Pham Duy 2010
Phòng Trà Ở Việt Nam 3 (tiếp theo)
Phòng Trà Đầu Tiên
 Ở Hà Nội

Nguyễn Xuân Khoát
 
Khi tôi mới 15, 16 tuổi (1935, 36), Hà Nội hãy còn là đất thuộc địa của Pháp, chỉ có một hay hai café-concert như nhà hàng Taverne Royale, ở góc đường Paul Bert/Bờ Hồ chẳng hạn. Ban nhạc gồm toàn những người vừa mới học nhạc tại một nhạc viện do người Pháp mở ra từ năm 1927, lấy tên là CONSERVATOIRE FRANCAIS d'EXTREME-ORIENT, trường này cũng chỉ mở ra trong vài năm thì đóng cửa. Các nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ nhất này là các ông Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Văn Nhường v.v… được mời làm việc cho một trong những phòng trà (café-concert) đầu tiên ở Việt Nam nhưng chủ nhân là người Pháp và chỉ chơi nhạc Âu Mỹ mà thôi ! Hình như trước khi hành nghề tại nhà hàng Taverne Royale, họ đã chơi nhạc tại Hotel Metropole trong một thời gian ngắn.
Tới năm 1945, khi tôi đã 24, 25 tuổi, trên thế giới có Thế Chiến Hai, tại Việt Nam có Nhật đảo chánh Pháp, có Cách Mạng tháng Tám, rồi có Pháp đem Quân Viễn Chinh qua với ý định chiếm lại Đông Dương… tôi giã từ nghề hát rong trong gánh cải lương Đức Huy để từ Saigon trở về Hà Nội. Nhưng ngay sau đó không lâu, khi có phong trào Nam Tiến, tôi xung phong trở lại miền Nam để “đánh Tây” trong vài tháng.
 
Khi trở ra miền Bắc, tôi dừng chân tại Huế và được hai nơi “gọi là” phòng trà vừa mới khai trương mời tôi tới hát. Một là nhà hàng Tam Tinh, chủ nhân là Nguyễn Đăng Xương vốn là một người bạn cũ. Hai là Quán Nghệ Sĩ của anh chị Quốc Thuận. Tại Quán này, tôi có thêm anh bạn Bùi Công Kỳ cùng đứng trên sân khấu.
 

Bùi Công Kỳ và PD
(Quán Nghệ Sĩ, Huế, 1945)
 
Thỉnh thoảng có giọng nữ tài tử Kiều Miên tới Quán Nghệ Sĩ tham gia chương trình. Những bài hát nổi danh đương thời như Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được hát lên tại đây. Bùi Công Kỳ và Kiều Miên còn hát những bài của Đặng Thế Phong như Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu và tôi thì hát Cô Hái Mơ, Cây Đàn Bỏ Quên...Đặc biệt bài Hồn Việt Nam, thơ Phan Bội Châu do Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc, được hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là nhờ ở giọng hát tenor và cách diễn tả hùng hồn (nghĩa là không bi lụy) của Bùi Công Kỳ :
Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ
Chết anh hùng và không khuất phục ai…

Nhưng ta không thể nói rằng hai nhà hàng này là phòng trà hay café-concert thuần túy được, bởi vì nó không có ban nhạc, ca sĩ tự đệm đàn guitare mà hát. Phòng trà Việt Nam, ngay từ lúc khởi đầu, là nơi người ta tới để coi “shows” như thể đi coi một “tiểu nhạc hội”. Với giọng hát hay đến mấy mà ít ca sĩ, ít tiết mục cũng như thiếu sự kích động của giàn nhạc thì không chóng thì chầy, nhà hàng phải đóng cửa. Tôi và Bùi Công Kỳ vác khăn gói quả mướp trở ra Hà Nội.

Khi tôi trở ra Hà Nội thì phong trào đi nghe nhạc ở phòng trà đang nở rộ. Tân Nhạc, sau năm, bẩy năm thành lập, đã có khá nhiều bài bản, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ… Và đã có đủ khán thính giả bỏ tiền đi coi.

Những phòng trà (café-concert) của thời đại là : Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển. Có ban nhạc đồ sộ gồm những nhạc công hay nhất thủ đô. Có nam ca sĩ Mai Khanh hát bài Bên Hồ Liễu của Thẩm Oánh với giọng hát rất truyền cảm. Nữ ca sĩ Bùi Thị Thái, người vợ tương lai của ông Quản Liên, Trưởng ban Quân Nhạc thì chuyên hát bài Con Chim Lạc Bạn của Phạm Văn Chừng. Thỉnh thoảng có Dương Thiệu Tước tới đánh guitare hawaienne và có Thẩm Oánh tới làm xướng ngôn viên.

Theo Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh trong Câu chuyện âm nhạc đăng trên tập san Thế Kỷ 21 số tháng giêng, 2005 thì trước 1945, tại Hà Nội, khi nói tới nhân tài về âm nhạc (cổ-điển Tây phương) người ta thường chỉ nói tới hai người : Nguyễn Văn Hiếu đàn dương cầm và Nguyễn Văn Giệp, đàn vĩ cầm. Anh Hiếu người thấp nhỏ, hiếu động, hay nói, gần như láu táu. Vì bàn tay nhỏ nên anh đã vâng lời ông thầy cắt các kẽ ngón tay để dễ bề chơi đàn hơn.  


Pianist Nguyễn Hữu Hiếu

Chú thích.- Tôi không tìm đâu ra ảnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp. Ai có hình của Ông Giệp thì cho tôi mượn. Cám ơn

Anh Giệp tương đối cao lớn, khá mập mạp, dáng điệu đường bệ và chững chạc, nhưng khi anh trình diễn, chiếc vĩ cầm được xử dụng một cách thực lẹ làng khéo léo như một món đồ chơi nhỏ ở trong đôi bàn tay thô mập và chắc nịch của anh. Chị Giệp là người buôn bán nhưng cũng có chơi vĩ cầm. Anh chị Giệp là chủ nhân một lò bánh mì khá lớn ở giốc hàng Giò (Bánh mì Gia Long) và nghề đàn đối với anh Giệp chỉ là một thứ đam mê văn-nghệ mà thôi, khác hẳn với nghề nhạc sĩ chuyên-nghiệp của anh Hiếu.
 
Đã khác nhau về thể chất lại thường trình diễn cặp đôi với nhau nên người ta thường ví hai anh với cặp hề hài hước Laurel và Hardy. Sau cách mạng Việt Minh, tôi thường được nghe các anh trình diễn tại hội Khuyến Nhạc Hà Nội (số 3 phố nhà Chung), nhà Hát lớn và nhất là về sau này, vào mỗi buổi tối tại phòng trà Quán Nghệ Sĩ ở một góc phố phía bắc bờ hồ Hoàn Kiếm (gần rạp chiếu bóng Philharmonique ở phía bên kia đường Bờ hồ, con đường xưa có cái tên Tây là Avenue Francis Garnier). Tuy được nghe các anh trình diễn nhiều lần nhưng phần nhiều là những bản nhạc Việt rất được bà con yêu chuộng lúc bấy giờ, chẳng hạn như Thiên Thai, Con Thuyền Không bến, Đêm Thu v.v. kể cả các bài ca ái quốc của Thẩm Oánh, Văn Cao, Đỗ Nhuận v.v. rất thịnh hành lúc đó, thỉnh thoảng lắm mới được nghe các anh chơi những bản nhạc nhẹ như Rêverie, Méditation de Thais, Clair de lune, Sérénade, Fur Elise v.v… Vì lúc đó là thời “cách mạng,” nên không biết đối với hai anh có phải là một chuyện miễn cưỡng hay không, nhưng đối với những người yêu nhạc mong muốn được nghe các anh trình bày những bản nhạc giá trị thực sự cổ điển thì đó là một sự mất mát rất lớn. Nhưng dẫu sao, buổi tối khi trời trở lạnh, ngồi nhâm nhi tách cà-phê hoặc chocolat nóng (mới xuất hiện trở lại sau năm năm chiến tranh dài đằng đẵng) tại Quán Nghệ sĩ nghe cặp Hiếu, Giệp chơi đàn quả là một hạnh-phúc. Cho tới nay tôi chỉ nhớ lờ mờ là về phương diện nghệ-thuật hai anh chơi thiệt xuất sắc, nhưng mỗi khi trình diễn nhạc cổ điển, nếu không được yêu cầu chơi những bản đặc biệt, các anh thường chọn những sonatas, variations, suites, nocturnes v.v nói tóm lại, thường là những khúc nhạc không tựa đề, nặng về kỹ-thuật, nghe rất khó đối với những người trình độ nghe nhạc cổ-điển còn thấp kém là chúng tôi lúc đó. Có lẽ chính vì thế mà có nhiều người nói tiếng đàn quá điêu luyện của hai anh, nghe hay thì thực hay, nhưng thiếu tình cảm, thiếu cái chất “ướt át.” Riêng tôi, tôi rất thích bản Invitation à la danse và một số tác-phẩm của Chopin anh Nguyễn Văn Hiếu thường độc tấu theo lời yêu cầu của các thính giả ái mộ anh như Etude en Mi (Tristesse), Military Polonaise, Rondo all Turco v.v.

Ở phố Hàng Bông, có Phòng Trà Thăng Long với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường… Ca sĩ là tài tử có giọng soprano  Minh Đỗ

Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có thêm Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo tây và đánh guitare tay trái. Nói về nhạc sĩ Vũ Thành thì ông là một trong những người viết nhạc đầu tiên của Tân Nhạc.



Nhạc sĩ Vũ Thành

Đầu thập niên 40, nhạc Việt còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung và một số của Văn Cao. Ca khúc Vũ Thành có nét nhạc thanh tao, óng ả đem đến một luồng không khí mới mẻ cho Tân Nhạc. Lấy ví dụ bài Say Nhạc Canh Tàn:
Gió xuân đưa mây chiều về
Nắng Xuân đưa tin nhạn về
Giờ này hương lúa thương gợi tình quê
Lòng người tha hương khóc biệt ly
Gió Xuân đưa hương ngập trời.
Ý Xuân thiết tha nghẹn lời
Giờ này ngân phím loan nặng tình phai
Đàn buông lãng du hồn u hoài…

Đêm tha hương lắng trong ly rượu ngát hương
Gấc cô miên canh trường
Hồn người chinh phụ cuốn theo mây nơi sa trường
Âm thanh xưa lả lướt trên đường tô
Nằm gieo mối cùng sầu lai láng mơ hồ
Ôi quê hương thấu chăng bao niềm luyến thương
Biết chăng bao đêm trường,
Nhẹ lần đường tơ phím, quan sa tình hờ
Ôi than chi còn nhắc chi tình xưa
Hồn say tiếng đàn hòa thêm khúc đàn lắng mơ hồ…

        Cũng vẫn là tình cảm chung của các nhạc sĩ thời đó, nói tới tình quê, tiếng tơ, mối sầu (không hiểu vì sao mà sầu?), ca tụng thiên nhiên… nhưng ca khúc Vũ Thành không nằm trong thể tango, rumba hay slow fox mà mang tính chất bán cổ điển Tây Phương, nghe rất sang trọng, quý phái. Tôi tin rằng ca sĩ thời đó như Minh Đỗ là phải chọn nhạc Vũ Thành để hát tại phòng trà…
Trong đám nam ca sĩ lúc đó, không biết Kim Tiêu hát ở phòng trà nào, nhưng tôi cho rằng anh là người hát hay nhất, giọng hát của anh có tính chất Việt Nam nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn Tàn Thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng. Rất tiếc là tôi không tìm đâu ra một đĩa hát ghi lại giọng ca rất truyền cảm của anh… Theo lời kể lại trong một bài viết của nhà thơ Văn Thao -- con của nhạc sĩ Văn Cao -- thì Kim Tiêu và Văn Cao cùng có chung một tình cảm đẹp với một thiếu nữ. Người đó đã từng có lúc cho Văn Cao những xúc cảm chơi vơi, đáng ghi nhớ để ông viết ra ca khúc Bến Xuân, nhưng ông đã nhường mối tình đó cho bạn, để kết duyên với bà Nghiêm Thúy Băng. Tới khi Kim Tiêu vác trầu cau tới xin cưới thì vì nhà gái thách cưới quá cao nên ông không thực hiện được ước nguyện, Kim Tiêu ấp ủ nỗi buồn chán vì phận nghèo nên đã cạo trọc đầu đi lang thang vào Huế…

Một người bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở ra ở phố Hàng Gai một phòng trà lấy tên là Thiên Thai, cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao. Đặng Trần Vận mời tôi tới hát tại Quán Thiên Thai


Đặng Trần Vận và PD

Đây là nơi tôi được các nhạc sĩ Trần Quang Trường (có thêm cái tên là ''Schubert giả''), Đỗ Lệnh Tâm (được gọi là Tâm '' Xì '' vì da đen như củ súng) và em là Đỗ Lệnh Kiên... đệm đàn cho tôi hát. Nhà hàng còn được trang hoàng bởi môt bức tranh lớn của hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Cũng tại phòng trà này, tôi lăng xê giọng hát phái nữ hay nhất của lúc đó là Thương Huyền. Tên thật của Nàng là Thường. Tôi đặt tên cho Nàng một cách rất giản dị, theo lối đánh vần : thương huyền thường. Ban ngày, trên căn gác hẹp của vợ chồng Văn Chung, tôi dạy cho Thương Huyền hát nhiều bài trong đó có bài Trào Lòng, một bài ca nhờ ở giọng hát ngọt như mía lùi của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng.

Thương Huyền

Có lẽ tôi phải nói kỹ tới bài hát Trào Lòng này là vì vào lúc đương thời, sau những bài có giá trị như Thiên Thai, Giọt Mưa Thu… nó có một đề tài mới mẻ và khác với hai bài kia cho nên nó rất lôi cuốn người nghe. Nó nói tới chuyện người say. Nó đưa ra tình cảm của một người tìm được hạnh phúc trong ly rượu. Nó là bài hát của Lý Bạch, của Thần Lưu Linh…
Trào Lòng
nhạc và lời : Hữu Hiệp, Hữu Châu
Lá vàng bay theo gió
Hoa tàn rụng bên sông
Ôi một chiều thu buồn
Ôi một chiều nhớ nhung
Hương tình vương bóng mây
Đàn mình dạo đắng cay…
Hồn mơ lạc bên tình
Tìm Thái Bạch, Lưu Linh…
 
Cho tới lúc bài Trào Lòng ra đời, trong Tân Nhạc chỉ có những bài than mây khóc gió, yêu nhau, nhớ nhau, quên nhau... Bài Trào Lòng cho ta một cảm súc mới : một cơn say làm cho trời đất cuồng quay…
Men nồng say ngây ngất
Cho trời đất cuồng quay
 
Nhìn ra sông nước, thấy tất cả đều quay, kể cả khói trên sông :
Nước dâng lên bóng in bầu trời hồng tươi
Mây xanh xanh, chen núi tím ngát,
Cánh buồm đào nào uốn quanh
Đây trắng trắng, khói mờ trên sông lướt quay…
 
Và thấy luôn một bầy tiên nữ múa may dập dìu :
Dăm cô tiên nữ xiêm áo trắng toát
Cánh vàng dập dìu đó đây…
 
Trong lòng bỗng dâng trào (vì thế mà ca khúc có cái tên là Trào Lòng) một tình cảm lãng mạn mà người say muốn nén xuống :
Thôi im đi tấm lòng !
Thôi quên đi tâm hồn !
 
Nhưng vẫn muốn là chàng Lưu (Lưu Linh hay Lưu Nguyễn?) tay sách một bầu rượu đỏ, ra đi…
Dăm cô tiên nữ xiêm áo trắng toát
Sách bầu rượu đào, chàng Lưu đi đó đây.
 
Rất tiếc là chưa đầy một năm, sau khi Thương Huyền hát bài Trào Lòng này, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tất cả các phòng trà ở Hà Nội đều đóng cửa, đa số nghệ sĩ bỏ thành phố ra vùng quê, không còn ai hát bài đó nữa ! Sau đó, tôi có gặp Thương Huyền ở vùng Thái Nguyên. Bà đã có chồng là Cục Trưởng Cục Quân Nhu. Khi kháng chiến thành công, bà trở về một Hà Nội không còn một sinh hoạt phòng trà nào cả, nhưng bà sẽ trở thành ca sĩ dân tộc, đi hát tại Đài Tiếng Nói Việt Nam và đi qua Trung Quốc để thu thanh giọng ca của mình vào dĩa hát. Những bài Thương Huyền hát là dân ca như Ru con Nam bộ, Ngồi tựa mạn thuyền v.v...
 
Nam ca sĩ còn có Ngọc Bảo là người không học qua một trường lớp nào về âm nhạc nhưng từ năm 16 tuổi ông đã tìm niềm say mê trong những bài hát của ca sĩ người Pháp Tino Rossi. Giọng hát du dương của Tino Rossi chính là động lực để ông bước vào con đường ca hát và chinh phục những bản tình ca lãng mạn.

 
 
Cần phải kể thêm là Hà Nội cũng có vài vũ trường như Lucky Star, Moulin Rouge, Victory, Hotel Splendide và có nhạc sĩ tiên phong Xuân Lôi (sinh năm 1917) đã từng thổi saxo tại các vũ trường này.

Tại đây, ban nhạc chơi nhạc Âu Mỹ và chỉ chơi một vài bản nhạc Việt Nam mà thôi. Khi xẩy ra cuộc toàn quốc kháng chiến, Hà Nội trở thành vùng địch chiếm thì nhạc sĩ Xuân Lôi hành nghề tại vũ trường Văn Hoa (1951), Le Coq D'or (1952). Khi đó chắc rằng ban nhạc chơi nhiều nhạc Việt Nam hơn.

 


 

 
 
 
 

Các bài khác: