Tìm Hiểu Cách Sáng Tác Nhạc Qua Dòng Nhạc Phạm Duy



Lời Mở Đầu


Ngăn kéo nhỏ này là một tập hợp những bài viết đã đăng trên liên mạng về cách sáng tác nhạc thông qua những khúc điệu nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ lúc bắt đầu phân tích một bài nhạc phổ thơ đơn giản là Hoa Rụng Ven Sông ba năm trước đây, tôi dần dần “lấn sân” qua tìm hiểu các khúc điệu dài hơi, với nhạc lý khó hơn như Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Nghìn Trùng Xa Cách, và Nắng Chiều Rực Rỡ. Tôi cũng tìm hiểu thêm về nhạc Việt Nam, nói rõ hơn là tìm hiểu cách sáng tác giai điệu dựa trên thang âm ngũ cung. Gần đây nhất (2009), tôi phân tích một trăm khúc điệu nổi tiếng của nhạc sĩ để thử tìm mẫu số chung cho sự thành công của các khúc điệu ấy. Tôi so sánh cội nguồn – nhạc đề - giữa các khúc điệu với nhau, rồi tìm ra những thí dụ cho từng cách phát triển nhạc đề, cách tạo câu nhạc, đoạn nhạc, và cách xây dựng cấu trúc nhạc để làm thành một khúc điệu hoàn chỉnh. Bài viết ấy dài trên 60 trang với nhan đề Tìm Hiểu Cách Phát Triển Giai Điệu Trong Nhạc Phạm Duy. Sau cùng, tôi cũng muốn gửi đến các bạn những bài viết mới khác sau khi tập sách PDF được gửi đến các bạn miễn phí trên liên mạng.

Trong tâm tình muốn chia xẻ với các bạn những tìm tòi này, mời bạn đọc những tiểu luận sau đây, được sắp xếp theo thứ tự ra đời của chúng. Tôi có biên tập lại các thuật ngữ âm nhạc, sửa một số lỗi chính tả và lược bỏ những chỗ không cần thiết. Tuy vậy, loạt bài sẽ chắc chắn còn nhiều sai sót, mong bạn đọc bỏ qua. Hy vọng loạt bài này sẽ tạo hứng khởi để bạn có những tìm tòi, nhận xét tương tự với những khúc điệu mà bạn hằng yêu thích.


*Bạn cũng có thể tải bản PDF về xem từ link sau:Tìm Hiểu Nhạc Phạm Duy
(Khi xem PDF đến thuật ngữ "chuyển cung" (modulation), xin nghĩ rằng đó là "chuyển hệ" (metabole) thì đúng hơn.)

Hiệp Dương (aka Học Trò)





 

Trở về đầu trang