Pham Duy 2010
Phòng Trà ở Việt Nam 2 (tiếp tục)
Xướng Ca Vô Loài !
 
PD, ca sĩ Phòng Trà “Nghệ Sĩ”, Huế-1945

Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui
Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây
Cùng bên ánh mầu sắc lạc lõng trong tiếng đàn hát… đêm khuya
Rồi bao nếp răn về với tháng năm, đời lãng quên rồi !
     
Có thể nói không có một người Việt Nam yêu nhạc nào mà không biết tới bài Ánh Đèn Mầu, nguyên là bài Eternally trong phim Limelight của Charlie Chaplin, do Nguyễn Xuân Mỹ soạn lời Việt, phát hành bởi nhà xuất bản An Phú ở Saigon vào năm 1955 và từ đó tới nay, đã do rất nhiều ca sĩ nam nữ hát trên các đài Radio, trong những buổi Đại Nhạc Hội, nhất là tại các phòng trà, vũ trường…

Hai năm sau, 1957, nhà xuất bản Hoa Thủy Tiên ở Saigon cho in ra một bài ca lời Việt nhan đề Tình Tôi của một người mang tên Anh Hoa, cũng soạn trên nhạc điệu của bài Eternally đó :
Tìm đâu những giờ phút êm đềm bên em,
Ngồi bên nhau mà hát theo đàn thâu đêm.
Trời về khuya vầng trăng lạc lõng nhìn em cặp mắt mơ màng,
Lòng tôi xốn xang, dìu em bước sang bờ cõi thiên đàng…

 
Ánh Tuyết
 
Vào khoảng năm 1960, một nữ ca sĩ nổi danh trong thời đại là Ánh Tuyết ở Saigon lại hát một bài gọi là Ánh Đèn Mầu do Khuyết Danh soạn lời Việt theo điệu Eternally trong một băng cassette của nhà xuất bản Première mà chủ nhân là nhạc sĩ Phượng Linh (Nguyễn Văn Đông):
Màn đêm buông dần xuống ánh đèn bừng lên
Là em đem điệu hát cho người vui thêm
Đời em đã là món quà quý đẹp trong làn mắt của ai
Mà khi nếp nhăn vùi theo tháng năm đời chóng quên dần…

Riêng tôi thì rất cảm kích sau khi đã coi cuốn phim Limelight của Charlie Chaplin và cảm thương cho cuộc đời ca sĩ của mình cho nên cũng soạn một bài ca tiếng Việt cho Eternally, do nhà xuất bản Bút Nhạc ở Saigon ấn hành trong tháng 8 năm 1973:
Ánh Đèn Sân Khấu
(trong phim Limelight)
Phiên Khúc 
Đời nghệ sĩ giang hồ
Sống mỗi đêm vì ánh đèn.
Đèn vụt tắt đi rồi
Phấn son kia cũng phai mầu
Đời mình sẽ đi vào
Chốn tối tăm và u sầu bơ vơ.
Điệp khúc:
Là giun dế nhỏ bé
Trong bụi cỏ lau.
Mà đi mơ tình lớn
Yêu vòm trăng sao.
Là con sâu nằm kín ở trong tổ kia mà ước giang hồ.
Là ta mỗi đêm
Đèn sân khấu soi
Một kiếp u hoài…

Là nghệ sĩ nghèo khó
Yêu nàng minh tinh.
Từng đêm mơ được chết
Trong vòng tay xinh,
Được là ngư phủ với giọng hát Trương Chi.
Được ôm lấy vai
Mỵ Nương thắm tươi suốt đời…

       Khi tôi qua sinh sống ở Hoa Kỳ, vì cô cháu là nữ ca sĩ Ý Lan muốn thu thanh bài Ánh Đèn Sân Khấu kể trên và vì lúc đó tôi không còn giữ được lời ca này, cho nên tôi đã viết ngay một bài ca khác dưới tựa đề Đời Ca Nhi (Ánh Đèn Mầu), để cho Ý Lan thu vào CD… rồi tôi cho đăng bài này lên web phamduy.com :

Đời Ca Nhi
(Ánh Đèn Mầu)
theo bài Eternally trong phim Limelight của Charlie Chaplin
Lời Việt : Phạm Duy
Màn nhung đen mở với ánh đèn mầu soi
Để em tung mở tiếng ca ngọt làn môi.
Đời thiêu thân thẳng lao vào ánh đèn soi đầm ấm đêm nồng
Để đom đóm kia, nhiều khi chết tan, cả xác lẫn hồn...
Đời ca nhi mờ tối dưới mặt trời vui
Chỉ bừng lên vào lúc ánh đèn mờ soi
Tỏa hào quang rực rỡ vào mắt môi ai
Người ca sĩ mong đừng tan bóng đêm, suốt đời...

Màn nhung đen mở với ánh đèn mầu soi
Để em tung mở tiếng ca ngọt làn môi
Đời thiêu thân thẳng lao vào ánh đèn soi đầm ấm đêm nồng
Để đom đóm kia nhiều khi chết tan, cả xác lẫn hồn...
Còn xuân xanh để khiến cho đời mê man
Rồi nhan sắc giọng hát phai cùng thời gian
Người ca sĩ chờ khi đèn tắt trong đêm
Màn buông xuống cho đời quên lắng lo, ráng quên...
(Người ca sĩ mong đừng tan bóng đêm, suốt đời...)
 
Có thể nói bài Eternally hay là Ánh Đèn Mầu, trong suốt thời gian chuẩn bị, thành lập và phát triển của Tân Nhạc Việt Nam -- dù với lời của ai đi nữa -- là một bài hát độc nhất nói tới một hạng người mà trước 1945, chưa bao giờ có mặt trong xã hội nước ta. Vì thành kiến xướng ca vô loài  cho nên trong lịch sử ca hát như Hát Chèo, Hát Ả Đào, Ca Huế trước đây chẳng hạn -- ngoại trừ Hát Cải Lương Nam Kỳ -- ta không bao giờ biết tới tên tuổi, tài năng, lý lịch của một đào nương, một đào hát nào cả ! Có chăng là vài bức ảnh:
 
Trái : Cô Nhơn của Ca Huế (thời Thúc Giạ Thị Ưng Bình)
Phải : Đào Tam của Hát Chèo (thời Nguyễn Đình Nghị)

Nếu tôi không có cơ hội được đọc một bài nghiên cứu của nhạc học gia Jason Gibbs thuật lại rằng vào năm 2001, báo New York Times có đăng một bài báo nhan đề "Một truyền thống dân gian đang tàn lụi nhưng giai điệu còn dư âm…" thì chẳng bao giờ tôi biết được rằng trong giới ca trù có một bà tên là Phạm Thị Mùi, đã 85 tuổi, một trong những nghệ nhân lớn cuối cùng của hát ả đào hãy còn sống vào năm đó. Tới lúc bấy giờ tôi mới hiểu ra ý nghĩa của danh từ cô đầu : người xưa gọi đào hát ca trù là cô đào, nói chệch là cô đầu.

Chúng ta khó tưởng tượng được cảnh một vị thượng thư, một ông Tổng Đốc hay một Quan Huyện thuở xưa kéo nhau đi nghe hát ca trù… nhưng dưới thời Ngô Đình Diệm, tôi biết có nhiều quan chức tới lui phòng trà Đức Quỳnh ở Đường Cao Thắng hàng tuần để nghe và nhìn những ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương hay Yến Vỹ hát, ví dụ ông Tôn Thất Thiện, Bộ Trưởng Thông Tin một thời, ông Đặng Đức Khôi, cố vấn trong bộ Ngoại giao v.v... Và có những ông quan to của chế độ cũ còn lấy ca sĩ làm vợ như Tướng Vĩnh Lộc (lấy ca sĩ Minh Hiếu) hay ông Cao Xuân Vỹ (lấy ca sĩ Thanh Lan). Đó là chưa kể nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng đã trở thành nội nhân của một ông Phó Thủ Tướng.

Từ  khi có Phòng Trà ở Việt Nam, vào lúc khởi đầu (1945), tôi không nhớ rõ là trong một đêm, tiền thù lao của một ca sĩ là bao nhiêu nhưng khi phong trào phát triển (1960) thì ca sĩ nào cũng sống được bằng nghề đi hát, dường như ca sĩ nào cũng có nhà lầu, xe hơi. Địa vị của họ trong xã hội Việt Nam không còn thấp kém như trước nữa. Còn có thể nói rằng ca sĩ là những người được dân chúng chú ý tới nhiều nhất, hằng ngày, hằng tuần ca sĩ có mặt trên báo chí với những chuyện đời tư hay công cộng, chuyện bình thường hay chuyện giật gân.
 
Hiện tượng này thì ở nước nào cũng thế, bên Mỹ, bên Anh, bên Pháp, bên Nhât… lúc nào ca sĩ cũng là hạng người nổi đình đám nhất trong xã hội. Nhưng ở những nước đó, họ coi trọng ca sĩ từ lâu và còn giữ lại được đầy đủ tông tích, tài năng, huyền thoại của từng người. Tôi còn nhớ hồi qua Nhật Bản, tới chơi nhà một ngưởi bạn, tôi hát chơi một bài nhan đề Kohan No Yado, phổ biến tại Việt Nam hồi Nhật xâm chiếm Đông Dương. Hôm sau chủ nhân cho người đem tới tặng tôi một đĩa CD và một bài viết về tác phẩm và tác giả của bài hát đó. Ở bên Pháp, nữ ca sĩ Edith Piaf còn được coi như mang tâm hồn của dân tộc mình. Ở Hoa Kỳ, ngôi mộ của Elvis Presley, sau nhiều năm ca sĩ này quá cố, vẫn là nơi được thiên hạ đua nhau tới thăm viếng.  
 
Nói tóm lại, ở Việt Nam, thành kiến xướng ca vô loài mà người xưa gán cho những người theo nghề ca sĩ, vào giữa thế kỷ 20 đã không còn tồn tại nữa rồi. Ca sĩ sẽ là người có hạng trong xã hội. Họ sẽ có mặt trên đài phát thanh, trên sân khấu và nhất là tại những phòng trà và những khiêu vũ truờng.
 
Xin bạn đọc cùng tôi bước vào café concert hay là phòng trà Việt Nam…
 
 
 
 
 
 

Các bài khác: