Concert

click : nghe nhạc

Như đã phác họa, một chương trình âm nhạc mang chủ đề Phạm Duy – Một Đời Nhìn Lại đã được tổ chức vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật ngày 26 tháng 5, 2002 tại La Mirada Performing Arts Theater, thành phố La Mirada. Chương trình do Hội Ung thư Việt Mỹ (Vietnamese American Cancer Foundation – VACF) thực hiện.

Bác sĩ Bích Liên, chủ tịch Hội đồng quản trị của VACF, cho biết mục đích của buổi trình diễn nhằm vinh danh người nhạc sĩ viết ngàn lời ca, cống hiến suốt cuộc đời cho âm nhạc Việt Nam. Qua hình thức vinh danh một nhạc sĩ, chúng tôi muốn khuyến khích những tài năng âm nhạc và cho thấy người nghệ sĩ không cô đơn trong hành trình sáng tác, bác sĩ Bích Liên nói.

Nhạc sĩ Phạm Duy sinh năm 1921 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào năm ông mới ngoài hai mươi. Trải qua thăng trầm của lịch sử, các sáng tác của ông vẫn gắn bó với đất nước và con người Việt Nam. Chủ đề của các ca khúc phong phú và dồi dào từ đất nước, quê hương, đến tình yêu đôi lứa và thăng hoa đến những chủ đề thuộc tâm linh như Đạo Ca Thiền Ca.

Chúng tôi tập trung vào ba đề tài chính của nhạc Phạm Duy : tình ca quê hương đất nước, tình ca đôi lứatâm linh, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng nói về chương trình Phạm Duy – Một Đời Nhìn Lại. Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng điều khiển dàn nhạc giao hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ gồm 30 nhạc sĩ. Chương trình có sự tham dự của các ca sĩ Kim Tước, Lệ Thu, Mai Hương, Quỳnh Giao, Bích Liên, Thái Hiền, Mộng Thủy, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Anh Dũng, Nguyễn Thành Vân, Lê Hồng Quang, và Trần Thái Hòa. Các nhạc sĩ Lê Văn Khoa, Duy Cường, Đặng Xuân Thìn, Lê Ngọc Chân và Vương Hương hòa âm. Nhà văn Hoàng Khởi Phong và cô Y-Sa điều hợp chương trình. Một cuốn phim tài liệu ngắn, do đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện, sẽ được chiếu mở đầu buổi trình diễn.

Bích Liên nói. ... Sau khi hiền thê của ông, ca sĩ Thái Hằng, mất vào năm 1999 vì ung thư phổi, đã có lúc Phạm Duy tưởng chừng như buông xuôi mọi công việc. Con người nhạc sĩ trong Phạm Duy đã vực ông dậy. Ông không những kết thúc Hồi Ký Phạm Duy tập IV (tập cuối) mà còn hoàn thành Kiều II- Kiều Gặp Kim Trọng. Trình làng Kiều Phần II tại Phòng Sinh Hoạt Người Việt vào đầu tháng 12 năm ngoái và Bắc Cali vào tháng Giêng vừa qua, Phạm Duy sẽ lưu diễn ở Washington D.C., Paris và Luân Đôn giới thiệu tác phẩm mới nhất này của ông.

Hội Ung Thư Việt Mỹ do một số bác sĩ, những người đã từng bị ung thư, và các thành viên của cộng đồng thành lập vào năm 2001. Hội là một tổ chức bất vụ lợi, nhằm phát triển chương trình và tài liệu về các bệnh ung thư cho cộng đồng Việt. Hai tuần lễ trước buổi trình diễn, một số buổi hội luận và triển lãm ảnh, tài liệu về Phạm Duy sẽ được Mimi Studio và thân hữu tổ chức. Lợi nhuận từ chương trình “Phạm Duy – Một Đời Nhìn Lại” sẽ sung vào quỹ của Hội Ung Thư Việt Mỹ.


Bích Liên hát "Tình Ca"


Lệ Thu : "Mùa Thu Chết"

click : nghe nhạc


Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Dao
với
"Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê"


Duy Quang : "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà"


Tuấn Ngoc : Tâm Sự Gửi Về Đâu


Màn Finale


Màn Finale với Thái Thanh


Màn Finale

Trong những bài tường thuật về đêm nhạc này, có bài của Vũ Ánh trên tờ NGƯỜI VIỆT, ra ngày hôm sau :


LA MIRADA.- Gần 1,200 chỗ ngồi, nhưng thính đường tối tân tại La Mirada không còn một chỗ trống. Khán thính giả một nửa là trẻ tuổi. Số còn lại là những người thuộc thế hệ 1.0 và 1.5 nói theo cách mô tả bằng con số để chỉ thế hệ người Việt tị nạn thứ nhất và thế hệ "bắc cầu" tại hải ngoại.

Chương trình được khai mạc trễ 10 phút so với dự tính. Người khó tính cho rằng điều này vẫn có thể chấp nhận được vì thính đường nằm hơi xa khu Little Saigon. Những khách mời gồm những thân hữu của nhạc sĩ Phạm Duy, đại gia đình ông, nữ diễn viên Kiều Chinh, ông bà Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm nhật báo Người Việt, ông bà Trần Dạ Từ, chủ nhiệm nhật báo Việt Báo, ông bà Nguyễn Đức Quang, chủ nhiệm nhật báo Viễn Đông, ông Nguyễn Xuân Nghĩa chủ nhiệm tuần báo Việt Tide, Cô Mai Khanh Đài Little Saigon Radio, và đại diện một số các cơ quan truyền thông khác cùng khách mời của Hội Ung Thư Việt Mỹ.

Khi đèn trong thính đường tối dần, tấm màn nhung vén lên và thính đường được trùm phủ bằng thứ ánh sáng dịu, khán thính giả đã nhìn thấy dàn nhạc giao hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ ngồi sẵn ở những ghế của mình :
Violin 1: Nguyễn Phúc Hải (concermaster), Phạm Phúc, Michelle Nguyễn, Grace Yanagisawa, Nguyễn Nhân, Đặng Kính Robert Bates.
Violin 2: An Nguyễn, Vũ Nguyễn, Minh Nguyễn, Lisa Nguyễn, Cecilia Hahnl.
Viola: Sĩ Trần, Hà Trần, Isabel Thiroux.
Cello: Fernado Hahnl, Lê Thanh.
Bass: Steven Lê, Marie Kubiak.
Guitar: Huỳnh Hữu Đoan.
Picolo/Flute: Bob Morgan,
Flute 2: Tina Huỳnh. Oboe: Maralynne Mann. Clarinet: Monica Mann.
French Horn: Brian Shetland.
Trumpet: Kenny Wood.
Trombone: Jeremy DelaCuadra.
Timpani: Kris Mettala.
Percussion: Jamie Baker.
Piano: Mỹ Lệ Nguyễn và Vương Hương.
Người điều khiển dàn nhạc là nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ.

Chương trình đã bắt đầu ngay với Chiều Về Trên Sông, tác phẩm mà Phạm Duy viết năm 1956 khi ông đi qua dòng Cửu Long bát ngát vào buổi chiều. Nhạc phẩm này được coi như đại diện cho các tác phẩm lớn khác mà ông viết về đất nước và tình yêu quê hương. Duy Cường, con trai của nhạc sĩ Phạm Duy đã viết phần hòa âm cho tác phẩm trên của bố.

Sau những tiếng vỗ tay tán thưởng bùng lên, hai người điều khiển chương trình là nhà văn Hoàng Khởi Phong và Lê Đình Y Sa mới bắt đầu giới thiệu sơ lược về buổi chiều âm nhạc Phạm Duy, một tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam với sức sáng tác miệt mài qua nhiều thế hệ. Ở tuổi 82, ông vẫn tiếp tục viết nhạc với "đầy nỗi đam mê trên con đường cái quan đã đủ dài để tên tuổi của ông được xếp vào hàng đầu những tác giả đã đóng góp, cống hiến và vun đắp cho nhạc Việt".

Và sau phần mở đầu, Bích Liên, một ca sĩ tài tử và đồng thời là Hội Trưởng Hội Ung Thư Việt Mỹ, cơ quan đứng ra tổ chức vinh danh Phạm Duy đã trình bày kiệt tác phẩm mà Phạm Duy viết năm 1953: đó là Tình Ca.

Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi... Mẹ hiền ru những câu xa vời à ơi... Dường như nhiều thế hệ người Việt Nam đã nghe được những lời lẽ đầy tình người ngọt ngào và gắn bó này. Dường như không thiếu gì những người Việt lưu vong đã khóc khi nghe Tình Ca giữa những góc phố xa lạ và bước chân lạc lõng trong những thành phố cách xa đất nước.

Dường như nhiều người đã bàng hoàng khi những ca từ này làm sống lại cả những trang sử từ thời Việt Nam lập quốc, từ thời chúng tôi, người Việt Nam sinh ra và lớn lên từ những lời du của mẹ. Cứ như thế, một loạt những tình ca của người nhạc sĩ tài hoa này trôi đi như những lời ru nhẹ nhàng qua phần dẫn nhạc của Lê Đình Y Sa. Những giấc mơ ấy đôi khi được đánh thức bởi những nhắc nhở của nhà văn Hoàng Khởi Phong khi ông nhấn mạnh đến một đặc điểm nào đó trong số những tác phẩm của Phạm Duy được coi như đánh dấu một giai đoạn nào đó trong dòng lịch sử cận đại đầy gió bụi của Việt Nam. Từ những Cô Hái Mơ (1942 - phổ từ thơ Nguyễn Bính - Đặng Xuân Thìn soạn hòa âm, ca sĩ trình diễn Thái Hiền), Kỷ Niệm (1966, Arr Duy Cường, hát: Thái Hiền), Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài (1969, arr Trần Chúc, hát: Mộng Thủy-Duy Quang), Còn Chút Gì Để Nhớ (phổ thơ Vũ Hữu Định, arr: Đặng Xuân Thìn, hát: Anh Dũng), Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng (1971, phổ thơ Phạm Thiên Thư, arr: Đặng Xuân Thìn, hát: Mai Hương)... cho đến tình ca khác như Tìm Nhau (arr: Vương Hương, hát: Trần Thái Hòa với Flute của Bob Morgan và piano: Vương Hương), Mùa Thu Chết (1968, arr: Vương Hương, hát: Lệ Thu và tứ tấu: Vương Hương Piano, Nguyễn Khánh Hồng violin, Huỳnh Hữu Đoan guitar và Bob Morgan flute), Tình Nghèo(1954, viết theo ý thơ Hồng Nam, arr Duy Cường, hát: Nguyễn Thành Vân, tenor), Còn Gì Nữa Đâu (1960, arr: Duy Cường, hát: Quỳnh Giao,soprano), Lữ Hành (1953, arr: Lê Văn Khoa, Lê Hồng Quan, tenor với hợp ca: Mai Hương, Quỳnh Giao, Ngọc Sương, Bích Liên, Mộng Thủy, Hoàng Liên, Thúy Hằng, Bảo Quỳnh, soprano, và alto Kim Tước, Thái Hiền, Vương Lan, Ngọc Trang, Mỹ Linh, Đan Tâm cùng với giọng nam Nguyễn Thành Vân, Vũ Đình Soái, Phạm Lê Đông Phương, tenor và Vũ Duy Hiển, Vũ Thái Sơn, Nguyễn Phạm Hà, Ngô Việt Hải, bass)... chương trình trôi qua Phần Một rất điển hình cho những giai đoạn viết tình ca.

Nó cho thấy Phạm Duy dàn trải tâm hồn và tài năng của ông qua nhiều biến tấu từ dân ca và những giai điệu quê hương, phản ảnh nét đa dạng của tình ca mà có lẽ chỉ Phạm Duy mới khai thác được. Ông đã đắp lên bức tranh dân gian những màu sắc khác thói thường của ngũ cung, những tình cảm, cuộc sống giản dị được ông mô tả một cách trang trọng và đầy lãng mạn. Trong phần một, nhiều lần nhạc sĩ Phạm Duy đã đứng lên bày tỏ sự tán thưởng dàn nhạc của Hội Hiếu Nhạc và các ca sĩ trình bày. Với bộ phim ngắn Người Tình Già (thực hiện: đạo diễn trẻ Charlie Nguyễn, viết kịch bản và lờidẫn: Lê Đình Y Sa), phần một đã được kết thúc sau khi đã phản ảnh được tính chất hoành tráng của một buổi hòa nhạc mang nhiều chất cổ điển: ca sĩ trình diễn với dàn nhạc đại hòa tấu và đôi khi với ca đoàn.

Sau khi giải lao 20 phút, phần hai được mở đầu với Tình Hoài Hương, một ca khúc đã đi sâu vào lòng người Việt, tâm hồn Việt. (arr: Lê Văn Khoa, hát: Lê Hồng Quang và hợp ca nữ).

Bóng dáng chiến tranh, những hủy hoại cùng sự đau khổ của chiến tranh chỉ xuất hiện trong những ca khúc điển hình cho những giai đoạn biến động, sóng gió của đất nước được trình bày tại phần II. Và cũng chính tại phần hai của chương trình, sự hợp tan đã trở thành nỗi sợ hãi, ưu tư của chính tác giả đối với cuộc đời đổi thay với vận nước được lồng vào những tác phẩm ông viết từ 1953 cho tới 1972. Vì thế trong phần hai, những tác phẩm của Phạm Duy không được xếp theo thứ từ ngày tháng.

Từ Tình Hoài Hương, Nghìn Trùng Xa Cách, Khối Tình Trương Chi, Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Nước Mắt Rơi, Như Là Lòng Tôi, Kiếp Nào Có Yêu Nhau (hát: Tuấn Ngọc), Tâm Sự Gởi Về Đâu (hát: Tuấn Ngọc), Qua Suối Mây Hồng... cho đến Mẹ Trùng Dương/Mẹ Việt Nam Ơi (1960: hai ca khúc này được trích ra từ phần BIỂN MẸ, của trường ca MẸ VIỆT NAM. Trường ca này gồm 4 phần: Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, và Biển Mẹ. Những nhà phê bình coi đây là một âu ca về Mẹ Tổ Quốc và mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà.

Trường ca này được Phạm Duy đề tặng: Kính dâng Mẹ tôi/Tặng tuổi trẻ nước tôi... Phạm Duy đã cho thấy những bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam phản ảnh qua cách nhìn và lối suy nghĩ lãng mạn của một nghệ sĩ lão luyện. Những chia ly, đau khổ, ưu tư, lo lắng, tuyệt vọng và hy vọng chỉ thấp thoáng trong những ca khúc của ông, nhưng nghe ra vẫn như một vết dao chém hắn sâu trong mỗi con người Việt Nam.

Nhưng đặc biệt, những vết thương đó không làm Phạm Duy tuyệt vọng. Trong những đêm tăm tối bao giờ cũng vẫn còn chút ánh sáng của niềm tin vào phía trước. Có lẽ cũng vì thế, mà khi tất cả các nghệ sĩ trình diễn trong chương trình nhạc Phạm Duy chiều thứ bẩy vừa rồi cùng dàn nhạc của Hội Hiếu Nhạc tiến ra sân khấu để trình diễn trường ca Mẹ Trùng Dương/Mẹ Việt Nam Ơi, nhạc sĩ Phạm Duy đã dìu nữ ca sĩ Thái Thanh lên sân khấu.

Hai mái đầu bạc trắng đã cùng hát và cùng chia sẻ quan điểm: Đừng vinh danh Phạm Duy, hãy vinh danh những người đứng ra tổ chức một buổi trình diễn và đầy ý nghĩa này : Nguyễn Bích Liên, Nguyễn Văn Thân, Phạm Duy Quang, Nguyễn Cửu Tuấn, Trần Ngọc Lân, Phương Lan, Lê Đình Y Sa, Hoàng Khởi Phong, Mimi Thủy Tiên, Ecetera, Lenonard Huy Trần, Kenneth Khánh Trần, Bùi Lê Lan Chi, Phạm Thái Vân, Nguyễn Anh Thư, Dzung Phinouwong và những diễn giả Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Bảo Trúc, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Bích Hà, Jason Gibb và Trịnh Cung.

Vâng chính họ đã làm việc miệt mài trong nhiều tháng trước đó vì lòng trân trọng tài năng và ngưỡng sự đóng góp cống hiến của Phạm Duy đối với nền âm nhạc Việt, để cho buổi trình diễn những tác phẩm điển hình trở thành một buổi trình diễn tuyệt vời nhất trong vòng hai thập niên vừa qua. Buổi hòa nhạc tương ngộ này kết thúc bằng một cuộc tiếp tân. (VA)


Đi nghe Phạm Duy : Một Đời Nhìn Lại

Hoàng Như An

Tôi xin tuyên bố : Tôi là người sung sướng nhất thế giới. Nhạc sĩ Phạm Duy đã tuyên bố như trên ở phần cuối buổi nhạc Phạm Duy : Một Đời Nhìn Lại do Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức vào buổi chiều ngày Chủ Nhật 26 tháng 5, 2000 vừa qua, lập lại một câu nói ông đã phát biểu trong một buổi phỏng vấn trước đó. Vâng, ông là người sung sướng nhất thế giới vì nhạc của ông đã được nhiều người sưu tập và hát ở Việt Nam sau bao năm bị vùi dập, và bây giờ được hát lên một cách rất trang trọng trong buổi hòa nhạc này.

Hơn 1200 khán giả lấp đầy những hàng ghế của đại hí viện La Mirada, một nơi chốn đã trở thành quen thuộc với cộng đồng Việt Nam kể từ sau buổi hòa nhạc Đêm Ngàn Khơi đánh dấu 20 năm xa xứ năm 1995. La Mirada là một địa chỉ của những buổi nhạc trang trọng như buổi nhạc chiều hôm nay. Trời cũng rất đẹp như muốn giúp những người Việt Nam cùng họp nhau để thưởng thức nhạc Phạm Duy và cũng để nói lên lòng cảm mến người nhạc sĩ mà âm nhạc và cuộc đời đã gắn liền với đất nước, dân tộc và lịch sử Việt Nam. Và khán giả tham dự buổi nhạc còn có dịp đóng góp cho một mục đích vô vị lợi, đó là giúp gây quĩ cho Hội Ung Thư Việt Mỹ. Không còn gì có ý nghĩa hơn vì có ai trong chúng ta không biết một người nào đó đã qua đời vì căn bệnh quái ác này.

Tuy có tính cách celebration nhưng chương trình đã bắt đầu một cách rất somber bằng Chiều Về Trên Sông, một ca khúc rất mênh mông và man mác của Phạm Duy được Duy Cường hòa âm thành một tấu khúc do giàn nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ biểu diễn. Không khí "trầm mặc" này kéo qua bài hát bất hủ Tình Ca nối tiếp sau đó. Giọng ca của Bích Liên rất vang và tươi sáng mọi ngày bỗng trở thành hơi "xa vắng", và bài Tình Ca với 3 lời hát và những đoạn nhạc hòa tấu ở giữa bỗng trở thành hơi dài.

Không khí trở thành vui tươi hơn với ca khúc <.b>Cô Hái Mơ, ca khúc đầu tay của Phạm Duy do Thái Hiền trình bày. Giọng Thái Hiền vang, rõ và điêu luyện. Lần này, cô trình bày bài hát thuộc lòng, không cần nhìn bài nên diễn tả tự nhiên hơn. Bài hát Kỷ Niệm kế tiếp cũng được cô diễn tả một cách trọn vẹn.

Chương trình được thay đổi không khí bằng một bài song ca, đó là bài Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài do Duy Quang và Mộng Thủy biểu diễn. Duy Quang xuất hiện với vẻ tự tin và có ý muốn diễn tả bài hát. Ngược lại, Mộng Thủy có vẻ e dè, chưa quen diễn xuất nên lâu lâu mới nhìn Duy Quang một cách rất "e ngại". Duy Quang hát với kỹ thuật khép miệng, chữ phát ra gọn và sắc, trong khi Mộng Thủy hát với tính cách "hợp ca" nghĩa là mở chữ chứ không đóng lại quá sớm. Vì thế cách diễn tả bài hát của hai người không được match cho lắm. Những chữ cuối cùng cần phải ngân giống nhau thì cũng không thực hiện được vì Mộng Thủy ngân dài hơn Duy Quang rất nhiều.

Anh Dũng xuất hiện sau đó trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Anh tỏ ra vẻ thoải mái tự tin. Anh Dũng hát bài Còn Chút Gì Để Nhớ với giọng hát trầm ấm và đầy sinh lực, diễn tả bài hát một cách khéo léo. Anh có vẻ đã quen với lối hát cùng giàn nhạc với hòa âm viết sẵn, cố định, không thể du di như khi hát với một ban nhạc nhỏ mặc dầu anh vẫn có nhiều chỗ hát rubato để diễn tả bài hát.

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng là bài hát kế tiếp qua giọng hát của Mai Hương. Mai Hương vẫn êm ái ngọt ngào như từ bao năm qua. Giọng cô thích hợp với bài hát này, một bài hát êm êm, không có những chỗ dramatic.

Tuy nhiên tập hợp 4 bài hát liên tiếp với nhịp điệu trầm trầm, êm ái với giàn nhạc đa số là giàn dây cũng rất êm ái, đã làm cho không khí hơi lắng đọng.

Không khí được thay đổi bằng bài Tìm Nhau do Trần Thái Hòa hát, không phụ họa bằng giàn nhạc mà chỉ với tiếng dương cầm của Vương Hương và tiếng flute của Bob Morgan. Trần Thái Hòa, một tiếng hát trẻ đang lên, đã hát những bài hát"xưa" một cách rất nghệ thuật, đã được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.

Lệ Thu sau đó xuất hiện trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Cô trình bày bài Mùa Thu Chết, một bài hát đã đưa cô lên đài danh vọng cùng với bài Ngậm Ngùi. Nhạc đệm cũng được thay đổi bằng giàn tứ tấu: piano với Vương Hương, violin với Nguyễn Khánh Hồng, cello với Fernando Hahln và guitar với Huỳnh Hữu Đoan, do Vương Hương viết. Giọng hát của Lệ Thu đã tìm lại được sinh lực cũ từ vài năm qua, vẫn là một giọng hát sang cả, với làn hơi phát ra một cách trọn vẹn cho từng chữ của bài hát. Cô xứng đáng được khán giả dành cho tràng pháo tay dòn dã. Trong phần solo violin, Nguyễn Khánh Hồng đã cho thính giả những âm thanh có lúc hơi quá đáng ở những nốt nhạc cao, làm hơi...rởn tóc gáy. Vương Hương cho thấy cô sẽ là một nhạc sĩ viết hòa âm có triển vọng, với khả năng sáng tạo và "bắt" được ý cùng điệu nhạc rất nhanh nhẹn. Nền tân nhạc Việt Nam đang thiếu những người viết hòa âm. Hi vọng giới trẻ học nhạc ở đây sẽ dùng nhạc Việt Nam để làm nơi thi thố tài năng của mình. Mong lắm thay.

Không khí được hâm nóng lên bằng bài Tình Nghèo, một ca khúc phổ từ thơ của Hồng Nam, với nhịp điệu dồn dập hơn. MC Hoàng Khởi Phong đã đem đến cho thính giả một vài chi tiết thú vị về tác giả bài thơ. Bài hát này thật sự gần như là chìm vào quên lãng từ hơn mấy chục năm nay. Tiếng hát của Nguyễn Thành Vân đã đưa nó ra ánh sáng, phủ lên một lớp bụi vàng thật đẹp. Phải nói là giọng ca của Nguyễn Thành Vân rất thích hợp với bài hát có tích cách dân ca này. Giọng Nguyễn Thành Vân đầy đặn, ngân đầy đủ ở những chỗ cần và luyến láy rất nghệ thuật. Có lẽ anh đã tìm thấy "chỗ đứng" của mình, nó không phải là những bài cần đến giọng tenor cao vút mà là những bài dân ca.

Quỳnh Giao xuất hiện trong chiếc áo dài thật đẹp. Phải nói cô là nữ ca sĩ "diện" nhất đêm nay với những chiếc áo dài đặc biệt. Quỳnh Giao hát bài Còn Gì Nữa Đâu, cũng là một bài hát rất lâu không ai hát có lẽ vì nó đòi hỏi một giọng có một range lớn. Quỳnh Giao diễn tả trọn vẹn bài hát này.

Kế tiếp, ban hợp ca với 22 ca viên cùng giọng lĩnh xướng của Lê Hồng Quang đã trình diễn bài Lữ Hành, một bài hát có tính cách triết lý, ví đời người như một chuyến đi, với những lời hát rất thú vị như bước nhanh vượt chân đời, nhịp xe uốn vòng tử sinh, bánh xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vườn hoa... Hòa âm của Lê Văn Khoa đã mang lại sinh động cho bài hát. Chỉ có điều có lẽ microphone không để đúng chỗ nên bè nam hoàn toàn bị chìm hẳn, chỉ nghe loáng thoáng, so với bè nữ rất đầy, rất vang. Giọng lĩnh xướng của Lê Hồng Quang cũng không được nổi lên như mong muốn. Lê Hồng Quang sau đó mở đầu cho chương trình phần hai với ca khúc bất hủ Tình Hoài Hương. Giọng tenor của anh thích hợp với bài hát này nên anh diễn tả trọn vẹn bài hát. Nhưng có lẽ nó sẽ hay hơn nếu những giọng nữ phụ họa được to hơn, nổi hơn lên. Những giọng này không được micro bắt nên nghe rất xa vắng, uổng mất công phu hòa âm của Lê Văn Khoa.

Mộng Thủy, Anh Dũng và Lệ Thu trở lại với những ca khúc Nghìn Trùng Xa Cách, Khối Tình Trương ChiRồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà.

Tiếp theo là một phần rất đặc biệt : liên khúc Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê do Lê Văn Khoa hòa âm rất khéo léo và do Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao và Nguyễn Thành Vân trình bày. Bài Vợ Chồng Quê khá hài hòa qua sự trình bày của Nguyễn Thành Vân và Quỳnh Giao. Một lần nữa, Nguyễn Thành Vân chứng tỏ anh hát rất hay những bài dân ca.

Duy Quang đã tiếp nối chương trình với một bài hát phổ thơ rất đặc biệt vì dài và khó hát, đó là bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, một tác phẩm bất hủ khác của Phạm Duy. Hát nhạc Phạm Duy thật ra rất risky vì có quá nhiều người đã nghe những bài hát của ông và có không ít số người thuộc lòng những ca khúc của ông. Duy Quang đã hát sai lời nhiều chỗ. Nhưng anh vẫn nhận được những tràng pháo tay và tiếng cổ võ vang dội của thính giả.

Trần Thái Hòa trở lại sân khấu với ca khúc Nước Mắt Rơi. Anh đã diễn tả trọn vẹn bài hát. Hai bài anh chọn thật ra rất khó vì lời hát rất dài và phức tạp. Trần Thái Hòa đã chứng tỏ thái độ trân trọng với âm nhạc bằng cách tập dượt nhiều và hát thuộc lòng bài hát. Anh lại là một người còn rất trẻ. Với thái độ trân trọng âm nhạc, đường anh đi sẽ rất thênh thang.

Kim Tước thật điêu luyện qua bài Như Là Lòng Tôi, một ca khúc chắc ít ai được nghe. Trong những ca sĩ hàng đầu của Việt Nam, có lẽ chỉ một số nhỏ có giọng hát thật đặc biệt, trong đó có Kim Tước, Lệ Thu, và Thái Thanh. Giọng Kim Tước vang, ấm và có một chất ngọt, êm rất khó diễn tả. Một giọng hát hiếm quí đã cất lên từ hơn 50 năm qua mà vẫn còn nguyên phong độ.

Có lẽ Tuấn Ngọc là ca sĩ được vỗ tay nhiều nhất khi vừa được giới thiệu, chứng tỏ sự mến mộ của khán giả đối với anh. Anh hát 2 bài liên tiếp. Anh đã chứng tỏ khả năng điêu luyện của mình qua bài hát Tâm Sự Gửi Về Đâu, một bài hát mà anh đã tâm sự là favorite của anh. Bài hát kia là bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau, chắc có lẽ sẽ hay hơn nếu anh nhớ lời, không cần phải nhìn bài và có thể diễn tả bài hát trọn vẹn hơn. Phải nói giọng hát của Tuấn Ngọc phải được xếp vài loại trữ tình. Anh có thể lên những nốt cao như fa, sol... một cách dễ dàng mà vẫn giữ được chất êm ngọt. Anh xứng đáng nhận ngôi vị tiếng hát nam hàng đầu hải ngoại.

Lần trở lại sân khấu, Bích Liên chọn một ca khúc phô rõ được giọng của cô hơn. Đó là bài Qua Suối Mây Hồng. Ở những nốt cao, giọng Bích Liên vang, sáng và đẹp hơn những chỗ thấp nhiều. Với phong cách tự tin và giọng hát với làn hơi hùng hậu, Bích Liên diễn tả bài hát đặc biệt này một cách có kịch tính vì đây gần như là một truyện ca. Cô đã lôi cuốn được người nghe. Và ban hợp ca đã kết thúc chương trình bằng liên khúc Mẹ Trùng Dương Mẹ Việt Nam Ơi. Một lần nữa, Lê Văn Khoa chứng tỏ tài hoa của mình qua phần hòa âm. Một lần nữa, phần bè nam không bắt micro vẫn bị chìm nghỉm làm phần hòa âm mất cân xứng.

Chấm dứt bài viết mà không nói đến cuốn phim ngắn 10 phút do Charlie Nguyễn và Y Sa thực hiện là một thiếu sót. Cuốn phim ngắn đã nắm bắt được cái personality của Phạm Duy. Một con người linh động, tự tin, nhiều sinh khí. Vì thế ở tuổi hơn 80, ta không ngạc nhiên thấy ông vẫn làm việc cật lực, sáng tạo và hồn nhiên bày tỏ những cảm nghĩ của mình một cách trung thực.

Hai MC Y Sa và Hoàng Khởi Phong làm tròn nhiệm vụ của mình. Y Sa chứng tỏ một sự trân trọng đối với "nghề" làm MC. Cô luôn học thuộc lòng những lời giới thiệu dù có dài giòng và phức tạp đến đâu. Vì thế lời giới thiệu của cô duyên dáng hơn và tự nhiên hơn. Cô sẽ còn tiến xa.

Buổi nhạc Phạm Duy: Một Đời Nhìn Lại được tổ chức công phu và chu đáo, đã đem lại cho khán giả những giờ phút âm nhạc trang trọng và đúng nghĩa nhạc, xứng đáng là một buổi nhạc cho người nhạc sĩ đã ảnh hưởng đến cuộc đời của nhiều người Việt Nam nhất. Cám ơn Phạm Duy và Ban Tổ Chức.


>>>60 Năm Dòng Nhạc Dòng Đời