Phòng Trà Ở Việt Nam 5 (tiếp theo) |
Phòng Trà Đầu Tiên
Ở Saigon ![]() Khi đi theo đoàn hát ĐỨC HUY lưu diễn từ Bắc vào Nam tôi đã vào tới thành phố Saigon này từ năm 1944. Tôi chỉ ở đó ít lâu, hát tại các rạp CINEAC ở đường d'Espagne (Lê Lợi), VĂN HOA nằm ở đường Paul Bert (Trần Quang Khải) gần Cầu Bông, THUẬN THÀNH và ARISTO, cả hai đều ở gần ga xe lửa và Chợ Bến Thành. Kể cả rạp của ông Đội Có (quên tên) là một rạp hát rất lớn ở gần ngã tư Phú Nhuận. Đa số thời gian ở Nam Kỳ (44-45), tôi đi hát khắp hai miền Tiền Giang, Hậu Giang, từ Mỹ Tho xuống Cần Thơ, qua Bến Tre xuống Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mâu… ghé cả Tân Châu, Hà Tiên, Châu Đốc… Đó là chưa kể gánh hát đã tạt qua vài thành phố ở Cao Mên.
Vì không ở lâu nơi thành phố cho nên tôi chỉ biết có vài ba vũ trường và quán ăn hay quán café có chơi nhạc ở Saigon. Không có một tài liệu nào cho tôi biết trước 1944, có sinh hoạt phòng trà nào ở đó hay không ?
Hôm nay ngồi viết tùy bút này, nếu tôi muốn tìm hiểu xem có những phòng trà đầu tiên nào ở Saigon và có từ bao giờ, chủ nhân là ai và có những ai hát?… thì tôi chỉ có cách tìm hiểu tình trạng café concert, music hall ở bên Pháp ra sao, bởi lẽ Saigon ngày xưa là thuộc địa của Pháp và đã là dân Saigon thì là đã có quốc tịch Pháp rồi. Từ đầu thế kỷ 20, Pháp đem nhiều thứ “văn minh” qua Saigon thì trong những thứ đó, chắc phải có thói quen đi nghe nhạc, có những nơi để nghe nhạc… nghĩa là phải có café concert hay music hall.
Nếu nói về phòng trà và giới nhạc công, nhạc sĩ thì vào năm 1944, khi tôi vào tới Saigon, tôi chỉ thấy có hai hộp đêm (night club) là La Cigale và Moulin Rouge (một cái hình như ở đường Trần Hưng Đạo) nhưng tôi không có dịp tới hai nơi đó. Chắc chắn Saigon đã bị ảnh hưởng Paris cho nên mới dùng lại hai cái tên đó. Chủ nhân hai nhà hàng này chắc chắn phải là người Pháp với khách hàng là người Âu và một số người Việt thuộc giới giàu có. Không biết ở đó có những có những ai hát và ai chơi nhạc gì ?
Nói về một trong những người “đẻ” ra Tân Nhạc thì ở Thị Nghè có ông Nguyễn Văn Tuyên, từ 1938, đã được Toàn Quyền Pagès cho đi "diễn thuyết về âm nhạc cải cách" tại các thành phố lớn là Huế, Hải Phòng, Hà Nội, với mấy bài ca như Bông Cúc Vàng, Anh Hùng Ca và Một Kiếp Hoa. Ông Tuyên vốn là công chức, không bao giờ là ca sĩ phòng trà, dù tài tử (amateur) hay chuyên nghiệp (professionel).
![]() Nguyễn Văn Tuyên
Trước đó cũng đã có các nghệ sĩ Tư Chơi, Kim Thoa hát những bài gọi là bài ta theo điệu tây vào dĩa hát và trên sân khấu Cải Lương Nam Kỳ rồi, nhưng họ cũng chưa hề hát tại một café concert nào cả. Vào lúc này, vai trò của các ban nhạc Tây trong cải lương đã thay đổi. Các nhạc cụ dàn nhạc quân đội được thay bằng một ban nhạc phù hợp hơn với hình thức nhạc salon và nhạc khiêu vũ. Dương cầm trở thành nhạc cụ thiết yếu và thường được hỗ trợ bằng các nhạc cụ như violon, cello hay kèn clarinet. Ban nhạc này không còn bị giới hạn ở việc chơi nhạc lúc giải lao, mà đã có lúc phụ hoạ những bài hát Tây được trình diễn trong quá trình vở diễn.
![]() Khoảng năm 1938, Kim Thoa và Ái Liên là đào hát cải lương đã thu âm 18 “bài ta theo điệu Tây” với nhạc đệm của ba giàn nhạc khiêu vũ khác nhau vào 9 đĩa thu âm 78 vòng/phút cho hãng Béka. Tên của một giàn nhạc là Orchestre Francois Nở, gồm một piano, một violon và một kèn saxophone. Tôi còn bíết thêm rằng Kim Thoa và Tư Chơi hát những bài có lời Việt như C'est à Capri, Thượng Hải Khúc và đã được một nhạc công người Philipinnes tên là Mateo (còn được gọi là “Mani”) đệm piano (tôi đã có lần làm việc với ông này).
Hầu hết các nhạc sĩ thế hệ đầu của Việt Nam tiếp cận rất hạn chế đối với giáo dục âm nhạc Tây phương. Nguyễn Văn Tuyên đã học nhạc từ những sách nhập môn nhạc lý của Pháp. Một số khác học qua những khoá học hàm thụ của Sinat hay Universelle gốc từ Pháp, học ở trường dòng, hay thông qua những bài học tư với thầy giáo người Pháp, Bạch Nga và Philippines. Một số được đào tạo tại các hội Philharmonique như Võ Đức Thu chẳng hạn. Những nhạc sĩ đầu tiên ở Saigon trở thành thầy dạy nhạc cho những người đi sau.
Nói về phòng trà ở Saigon thì tôi có tài liệu chắc chắn rằng vào năm 1937 có một phòng trà tại Hotel Palace với một ban nhạc ngoại quốc hòa nhạc mỗi buổi chiều. Trong thành phần ban nhạc có Charles Thu tức Võ Đức Thu…
![]() Dù Võ Đức Thu có soạn ra 7 biến khúc theo điệu Cò lả, 6 biến khúc theo điệu Âu ca Việt Nam… nhưng tôi không nghĩ rằng ông và ban nhạc dùng những bài đó ở Hotel Palace trong lúc này, có thể họ chỉ chơi nhạc thính phòng Âu Tây (musique légère) mà thôi.
Vào năm 1944 tôi cũng biết được ở đường Lagrandière Saigon có một phòng uống trà (salon de thé) nhưng không biết ai là chủ nhân, có những ca sĩ nào? hát với ban nhạc nào? Nhưng có một hộp đêm là dancing Théophile ở Dakao, nơi mà vào đầu thập niên 40, tài tử Trần Văn Trạch thường tới hát. Lúc đó Trạch mới chỉ là một ca sĩ chanteur de charme, hát những bài ca “mùi mẫn”, chưa có những tiết mục bắn súng, phi cơ bay và dội bom bằng mồm, hoặc những bài ca hài hước như sau này. Tại dancing Théophile, Trạch thường hát nhiều bài Tây và một vài bài ta.
![]() Trần Văn Trạch, khi còn trẻ
Theo người cháu, Trần Quang Hải, Trạch có giọng hát êm ấm, ca vọng cổ rất mùi, biết nhiều về cổ nhạc nhưng lại thích tân nhạc hơn. Vào khoảng 1937-39, Nguyễn Mỹ Ca (anh em cô cậu với Trạch) và Trần Văn Khê (anh ruột của Trạch) thường hòa đàn các bản nhạc Pháp nổi tiếng thời đó như J’ai deux amours, Marinella… và ảnh hưởng tới Trần Văn Trạch. Lớn lên, Trạch thành lập một lò làm chén ở làng Vĩnh Kim. Sau một vài năm buôn bán, coi bộ không khá lắm, Trạch bỏ nghề lên Saigon tìm việc sinh sống : đi hát ở dancing và hộp đêm…
Theo mộr người bạn của Trạch thì vào khoảng năm 44-45 gì đó, Trạch về Sài Gòn, cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở một quán nước giải khát bán cho lính Pháp. Lúc đó anh lấy tên Tây là Tracco, bởi ở đó anh hát những bài nhạc Tây nhằm câu khách.
Về việc hát nhạc Việt, nhạc phẩm Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca được Trần Văn Trạch hát hằng đêm tại quán này :
![]() Nguyễn Mỹ Ca
Gió gây hương nhớ
Nâng tiếng đàn xa đưa Sầu vương vấn Gây mơ khóc trên dây tơ Trong sầu nhớ bóng ai thoáng về cô phòng Nào đâu thấy tình xưa mơ mòng Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn Bồn chồn trong đêm tối Lần dò chơn theo lối mấp mô Ôi cung đàn réo vang đêm trường Giây tơ gào gió đê mê lòng Lệ tràn vì đâu ? Bao tình tê tái Nương làn gíó bay tìm ánh trăng sao. Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn Bồn chồn trong đêm tối Lần dò chơn theo lối mấp mô… Dạ khúc tức là serenade, từ chữ sereine -- thanh lãng -- mà ra, theo Tây Phương, là một khúc ca ban chiều hay ban tối… thì đã đươc viết ra bởi Franz Schubert, có lời Việt của tôi :
Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người Thấy run run trong chiều phai... Vẻ sầu của đóa cười Tình bền của lứa đôi Thoáng hương trong chiều rơi... Bài Serenata của Toselli cũng mang ý nghĩa là sérénité, tức là bản nhạc chiều thanh lãng, do tôi phổ lời Việt từ lời Pháp :
Viens, ce soir si doux
Et l'heure est heureuse On sent la caresse Des mots d'amour Qu'on écoute à genoux... . . . . . . .
Lắng trầm tiếng chiều ngân Nhạc dặt dìu ái ân Người ôi ! Nhớ mãi cung đàn Năm tháng phai tàn Duyên kiếp vẫn còn lỡ làng… Nguyễn Đình Toàn cũng có một Dạ Khúc :
Thuyền tình còn trôi lạc ngoài trời mây
Đàn lòng còn thương nhớ nhau từng giây Chim ơi chim bay, trăng ơi trăng soi Chim đau chim có bầy Trăng soi trăng có ngày nghỉ ngơi Riêng tôi nhớ (ư) người… Dạ Khúc của Lê Trọng Nguyễn :
Đêm đêm gió lay lời nến
Nhớ thương lại đến Nghe hoa rụng bên thềm Đàn ôi! Tiếng em ta đâu rồi ? Dạ Khúc của Nguyễn Trung Cang :
Tình đã như mùa thu
Ngày qua tưởng như trong cơn mộng du Hạnh phúc những thuở ấy nay qua rồi Một mình thao thức với đêm trôi Lắng nghe những đêm dài.. Dạ Khúc của Nguyễn Văn Qùy :
Đêm về trong bước phong sương, lùa gió phũ phàng
Ai cười kiếp sống mong manh, lệ thắm cung đàn Ai cất chén mong say sưa quên hận sầu Mơ bóng dáng xưa trong tiếng tơ ngập ngừng, ai oán… Dạ khúc của Nguyễn Mỹ Ca buồn vì nghe tiếng đàn lên cung oán (tang tình) gieo hờn… ngân theo gió (xế xang) gieo buồn.
So với tất cả những dạ khúc kể trên, bài thơ Chiều của Xuân Diệu mà tôi phổ nhạc và gọi là Mộ Khúc (khúc ca ban chiều) là đúng với sự thanh lãng – sérérité -- nhất, bởi vì :
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn !
. . . . . . . . . . . .
Êm êm chiều còn ngẩn ngơ,
Chiều còn ngẩn ngơ ơi chiều Hiu hiu lòng chẳng làm sao Lòng chẳng làm sao, sẽ buồn ! Tóm tắt lại, trước khi khám phá thêm, ta có thể cho rằng ở ngoài Bắc, người mở nhà hàng nghe nhạc đầu tiên là Nguyễn Văn Giệp (Quán Nghệ Sỹ), Phạm Duy, Kim Tiêu, Mai Khanh, Thương Huyền, là những ca sĩ phòng trà tiên phong… thì ở trong Nam, Võ Đức Thu rồi Trần Văn Trạch và một người nữa là những người đầu tiên đàn hát tại các hộp đêm.
Người thứ ba đi hát ở phòng trà và vũ trường là Đức Quỳnh, có giọng hát ồ ồ, có mái tóc bồng bềnh mà tôi quen biết khi vừa vào tới Saigon, trong năm 1944.
![]() Trần Văn Trạch và Đức Quỳnh
Trước khi nói tới một phòng trà sau này mang tên Đức Quỳnh ở đường Cao Thắng và chưa tìm ra tài liệu xác định anh hát ở phòng trà và vũ trường nào trước 1960, nhưng tôi biết trong đầu thập niên 40, Đức Quỳnh có soạn ra một bài hát nhan đề Ba Giờ Khuya mà Trạch hát tại Dancing Théophile : ![]() Trời Đông lạnh lẽo muôn bề
Buồn nhớ ai đêm dài
Lòng xốn sao như cùng nhịp theo tiếng chuông
Kìa ngoài hè gió lạnh băng
Rồi từng hồi lá vàng rơi như reo tiếng buồn trong đêm vắng
Tiếng dế khóc dường oán thương trong sương mờ
Bóng chim đang bay từng lứa đang tìm nơi tổ ấm
Nhìn mây, mây bay, nhìn sương, sương rơi
Lòng em như tơ vò trăm mối
Chàng ơi hay chăng em nghe tiếng chuông đằng xa lắng ngây
Ngoài ra vào năm 1944 này, tôi còn được quen biết với violinist Jean Tịnh, cũng là một nghệ sĩ của phòng trà, của vũ trường, của Đài Radio Indochine và Paul Báu đánh đàn guitare trong nhiều ban nhạc.
Saigon còn có thêm những vũ trường như Văn Cảnh (mà tôi đã hát ở đó sau khi gánh Đức Huy tan vào lúc Nhật vừa đảo chính Pháp), vũ trường Tabarin v.v… Tại đây tôi biết được rằng bản Tình Hận của Phạm Công Nhiều rất phổ thông tại các vũ trường nhưng không biết nhạc điệu, ca từ của nó ra sao. Đồng thời trên sân khấu lưu diễn MINH TINH CA VŨ ÐOÀN của Antoine Ðạm cũng đã có sự ra mắt của những bài ca cải cách...
(còn nữa = in construction)
|
Các bài khác:
- Đường Về Dân Ca
- Âm Nhạc: Học và Hành - Mở Đầu
- Âm Nhạc: Học và Hành - Đi Tìm Giai Điệu
- Âm Nhạc: Học và Hành - Trường Ca Con Đường Cái Quan
- Âm Nhạc: Học và Hành - Mẹ Việt Nam
- Âm Nhạc: Học và Hành - Tâm Ca
- Âm Nhạc: Học và Hành - Tâm Phẫn Ca
- Âm Nhạc: Học và Hành - Đạo Ca
- Âm Nhạc: Học và Hành - Rong Ca
- Âm Nhạc: Học và Hành - Thiền Ca
- Âm Nhạc: Học và Hành - Trường Ca Hàn Mặc Tử
- Âm Nhạc: Học và Hành - Học ở Nhạc Classic
- Âm Nhạc: Học và Hành - Chương Kết: Đi Tìm Tiết Điệu
- Viết Về Phòng Trà Ở Việt Nam
- Viết Về Phòng Trà Ở Việt Nam - Bài 2
- Viết Về Phòng Trà Ở Việt Nam - Bài 3
- Viết Về Phòng Trà Ở Việt Nam - Bài 4
- Viết Về Phòng Trà Ở Việt Nam - Bài 5
- Tan Tác và Tu My