Pham Duy 2010
Phong Trà Ở Việt Nam 4 (tiếp theo)
Phòng Trà
Trong Kháng Chiến

 

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (12-46), tôi vác đàn chạy ra Hà Đông và tới hát tại Đài Phát Thanh Kháng Chiến, nằm trong một cái hang ở chùa Trầm. Rồi tôi gia nhập đoàn Văn Nghệ GIẢI PHÓNG, đi từ Sơn Tây qua Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái… hát trên nhiều sân khấu ngoài trời ở các thị thành đã “tiêu thổ kháng chiến” hay tại những vùng thôn quê, hát cho dân chúng, bộ đội, thương binh nghe, lắm khi thèm hát tại một phòng trà nhưng không tìm đâu ra phòng trà để hát !


Trong đoàn Văn Nghệ Giải Phóng

 
Chỉ tới khi đoàn hát đến Lào Kay (1947) thì mới thấy có một phòng trà có cái tên là Quán Bên Thùy do Văn Cao làm chủ, tôi và nhạc sĩ Ngọc Bích bèn bỏ Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng, đầu quân vào làm việc tại đây ngay. Quán Bên Thùy này được mở ra không vì lý do nghệ thuật hay thương mại mà vì nhu cầu tình báo trong chiến tranh, cho nên khách vắng hoe, tôi có nhiều thì giờ để sáng tác. Bài Bên Cầu Biên Giới ra đời ở đây là vì tôi đang có một mỹ nhân (cựu vũ nữ, đang làm phục viên) để tỏ tình…
Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới…
 
Bài này được nhiều người thích, vì tính chất lãng mạn của nó. Nó được phổ biến rộng rãi ở vùng Việt Bắc rồi nhanh chóng lan về vùng suôi. Nó vốn là một bài hát muốn vượt mọi biên giới, biên giới trong lòng người cũng như biên giới giữa các quốc gia. Nó còn là một bài hát tiên tri nữa :
Ôi giấc mơ xưa mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên dòng sông Danube…
 
Sau đó vài chục năm, tác giả của nó đã có diễm phúc vượt khỏi biên giới để đặt chân tới cả hai nơi lãng mạn đó. Từ lúc Việt Nam chỉ có một hai phòng trà cho tới khi có hàng ngàn phòng trà, bài Bên Cầu Biên Giới lúc nào cũng được hát lên bởi hàng trăm ca sĩ. Tôi rất sung sướng vì một bài hát soạn ra trong một phòng trà vắng khách ở Lào Kay, về sau lại có một đời sống rất dài lâu tại các phòng trà.


Thế rồi vì Quán Biên Thùy vắng khách, tôi rời Lao Kay để đi tới nơi được gọi là “thủ đô kháng chiến” : Bắc Kạn. Một thành phố nhỏ bé ở Việt Bắc đang vắng vẻ bỗng dưng đầy nhóc những gia đình của nhân viên làm việc trong các cơ quan Nhà Nước mọc lên tua tủa ở những khu rừng chung quanh.
 
Tôi gặp rất nhiều bạn bè ở Hà Nội tản cư lên đây và khi một anh bạn vừa mới mở một quán cơm, biết tôi là ca sĩ phòng trà thì mời tôi tới quán giúp vui. Tôi không nề hà vì được hát là vui rồi ! Không cần sân khấu, đứng giữa quán, tôi cầm guitare hát véo von cho các thực khách nghe. Coi như đó là một quán cơm có nhạc (cabaret concert) thua gì một phòng trà (café concert) ? Những bài tôi hát ở đây chỉ có bài Bên Cầu Biên Giới là mới mẻ, còn lại là những bài ca quen thuộc của Văn Cao, Lê Thương, Đặng Thế Phong… nhưng cũng làm vui tai khán thính giả thực khách vừa phải xa Hà Nội, trong lòng hãy còn lưu luyến không khí phòng trà.
 
Vào tháng 10 năm 1947, Pháp nhẩy dù xuống Bắc Kạn. Tôi và Ngọc Bích vác ba lô chạy xuống Thái Nguyên rồi qua Bắc Giang. Gặp Hoàng Cầm ở đó, chúng tôi đầu quân vào một đội Văn Nghệ do anh làm trưởng đoàn. Đoàn gồm nhiều văn nghệ sĩ đã nổi tiếng : nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm, vợ chồng Văn Chung và Hiền saxo… Từ Bộ Chỉ Huy Chiến Khu 12 đóng ở Bắc Giang, chúng tôi đi lưu diễn tại những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng (Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn). 

Hoàng Cầm -- Phạm Duy

Đây là thời kỳ sáng tác rất sung mãn của tôi. Trong vòng một năm đi công tác, những bản Mùa Ðông Chiến Sĩ, Nhớ Người Ra Ði, Nương Chiều, Bông Lau Rừng Xanh Pha Máu, Ðường Lạng Sơn, Ðoàn Quân Việt Nam, Ngọn Trào Quay Súng, Dân Quân Du Kích… ra đời theo nhu cầu của đoàn Văn Nghệ và phản ánh từng chủ đề của cuộc chiến trước mặt. Nhưng những bài hát này chỉ được soạn ra để hát trên sân khấu, không có một bài nào phù hợp với không khí phòng trà, bởi lẽ làm gì có phòng trà nào ở những vùng núi rừng Cao-Bắc-Lạng âm u mà tôi gọi là “u tì quốc” này. Về sau, khi phòng trà phát triển, cũng không có ca sĩ nào dùng những bài ca chiến đấu này trên sân khấu phòng trà. Tôi ngộ ra rằng nhạc hùng không hợp với phòng trà, người ta tới đó là để nghe nhạc lãng mạn, nhạc buồn. Nếu một bài quân ca như Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà được hát ở đó thì bởi vì nó nói tới một chuyện tình buồn.
 
Vì tính tôi thích thay đổi lối sống, hơn nữa, sau một năm ở Việt Bắc, tôi đã ngán cảnh leo đèo, lội suối, ngủ rừng, sốt rét… một ngày nọ, tôi muốn về sống tại vùng suôi. Tôi và Ngọc Bích bèn chia tay với Hoàng Cầm, giã từ miền núi rừng để lội bộ về đồng bằng. Từ Bắc Giang, Bắc Ninh, len lỏi qua những đồn địch đóng lẻ tẻ ở dọc đường số 1, tôi rẽ sang Phúc Yên, Sơn Tây để xuống địa phận Hà Đông.
Vùng dưới lúc này vẫn còn an ninh vì Pháp không có đủ quân để chiếm đóng cả vùng thượng du lẫn vùng trung du hay vùng đồng bằng. Quân Pháp còn đang bận tâm ở chiến trường biên giới. Họ chỉ cho máy bay đi bắn phá những tỉnh nằm ngoài vòng đai lớn bao quanh thành phố Hà Nội, ở những nơi mà họ nghi ngờ là có kho đạn hoặc có Vệ Quốc Đoàn đóng quân.

Hình như cả Pháp lẫn Việt Minh đều muốn như vậy cho nên có một cái chợ trời rất lớn mọc lên ở làng Thịnh Đại, gần bến Đồng Quan thuộc tỉnh Hà Đông, chỉ cách vùng Quân Pháp chiếm đóng khoảng hai chục cây số. Chợ là nơi để Pháp tuôn hàng hoá Âu Mỹ ra vùng quê một cách dễ dàng và là nơi Việt Minh có thể mua những thứ cần thiết cho kháng chiến. Chợ trời này nằm ở ngay làng Thịnh Đại cho nên nó mang luôn cái tên là Chợ Đại. Chợ trải dài từ làng Đại cho tới làng Thần, nơi đây có một cái cống lớn để dẫn nước sông vào ruộng -- cho nên được gọi là Cống Thần -- từ đầu chợ tới cuối chợ chiều dài khoảng một hay hai cây số.
Chợ Đại-Cống Thần này nằm dọc theo ven bờ của một nhánh sông thuộc dòng sông Đáy, rất tiện lợi cho những ai từ mạn Phúc Yên đi xuống hay từ dưới Ninh Bình, Phát Diệm đi lên bằng thuyền. Ở đây có khoảng không dưới một trăm túp lều gỗ hay lều tranh do khoảng một trăm gia đình, dân số trên dưới 500 người, từ Hà Nội tản cư ra chỗ này và cất thành một cái chợ ven sông. Khác hẳn với đa số thị dân khác, hoặc có cha mẹ hay anh chị em ở trong gia đình làm việc cho các cơ quan kháng chiến và đi theo đơn vị lên Việt Bắc, hoặc là thường dân tản mác đi khắp các vùng quê và cố gắng hội nhập vào đời sống cày bừa trồng trọt của nông thôn, những người dân Hà Nội tới lập nghiệp (!) ở Chợ Đại-Cống Thần này không dính líu gì tới đời sống sản xuất hay tham dự vào một tổ chức kháng chiến nào cả. Họ sống nhờ ở nghề buôn đi bán lại đồ cũ, đồ mới. Đặc biệt là những thứ hàng ngoại hoá. Một giới làm ăn mới mẻ được mệnh danh là bờ lờ  (tức là buôn lậu) đã tạo ra ở đây một thị trường khá lớn để tuôn hàng hoá Âu Mỹ từ Hà Nội ra hậu phương.
-- Họ đi buôn hàng ngoại hoá ở đâu vậy ?
-- Thưa ở vùng tề ạ.

Chỉ cần ra khỏi Cống Thần-Chợ Đại khoảng chừng 10 cây số là tới vùng tề tức là những làng bị lính Pháp tới bình định (pacifier) và bắt dân làng phải thành lập những hội tề để làm việc cho Pháp. Nhưng bất cứ một hội tề nào làm việc cho Pháp vào lúc ban ngày, vào ban đêm họ bắt buộc phải theo Việt Minh thì mới sống được. Vùng tề được coi như là vùng sôi đậu và là nơi đã tạo ra nhiều câu ca dao của thời đại, ví dụ :
Ấm ớ hội tề
Sáng đi buôn lậu
Tối về Tây đen...
 
Câu ca dao này muốn nói tới những chị đi buôn lậu ở vùng tề, ban ngày thì đi lấy hàng hoá từ Hà Nội để chuyên chở ra hậu phương nhưng tới ban đêm thường hay bị lính Phi Châu bắt vào đồn để làm tình. Có người từ hậu phương vào tề để mua hàng trở ra thì cũng có người hằng ngày mặc áo blouson Tây, có cài bút máy Tầu, tay đeo đồng hồ Thụy Sĩ, chân đi dép Nhật... đang sống ở vùng tề bây giờ đi ra Chợ Đại để bán hết những thứ hàng mang trên mình, rồi lại trở về vùng tề. Do đó có câu ca dao :
Ấm ớ hội tề
Khi đi có dép
Khi về chân không...
 
Còn có một câu ca dao khác dùng để phê bình những người ở vùng tề, không bao giờ có lập trường vững chãi :
Ấm ớ hội tề
Chính phủ gọi về
Ra chiều bất mãn...
 
Vùng tề còn là nơi có người chỉ đường dẫn lối cho những ai muốn dinh tê vào thành.

Chợ Đại-Cống Thần mọc lên rất nhanh và trở thành một nơi thu hút những người ở các vùng khác. Những thị dân đi tản cư cho tới lúc này đều nhớ vỉa hè và đều chán cảnh đồng quê hay rừng núi, nghe tin đồn về “thiên đường” Chợ Đại thì ai cũng tìm mọi cách để tới nơi này, sống trong ảo ảnh của cuộc đời phố xá trước đây. Như tôi chẳng hạn. Tại đây, các quán ăn mọc lên như nấm, có nhiều món ăn mà chúng tôi từng thòm thèm trong mấy năm. Ví dụ món phở. Món này ở Việt Bắc cũng có nhưng tôi nghi ngờ là phở ở trên đó được nấu với thịt trâu hơn là với thịt bò.

Chợ Đại-Cống Thần chỉ đông người từ xế chiều cho tới nửa khuya. Ít ai ra chợ vào ban ngày vì sợ máy bay Pháp tới bắn phá. Đêm đêm, với ánh sáng của hằng trăm ngọn nến hay đèn dầu, với tiếng người vui đùa trò chuyện, với tiếng đàn ca văng vẳng từ trong quán ăn hay từ trong khoang của những chiếc thuyền đang trôi trên sông Đáy hay đang chen nhau đậu tại các bến, khung cảnh Chợ Đại-Cống Thần giống như những đêm hội hoa đăng của thời bình. Sống ở đây, người ta có thể tạm quên được những cam go của kháng chiến. Từ Việt Bắc đi xuống, từ Thanh Hoá và ngay cả từ Nam Bộ đi ra, ai ai cũng phải ghé lại nơi chợ trời (tương đối) khổng lồ này.

Khi bước chân tới đây, tôi gặp các văn nghệ sĩ đã đóng đô ở Chợ Đại từ lâu như thi sĩ Đinh Hùng, thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Lê Đại Thanh, nhạc sĩ Auguste Ngọc (người Pháp lai, đánh guitare rất giỏi), nhạc sĩ Canh Thân, nhạc sĩ Việt Lang (tên thật là Lê Qúy Hiệp), họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Tạ Tỵ. Giống như Phạm Văn Đôn và Quang Phòng trước đây ở Việt Bắc, hai họa sĩ họ Bùi và họ Tạ này cũng đang tổ chức một phòng triển lãm tranh tại một trường học gần Chợ Đại.

Tôi cũng được gặp hai người bạn làm nghề xuất bản là Nguyễn Văn Hợi (nhà xuất bản Thế Giới) và Nguyễn An Nghi. Ít lâu sau hai người này sẽ về thành và ấn hành nhạc của tôi trong vùng tạm chiếm, nhờ đó mẹ tôi có được một số tiền tác giả khá lớn. Trần Thiếu Bảo, Giám Đốc nhà xuất bản Minh Đức thì đang tản cư ở đây và sẽ là người xuất bản cuốn Những Điệu Hát Bình Dân Việt Nam của tôi, trong đó tôi ghi âm lại một số những bài dân ca cổ truyền như Cò Lả, Trống Quân, Hò Huế vân vân...

Ở Chợ Đại có khá nhiều phòng trà. Tại Quán Thủy Tiên, có ban nhạc gồm anh ''Cai Kèn'' tên là Cách thổi saxo, Chương ''Ve'' kéo acordéon, Paul Trí chuyên đánh piano nhưng vì nay không có đàn nên phải đánh guitare. Tội nghiệp Paul Trí có bàn tay đang bị ghẻ nặng cho nên chỉ có thể dùng ba ngón tay để bấm những hợp âm. Quán Thủy Tiên lại có thêm một món ăn mà trong kháng chiến ai cũng thích là : hai quả trứng sống pha với đường rồi quậy lên thành một ly thuốc bổ hạng nhất.
 
Paul Trí, bên phải, trong một ban nhac ở
Chợ Đại Cống Thần, 1948


Café Lan đông khách vì cô chủ quán có người chị lấy kép Cải Lương Huỳnh Thái, người được toàn dân phong cho mỹ danh Huỳnh Thái, cây sái của Bắc Việt -- sái đây là sái thuốc phiện -- khách tới đây hi vọng được gặp kép hát nổi danh.

Lại còn một cái quán nữa -- ở chợ Vân Đình, gần Chợ Đại -- có cái tên là Sem Sem, hình như do Tạ Đình Đề làm chủ. Nếu đánh vần theo kiểu bình dân học vụ thì là : Sờ em xem. Tức là quán Sờ Em.


Tạ Đình Đề, về già

Tôi hay la cà tới một quán có cái tên là Quán Thăng Long. Quán này là của ông bà Phạm Đình Phụng, thân sinh ra người cùng làm việc với tôi trong Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng trước đây là Phạm Đình Viêm (về sau có tên là Hoài Trung). Ông bà còn có mấy người con khác như Phạm Thị Thái tức Thái Hằng, Phạm Đình Chương (về sau có tên là Hoài Bắc) và Phạm Thị Băng Thanh (về sau có tên là Thái Thanh). Lúc còn ở Sơn Tây, nhà ông bà Phạm Đình Phụng bị Pháp oanh tạc làm chết người con gái lớn, ông bà cùng gia đình tản cư xuống Chợ Đại, mở quán Thăng Long để sinh sống. Dường như tất cả văn nghệ sĩ tản cư ở Chợ Đại đều hàng ngày hẹn hò nhau tới quán Thăng Long. Bùi Xuân Phái với đôi mắt xanh biếc ngồi uống cà phê một mình hay với bạn bè gần như suốt buổi. Antoine Ngọc vác guitare tới dạy nhạc cho Phạm Đình Chương. Ngọc Bích mê mấy cô gái trong quán nên tới hát hung hăng không mỏi mệt. Riêng tôi thì vì là bạn đồng nghiêp xưa với Phạm Đình Viêm nên ngoài những đêm ngủ đò được ngủ lại trong Quán, xếp hai cái bàn ăn thành một giường ngủ. Để trả ơn, nhiều khi tôi cao hứng nhẩy lên bàn ăn, đứng ngâm thơ Hoàng Cầm sang sảng. Quán Thăng Long bỗng trở nên một quán nhạc thu hút rất đông thực khách. Được sống lại không khí phòng trà, tôi có cảm hứng để viết ra ở Chợ Đại một bản nhạc tình là Tiếng Đàn Tôi.
Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ sót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu…

Người đẹp giúp tôi cảm hứng để sáng tác ra bài này tên là Hiếu cho nên điệp khúc có câu :
Hương Hương nàng ơi ! (cũng vần H)
Nàng về xõa tóc không lời
Hương Hương nàng ơi !
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi…

Bài này được yêu thích ngay vì trong kháng chiến chỉ có nhạc mạnh mẽ, hùng dũng, nay có một bài êm ái, ướt át thì người ta dễ bị cám dỗ ngay. Sau một thời gian, gia đình Thăng Long rời Chiến Khu Ba vào Chiến Khu Tư vì lý do cả 4 người con đều gia nhập Đoàn Văn Nghệ của Trung Đoàn 9, đóng quân tại làng Quần Tín, Thanh Hóa. Đây là đất của Tướng Nguyễn Sơn, nổi danh về quân sự và nhất là về văn hóa cho nên văn nghệ sĩ tụ họp ở đây rất đông. Ngoài Đoàn Văn Nghệ gồm toàn những tay to mặt lớn trong ngành ca diễn, còn có Hội Văn Nghệ và một trường Văn Hóa mà các giảng viên là Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đức Quỳnh, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Chu Ngọc, Bửu Tiến và Phạm Mỹ.
 
Một hôm, tôi gặp anh Trần Văn Giầu ở Chợ Đại và có ý định theo anh vào miền Nam chiến đấu, nhưng trên đường Nam Tiến, tôi dừng chân ở Thanh Hóa và vì cảm phục Tướng Nguyễn Sơn cho nên tôi ở lại luôn Khu Tư, gia nhập Đoàn Văn Nghệ do Phạm Văn Đôn làm trưởng đoàn. Ba anh em họ Phạm (Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Phạm Thị Thanh và Phạm Thị Thái) cũng đang là đoàn viên của đoàn văn nghệ.
 
Trong hai năm 48-49, ngoài việc đi hát cho bộ đội và dân chúng nghe, tôi soạn ra những bài ca phản ánh những đề tài mà Tướng Nguyễn Sơn đưa ra trong các chiến dịch “thi đua” và “đại hội tập” như Thi Ðua Ái Quốc, Rèn Cán Chỉnh Quân, Một Viên Ðạn Là Một Quân Thù.Bài Thíếu Sinh Quân cũng ra đời trong dịp này.
 
Rồi khi Tướng Nguyễn Sơn khuyến khích Văn Nghệ Sĩ nên vào Bình-Trị-Thiên để lấy cảm hứng sáng tác thì tôi soạn ngay một bài nhan đề Ðường Ra Biên Ải hay là Văn Nghệ Sĩ Ra Tiền Tuyến.
Ra biên cương ! Ra biên cương !
Thiết tha lòng gái, hôm nay nâng khăn hồng
Đưa chân anh hùng ngàn phương
Ra biên cương ! Ra biên cương !
Khói hôn hoàng xuống men rừng
Qua con sông khuất ngàn nẻo thương…
 
Không những thế, tôi còn xung phong cùng kịch gia Bửu Tiến và một số thanh niên, từ Thanh Hóa vượt Trường Sơn đi vào tận Thừa Thiên. Trong chuyến đi công tác 3 tháng tại vùng địch chiếm này tôi soạn được những bài như Mười Hai Lời Ru, Bà Mẹ Gio Linh, Bao Giờ Anh Lấy Ðược Đồn Tây tức Quê Nghèo, Về Miền Trung...
 
Trước khi đi Bình-Trị-Thiên, tôi và Thái Hằng cùng đi công tác với nhau trong ba tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh và để tỏ tình,tôi soạn tặng nàng hai bài Ðêm Xuân Chú Cuội. Rồi khi tôi từ Bình-Trị-Thiên trở về Thanh Hóa thì tôi và Thái Hằng lấy nhau, đám cưới do Tướng Nguyễn Sơn chủ hôn. Những khi đi công tác xa trở về nhà vợ là một cái quán nhỏ vắng khách ở Chợ Neo, ban đêm, chỗ ngủ của đôi vợ chồng son này vẫn là hai cái bàn ăn xếp thành giường ngủ. Phạm Duy Quang ra đời trong hoàn cảnh đó !

 
Từ trái sang phải :
bé Ngân Quý, PD, Thái Hằng, mẹ vợ, Thái Thanh, ông X, Nguyễn Dực, bố vợ

Lúc bấy giờ đang có một phong trào lớn là dân công, một chế độ lao công bắt buộc mà toàn thể dân chúng phải theo. Những chiến dịch lớn đòi hỏi sự tiếp tế thường xuyên về vũ khí cũng như về lương thực. Một mặt, tất cả đường xá ở trong nước đã bị phá hủy, mặt khác Việt Minh không có những đoàn xe vận tải, bây giờ phải dùng tới nhân lực. Ngoài những người làm việc ở trong các cơ quan, chính phủ ra lệnh xung công tất cả nhân dân để làm công việc chuyên chở lương thực và vũ khí này. Ai cũng phải làm nhiệm vụ dân công hết, chỉ trừ người già và em bé.

Lúc đó vợ chồng tôi là phó thường dân, không còn làm việc cho bất cứ một cơ quan công quyền nào cả, trên nguyên tắc chúng tôi phải đi dân công. Nhưng chúng tôi xin được đóng tiền để cho ban dân công địa phương thuê người khác đi thay thế. Đó là chuyện hợp pháp chứ không phải tham nhũng, hối lộ gì đâu. Đi dân công như vậy, mỗi người dân phải chuyên chở 15 ký gạo, mỗi đêm đi từ 15 tới 30 cây số. Hoặc là gánh gồng, hoặc là thồ bằng xe đạp. Có những vùng, các đoàn dân công đi ban ngày. Có những vùng, để tránh nạn máy bay tới bắn phá, ban ngày nằm nghỉ, tối đến là đoàn dân công ríu rít lên đường. Hàng vạn dân công ra đi, cứ cách 5 hay 10 người lại có một người cầm đèn để soi đường, ở xa trông như một con rồng vĩ đại đang uốn khúc.

Ngồi bế con ở trong Quán Thăng Long, tôi thấy hàng ngàn, hàng vạn dân công kĩu kịt gánh thóc đi qua. Dù lúc này tôi không còn là một cán bộ văn nghệ nữa và dù cả đại gia đình này đang trong tình trạng thiếu hụt gạo ăn, nhưng trước cảnh hi sinh vô cùng lớn lao của người dân quê Việt Nam, tôi cũng có đủ cảm hứng để hát lên cảnh say thóc, giã gạo, gánh lúa nuôi dân... qua một bài dân ca mới có nhịp điệu rất vui, mang tên Gánh Lúa :
Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông.
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quang gánh ư nặng vai...

Đây cũng là lúc tôi rảng rang nên ngồi soan lời ca cho những bản nhạc cổ điển như Dòng Sông Xanh, Mối Tình Xa Xưa, Trở Về Mái Nhà Xưa v.v… Cùng với hai bài tôi soạntặng vợ tôi (Ðêm Xuân Chú Cuội) những bài đó sau này sẽ được hát tại các phòng trà.

Rồi trong năm 1950, tôi soạn một bài hát buồn, nhan đề Cành Hoa Trắng, cũng thường được hát tại phòng trà sau này, kể chuyện một tiên nữ bị Trời đầy xuống trần gian chỉ vỉ mắc tội làm huyên náo Thiên Ðường bằng mối tình của nàng...

      Trời đầy cô tiên nữ
      Xuống đầu thai thành hoa
      Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương.
      Người về trong đêm tối
      Ôm cành hoa tả tơi
      Bóng in dài gác đời lẻ loi...
 
Bức hình cuối cùng trong kháng chiến
Vào tháng 5-1950, vì lý do không sống nổi ở miền quê Thanh Hóa được nữa, đại gia đình họ Phạm phải vào hồi cư  Hà Nội rồi một tháng sau, tất cả gia đình di cư vào sinh sống tại Saigon. Sống ở đó trong 25 năm, cuộc đời lại đẩy đưa chúng tôi đi ngoại quốc trong 30 năm. Cho mãi tới năm 2000, vào tuổi 80, tôi mới có dịp được hồi hương để sống nốt quãng đời còn lại.
 
*
*     *

Tới đây, tôi thấy cần phải nói qua về các phòng trà ở Hà Nội trong thời gian tôi đi kháng chiến.
 
Sau đêm 19 tháng chạp 1946, khi cuộc toàn quốc kháng chiến xẩy ra và khi đại đa số ca sĩ, nhạc sĩ chạy ra vùng quê thì hầu hết các phòng trà đều đóng cửa. Cho tới khi Hà Nội trở thành vùng tạm chiếm thì vài ba phòng trà lại mở cửa lại, một thế hệ ca sĩ trẻ xuất hiện như Ngọc Bảo, Trần Khánh, Thanh Hằng, Tâm Vấn v.v... Sau Hiệp Định Geneve, trong đám đó, có người ở lại Hà Nội, có người di cư vào Saigon.
 
Khi Hà Nội được giải phóng (1954), khái niệm “ca sĩ phòng trà” tuyệt nhiên không còn nữa. Ca sĩ lúc này chỉ đi biểu diễn ở các tụ điểm như Nhà Kèn, Bách Thảo, Công Viên Thống Nhất… Cho tới khi có chiến tranh, Hà Nội bị phi cơ Mỹ oanh tạc thì phòng trà hoàn toàn giải tán. Các ca sĩ nói chung bám vào những đoàn đi phục vụ nhân dân, thanh niên xung phong và bộ đội.
 

 
 
 
 

Các bài khác: