trùng ! Trông theo đã khuất mấy trùng mây xanh ! Bể sầu mấy trượng, trời cao mấy trùng ! Và chỉ dám thỏa lòng ước mong của mình bằng một ca khúc nhan đề Bên Cầu Biên Giới !
Quay về với những video clips, trong đoạn phỏng vấn của người bình luận (là nhà thơ Đỗ Trung Quân) về địa đầu Lạng Sơn, chúng tôi ngồi đàm đạo trên một lề đường xứ Lạng. Một lũ trẻ chạy tới, xúm quanh người lữ khách…

Trả lời người phỏng vấn, tôi nhắc lại một câu ca dao mà tôi đã nhập tâm từ khi còn bé :
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em…
Rồi bởi xứ Lạng là nơi đã mê hoặc và thu hút tôi cho nên trong thời tôi vẫn còn đang đi học (1937), nhân có vài ngày được nghỉ lễ, tôi đã một mình đi cắm trại tại một khu rừng không tên ở Lạng Sơn, không hề run sợ khi phải ngủ đêm tại một nơi rừng sâu có nhiều thú dữ hay có thể có những con ma rừng độc địa nữa !

Lạng Sơn 1939
Rồi khi mới xẩy ra cuộc kháng chiến chống Pháp (1946) tôi rời bỏ thành đô, chạy lên vùng Việt Bắc thì tỉnh Lạng Sơn là nơi tôi sinh hoạt khá lâu khi trở thành cán bộ văn nghệ của chiến khu 12. Dường như tất cả những kháng chiến ca thuộc loại Quân Ca của tôi đều được viết ra tại nơi này.
Năm 1947, bài Ðường (hay Rừng) Lạng Sơn ra đời, trong đó có nói tới vùng Đông Khê, Thất Khê là nơi có con đường số 4 với cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội viễn chinh Pháp và Vệ quốc quân trong chiến dịch biên giới.
Đã từ lâu, khi tới xâm chiếm Việt Nam dưới thời vua nhà Nguyễn, Pháp thực dân đã cho xây đồn dựng trại rất kiên cố tại Lạng Sơn.

Trại lính Tây ở Lạng Sơn khi Pháp vừa tới Việt Nam
Nhưng khi bị Nhật đảo chính thì chúng phải rút quân về Hà Nội rồi trở về Pháp khi hội nghị Geneve kết thúc. Rồi chúng theo chân quân đội Anh tới Việt Nam giải giới quân đội Nhật, với mưu đồ tái chiếm thuộc địa. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, chúng đưa quân tới những địa điểm trọng yếu, ưu tiên là Lạng Sơn.

Pháp thực dân bị đại bại trong chiến dịch biên giới này ! Mọi văn nghệ sĩ đều xưng tụng chiến công đầu tiên của Việt Nam. Tuy tôi đang chú trọng soạn loại hùng ca nhưng hành khúc này là của một chàng trai ngoài 20 tuổi cho nên có những câu hát rất nên thơ :
Đường Lạng Sơn âm u (ù u)
Trời bình minh êm ru (ù u)
Rừng êm ái thức giấc sau đêm mờ,
Đường Thất Khê Đông Khê (ề ê )
Vừa mới tan cơn mê (ê ê)
Chợt nghe thấy tiếng quân kéo nhau về…
Trời bình minh êm ru (ù u)
Rừng êm ái thức giấc sau đêm mờ,
Đường Thất Khê Đông Khê (ề ê )
Vừa mới tan cơn mê (ê ê)
Chợt nghe thấy tiếng quân kéo nhau về…
Nhưng khi thấy điệp khúc có những câu hát rất sắt máu như :
. . . . . . .
Một ngày mai ôi cánh tay ta
Vụt đầu rơi cho máu tuôn ra
Rừng cây núi đỏ như sắc cờ...
Vụt đầu rơi cho máu tuôn ra
Rừng cây núi đỏ như sắc cờ...
… thì tôi bèn đổi ngay là :
. . . . . . . .
Từ đâu xa, xa gánh đưa đưa
Mầu áo chàm líu lo câu vui đùa.
Ðời đang như chiếc áo thơm tho
Chợ chiều tan trong khói lam mơ
Sầu đem tới bản thôn tít mù...
Từ đâu xa, xa gánh đưa đưa
Mầu áo chàm líu lo câu vui đùa.
Ðời đang như chiếc áo thơm tho
Chợ chiều tan trong khói lam mơ
Sầu đem tới bản thôn tít mù...
Một bài hát khác cũng được soạn ra trong chiến dịch này là bài Bông Lau Rừng Xanh Pha Máu mà có lúc tôi đã quên hết lời ca, nhưng khi tôi trở về Việt Nam thì tự nhiên nó sống lại trong trí nhớ :
Bông Lau, Bông Lau rừng xanh pha máu
Hương thơm sơn khê toàn dân yêu dấu
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
Và quân Pháp một đi không về...
Bông Lau, Bông Lau mồ chôn quân Pháp
Hương thơm sơn khê toàn dân yêu dấu
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
Và quân Pháp một đi không về...
Bông Lau, Bông Lau mồ chôn quân Pháp
Biên cương ghi danh ngàn đời về sau
Khi dân nghe súng vang, quân ta đang giết thù
Mừng chiến sĩ Việt Nam lập công…
Những hình ảnh oai hùng của chiến sĩ và của nhân dân trong thời đó cũng lung linh hiện ra trước mắt :

Nữ dân quân miền núi

Ra sa trường

Ôi Việt Bắc !
Đồng thời, những ca khúc khác cũng đua nhau ra đời ở đây trong giai đoạn này, như bài :
Việt Bắc ú u ! Việt Bắc ú u !
Chốn đây đồi núi ú u !
Chốn đây rừng rú ú u !
Chốn đây toàn dân biên khu
Theo cha già tiến ra một mùa Thu...
Chốn đây đồi núi ú u !
Chốn đây rừng rú ú u !
Chốn đây toàn dân biên khu
Theo cha già tiến ra một mùa Thu...
Một bài hát khác có tính chất dân ca đã như là vừa mọc lên từ một ruộng lúa ở vùng Lạng Sơn, sau một ngày một đêm tôi trốn đơn vị để vượt dăm bẩy ngọc núi, theo chân một sơn nữ về bản thôn tít mù…
Nương Chiều
Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi ! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi ! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
. . . . . . .
Chiều ơi ! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ,
Cô nàng về để suối tương tư Ới chiều...
Chiều ơi ! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương Ới chiều...
Cô nàng về để suối tương tư Ới chiều...
Chiều ơi ! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương Ới chiều...
Trong chuyến đi công tác tại ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng (Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn ) này, tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên được là : tại một làng kia, sau khi chúng tôi úy lạo dân làng bằng một số bài thơ, bài ca thì một bà lão xung phong lên sân khấu hát tặng đội văn nghệ. Bà giới thiệu bài hát là một điêu cổ truyền nhưng khi bà cất tiếng hát thì ai cũng nhận ra đó là bài Nhớ Người Ra Đi của tôi vừa viết ra vài tháng trước :
Ai có nghe khúc hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc canh khuya
Người con đã ra đi... vì nước...
Bài này chịu ảnh hưởng mấy câu thơ rất lãng mạn của Lưu Trọng Lư đã vào nằm trong đầu tôi từ lâu :
Ai có nghe tiếng hát chị đò đưa
mà không nhớ thương người quả phụ...
Nằm ấp bóng trăng thưa...
mà không nhớ thương người quả phụ...
Nằm ấp bóng trăng thưa...
Lúc bấy giờ, khi tôi tới được xứ Lạng rồi thì tôi không còn mơ tưởng nàng Tô Thị như ngày còn bé nữa, tôi đã tới một chân núi để chiêm ngưỡng người phụ nữ bằng đá – theo Lê Thương, bạn tôi – đã…
… đứng đợi nghìn năm...,
Một nghìn năm khác sẽ qua
Đến khi núi lở sông mòn
Mới mong (tôi đổi thành) “mất” Nàng Vọng Phu…
Đến khi núi lở sông mòn
Mới mong (tôi đổi thành) “mất” Nàng Vọng Phu…


Cận hình
Lần đi thăm Lạng Sơn trong năm 2000, tôi dắt các con đi theo… Tạm biệt biểu tượng của lòng chung thủy, bố con tôi kéo nhau đi thăm ngôi chùa trong động đá…
Chùa Tam Thanh này trước kia gồm ba chùa nhưng nay chỉ còn hai mà thôi. Một chùa đã bị phá hủy khi xẩy ra cuộc xung đột Trung-Việt. Cổng chùa xây bên ngoài, bên trong là một cửa hang khá lớn, có tượng ông Thiện, ông Ác ở hai bên. Vào trong hang là được hưởng ngay một sự êm ả và mát dịu chưa từng thấy. Tôi đã đi thăm nhiều “chùa trong hang động”, nhưng ít khi tôi tìm thấy một cảm giác êm dịu như ở đây. Có lẽ huyền thoại nàng Tô Thị với chùa Tam Thanh đã nằm trong tôi từ khi tôi vừa cắp sách đi học. Hoặc vì hiện nay hang chùa này chưa bị Sở Du Lịch cho người tới trang hoàng bằng đèn néon sặc sỡ.
Trong hang, vì kính trọng cả hai ông Thiện, ông Ác, tôi tới lạy xin hai ông cho tôi được ngồi ở giữa, xin không thiên vị ông nào cả vì tôi bẩm sinh là người chỉ thích độc lập !

Lạng Sơn còn là nơi tôi và thi sĩ Hoàng Cầm từ Bắc Giang tới công tác trong thời gian tôi gia nhập đội văn công của anh. Tôi tuy là nhạc sĩ nhưng rất yêu thơ cho nên được Hoàng Cầm cho ra sân khấu ngâm thơ chung với anh những bài thơ vừa được anh sáng tác cho quân đội như Đêm Liên Hoan :
Đêm liên hoan đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn.
Biết bao nhiêu Vệ Quốc Quân lao đầu vào giặc sau khi nghe những lời thơ đầy hào khí và thân thiết này :
Trong tiểu đội của anh
Những ai còn ai mất ?
Không ai còn, ai mất
Ai cũng chết mà thôi.
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vừng nghìn thu một giống nòi
Dù ta thịt nát sương rơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam...
Những ai còn ai mất ?
Không ai còn, ai mất
Ai cũng chết mà thôi.
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vừng nghìn thu một giống nòi
Dù ta thịt nát sương rơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam...
Ngoài bài thơ Đêm Liên Hoan soạn cho riêng tập thể chiến sĩ, Hoàng Cầm -- cũng như tôi lúc đó -- rất quan tâm tới người dân thường. Lúc đó tôi cũng đã đưa vào loại dân ca kháng chiến của tôi những hình ảnh anh thương binh, người mẹ già, người vợ hiền, đàn trẻ nhỏ... nhiều hơn là hình ảnh Vệ Quốc Quân. Hoàng Cầm, qua bài Bên Kia Sông Đuống, cũng đưa ra một cách tuyệt vời những hình ảnh cô hàng sén răng đen, môi cắn chỉ quết trầu, cụ già phơ phơ tóc trắng, em bé xột xoạt quần nâu... Những nhân vật đó lại càng nổi bật hơn lên khi được đặt vào khung cảnh tuyệt vời của miền Kinh Bắc hiển hách đó. Ai mà không muốn chiến đấu để gìn giữ cảnh vật và những con người thân yêu đó ? Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng, có khi chỉ cách một đồn địch chừng vài ba cây số.
Vào khoảng đầu năm dương lịch 1948 tức là sắp sửa tới Tết âm lịch, trong chiến dịch thi đua lập chiến công, Hoàng Cầm sáng tác thêm một bài thơ nhan đề Tâm Sự Đêm Giao Thừa mà tôi cho là tuyệt vời. Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh một người lính giữ nước, đang đứng gác trong một khu rừng vắng, giữa đêm giao thừa :
Đêm nay hết một năm
Phải gác tới giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa...
Phải gác tới giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa...
Anh Vệ Quốc Quân này có một người vợ vừa sinh nở được một mụn con. -- Hoàng Cầm đưa ra hình ảnh của người vợ lính vì liên tưởng tới vợ mình -- Người vợ lính đang phải sống lần hồi với một quán hàng trong một phiên chợ nhỏ, quán vắng khách, người thiếu phụ thiếu ăn, không đủ sữa cho con bú. Vì đêm nay là đêm giao thừa và theo thông lệ, dù trong hoàn cảnh chiến tranh, người lính biên thùy (cũng như chàng thi sĩ) cũng muốn có một cái quà gì để gửi về hậu phương cho vợ con nghèo đói. Nhưng chiến sĩ Việt Nam nghèo lắm cho nên chỉ có thể gửi cho vợ con một cái quà qúy giá nhất là sự lập chiến công của mình. Người lính tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang đói ăn nên không có sữa cho con bú, nhưng nghe tin chồng thắng trận thì vui mừng quá, máu bỗng chẩy mạnh trong huyết quản của người vợ lính, sữa bỗng đâu căng lên đầu vú, đứa con bỗng có đủ một miếng sữa no trong ngày vui của dân tộc này. Hoàng Cầm đã đem đưọc yếu tố sinh lý vào một bài thơ yêu nước. Trong toàn thể bộ thơ kháng chiến, tôi không hề thấy có ai làm được việc này. Bài thơ kết thúc với những câu thơ vẫn vô cùng thân yêu và đầy hào khí như trong những bài thơ khác của Hoàng Cầm :
Cha con ăn Tết lập lập công
Cho sữa mẹ chẩy một dòng nghìn thu.
Cha đem cái chết quân thù
Làm nên sức sống bây giờ của con.
Cho sữa mẹ chẩy một dòng nghìn thu.
Cha đem cái chết quân thù
Làm nên sức sống bây giờ của con.

Ngoài công tác ủy lạo dân chúng và quân đội, chúng tôi cũng không quên tự ủy lạo mình : Bày trò đi nghe hát ả đào, Hoàng Cầm đóng vai cô đào, tôi đóng vai người đánh đàn đáy tửng từng tưng, một đoàn viên khác đóng vai quan viên đánh trống tom chát… Chúng tôi cũng hay chơi trò “xuất khẩu thành thơ” và vì đội viên trong đoàn toàn là kiện tướng thi sĩ cho nên đã có những bài thơ hay mà tiếc rằng tôi chỉ còn nhớ có dăm ba bài…
Trong quãng đời văn công, chúng tôi chỉ có thuốc lào, rượu đế và café là những đồ ẩm thực sang trọng nhất và thường kéo nhau đi tìm những quán café kháng chiến, dù quán đó ở xa nơi đóng quân tới 2, 3 cây số. Một hôm, tại một bản thôn không tên trong vùng Lạng Sơn, ngồi uống café với chủ quán là một thiếu nữ trẻ đẹp, chúng tôi và Hoàng Cầm cao hứng làm thơ !
Làm thơ Vịnh Cà Phê, soạn theo vần ''ơm'' rất khó khăn mà Hoàng Cầm đưa ra :
Một tách đưa lên khói bốc thơm…
Đỡ cơn mệt nhọc lại tiêu cơm
Tay pha ngọt nhạt đừng chê trách
Phích chẩy mau thưa chớ nguýt lườm
Nâng chén say sưa chàng liếm mép
Tính tiền e lệ thiếp che mồm
Sau khi uống cạn niềm yêu ấy
Đáy cốc soi hình bóng Lạng Sơn…
Đỡ cơn mệt nhọc lại tiêu cơm
Tay pha ngọt nhạt đừng chê trách
Phích chẩy mau thưa chớ nguýt lườm
Nâng chén say sưa chàng liếm mép
Tính tiền e lệ thiếp che mồm
Sau khi uống cạn niềm yêu ấy
Đáy cốc soi hình bóng Lạng Sơn…
Tiểu đề của trang này, vì thế, có thể thay đổi chút síu. Đó là :
Tôi Lên Xứ Lạng Cùng Anh !