Một Đời Nhìn Lại
San Jose, 8 February 2003


Poster rất đẹp, in ra để đặc biệt tặng khán thính giả


Poster San Jose Show

<
Tập brochure


Hai trong số những người bảo trợ đêm nhạc


Bích Liên tập bài Đạo Ca Qua Suối Mây Hồng với ban nhạc


Buồi sáng, Duy Quang và Mộng Thủy tập với ban nhạc...


Buổi tối, Mộng Thủy và Duy Quang hát "Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài"

click : nghe nhạc


Duy Quang hát Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà


Pham Duy cạnh Ban Nhạc Giao Hưởng = last rehearsal


Màn Hợp Ca : Lữ Hành, Mẹ Việt Nam Ơi...


Thái Hiền
click : nghe nhạc


Hai MC khả ái : Kim Oanh và Nguyễn Xuân Hoàng


PD cám ơn nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng


tặng hoa


Khán giả và Phạm Duy


Người ái mộ


Xin chữ ký

Trong thời gian thông tin về đêm nhạc này, ký giả Giao Chỉ kể chuyện xưa, trong chương trình Radio Dân Sinh tại San Jose.

Phạm Duy và Tiếng Hát Quê Hương

Lời nói đầu :
Mùa Xuân năm Bính Thìn 1976, lần đầu tiên ban nhạc gia đình Phạm Duy với thành phần không đầy đủ trình diễn tại Chicago. Giao Chỉ viết bài báo chúng tôi trích trong tạp ghi Cõi Tự Do. 27 năm sau, Phạm Duy và các ca sĩ gia đình của ông trình diễn tại Bắc Cali để nhìn lại 60 năm âm nhạc. Nhân dịp này, tác giả Giao Chỉ viết thêm đoạn tạp ghi của năm 2003. Chúng tôi xin đăng tải hai bài viết cách xa gần 30 năm về một nhân vật lớn của âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, xin quý vị đón nghe chương trình Radio Dân Sinh trên 1500 AM vào 9:00 sáng thứ Bảy với 1 giờ đặc biệt về Phạm Duy.
Tạp ghi 1976, tác giả gọi Phạm Duy là anh. Tạp ghi bổ túc 2003, tác giả gọi Phạm Duy là ông. Đó là một chút khác biệt về thời gian.

Tháng 3-1976.

Trong thời gian vừa qua tôi có cơ hội nghe gia đình Phạm Duy trình diễn hai lần. Lần thứ nhất vào dịp Việt Nam họp mặt tại Chicago nhân ngày Tết Bính Thìn. Lần thứ hai tại Bloomington cũng trong ngày họp mặt, kỷ niệm một năm bỏ nước ra đi.

Lần đầu nghe Phạm Duy trình diễn ở Chicago đã gợi cho tôi thật nhiều kỷ niệm. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày Chủ Nhật và nhằm ngày mồng hai Tết Âm Lịch. Tất cả anh em bè bạn và gia đình chúng tôi cư ngụ ở khu vực Springfield trên dưới 40 người, sử dụng 6 xe khởi hành vào buổi sáng dưới trời mưa tuyết tầm tã. Đi hơn 200 miles để tới họp mặt tại Chicago. Chúng tôi đến với Phạm Duy như là đến với tiếng gọi quê hương. Lòng tràn đầy ước mong được gặp lại những người quen thuộc và cũng lại khung cảnh quen thuộc với những tiếng hát mà chúng tôi đang khao khát.

Ban nhạc mà anh Phạm Duy gọi là gia đình Phạm Duy gồm có anh với chị Thái Hằng và ái nữ Thái Hiền. Chương trình của anh được gọi là "Để đóng góp vào tiếng hát chung của Hiệp Chủng Quốc."

Hôm đó, trong suốt hơn 2 giờ liên tiếp, gia đình Phạm Duy đã trình bày 3 phần. Phần đầu là dân ca : Hội Trăng Rằm, Qua Cầu Gió Bay, Lý Quạ Kêu, Cái Trống Cơm... Phần thứ hai là những ca khúc của Trịnh Công Sơn như Người Con Gái Da Vàng, Tình Ca Của Người Mất Trí, Gia Tài Của Mẹ. Và sau hết là những khúc hát của chính Phạm Duy như Người Thương Binh, Kỷ Vật Cho Em... Để chấm dứt luôn luôn vẫn là bài Việt Nam, Việt Nam. Hôm đó và có lẽ cũng như phần đông các buổi trình diễn của anh, hầu hết đồng bào và một số các thân hữu Hoa Kỳ ở vùng Chicago đều có mặt.

Cũng như chúng tôi, họ đi tìm Phạm Duy như là để tìm lại tiếng của quê hương, tìm lại hơi ấm của đồng bào và cũng như là để tìm lại chính mình. Phạm Duy như là một cơ hội cho ta nghe lại tiếng lòng. Phải nói ngay rằng, với một số lượng ca sĩ quá hạn chế và nhạc khí duy nhất là cây đàn guitar, Phạm Duy đã khéo sắp xếp và chuẩn bị một chương trình gồm đủ những bài ca kể cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ. Những bài ca thích ứng với đối tượng và hoàn cảnh. Với riêng tôi, Phạm Duy luôn luôn là một nhà soạn nhạc vĩ đại. Tôi thiển nghĩ Phạm Duy là một phần, hay có thể là một phần lớn tinh hoa của nhạc Việt Nam. Tiếng nhạc của Phạm Duy đã đóng góp thật nhiều vào văn hóa Việt. Cái văn hóa mà chúng ta, những người di cư, những người tỵ nạn chính trị đã đem theo trên con đường bỏ nước mà đi. Tuy nhiên nghe gia đình Phạm Duy trình bày, cảm tưởng của chúng tôi là một cảm tưởng ngậm ngùi. Phần lớn những bài ca, tiếng hát đem lại cho chúng tôi một nỗi xót xa bàng bạc từ trong đáy lòng. Đó đây vẫn có tiếng cười, nhưng cái vẻ thê lương nhường ấy, không nhòa lệ nhưng cũng chẳng dấu được ai.

Tuy nhiên đây là cái thê lương cần thiết, nỗi buồn tái tê mà ta vẫn phải tìm đến. Riêng với Phạm Duy, chính anh, tôi không nghĩ rằng anh là một ca sĩ trình diễn bởi vì trong Phạm Duy đã có một nhạc sĩ lớn và không còn chỗ cho ca sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên anh vẫn phải đóng vai trò của một nghệ sĩ trình diễn và anh đã thành công trong nhiệm vụ. Đó cũng là một nhiệm vụ cần thiết bởi vì thật ra cũng không còn lối nào hơn. Về phần Thái Hằng, ngày xưa chị đã là một ca sĩ.

Nhưng bây giờ chị còn hiện thân một bà mẹ. Tôi thấy qua Thái Hằng hình ảnh một bà mẹ Việt Nam. Tiếng ca không còn những âm hưởng vang dội ngày nào, mà chỉ còn như những tiếng than thở. Thực sự chỉ có Thái Hiền năm nay 18 tuổi là một giọng ca đang phát triển và là tiếng hát chính, tiếng hát cưng của Phạm Duy. Không có Thái Hiền chắc hẳn không thể có ban nhạc gia đình Phạm Duy. Thái Hiền là cái đinh của suốt buổi trình diễn và còn nhiều chiều hướng khá hơn trong tương lai. Khi viết về ban nhạc gia đình Phạm Duy ở đây, thật ra tôi không có ước vọng làm phóng sự buổi trình diễn.

Buổi trình diễn chỉ là một cái động lực để đưa ta về dĩ vãng. Tôi thấy tràn ngập những kỷ niệm. Tôi còn nhớ Phạm Duy đến với tôi vào một ngày của mùa Thu khói lửa. Mùa Thu của toàn quốc kháng chiến từ năm 1945 và những tiếng hát, những lời ca hùng vĩ tràn ngập tâm hồn thanh thiếu niên. Phạm Duy cùng với nhiều tài hoa khác đã lớn dần trong lửa khói chiến tranh. Từ Hà Nam Ninh đến Cao Bắc Lạng. Xa hơn nữa vào cả Thanh Nghệ Tĩnh, những bài ca kháng chiến như sóng cồn và danh vị Phạm Duy lớn dần cùng với những tiếng hát bay cao. Những tiếng hát bừng bừng như lửa dậy. Ôi ! Những kỷ niệm của ngày bao hùng binh tiến lên. Cùng theo dòng kỷ niệm tràn đầy, tôi nhớ lại khi mới bắt đầu làm quen với nhạc kháng chiến, nhạc tình tự dân tộc, cũng như nhạc tươi trẻ qua tiếng hát của chim Họa Mi liên khu 4, đó là tiếng hát Thái Thanh. Hầu hết giới trẻ, học sinh, sinh viên, bộ đội đều sung sướng thưởng ngoạn nhạc Phạm Duy và tiếng ca Thái Thanh. Tiếng ca đó vang dội suốt liên khu 4 và theo chân những toán thiếu niên tiền phong lên chiến khu Việt Bắc :Việt Bắc ! Việt Bắc, chốn rừng núi, chốn đồi núi, chốn rừng thiêng âm u, chốn toàn dân biên khu, theo cha già đấu tranh một mùa Thu. Ôi ! Những lời ca hào hùng và cũng ngây thơ biết chừng nào !

Dòng kỷ niệm đưa tôi về tới những ngày của ban Gió Nam từ Sài Gòn ra Hà Nội. Tôi còn nhớ những lần trèo tường hay sử dụng vé giả vào nhà hát lớn nghe Đoàn Gió Nam trình diễn. Những thành phần nghệ sĩ lừng danh một thời như Phạm Duy, Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch... Những ngày mà tiếng hát bay thật cao. Những ngày đó ta có thể nhớ suốt đời. Tiếp đến thời vàng son của những năm 55-60, thời kỳ của ban Thăng Long mà những đại nhạc hội có Trường Ca Hội Trùng Dương. Khánh Ngọc hát lên Tiếng Sông Hồng, Thái Hằng nỉ non Tiếng Sông Hương Tiếng Sông Cửu Long là của Thái Thanh. Thái Thanh từ đó đã bắt đầu vươn lên chỗ đứng trên đỉnh cao. Đạt được cái danh xưng là Tiếng Hát Vượt Thời Gian. Tôi đọc ở đó đây trong một vài tiểu thuyết của văn sĩ Hoàng Hải Thủy. Anh thường tôn sùng một cách nhiệt thành tiếng hát Thái Thanh. Nhân dịp một nữ danh ca của Pháp chết, hàng chục ngàn khán giả mộ điệu đi đưa đám ma.

Hoàng Hải Thủy đã cảm khái viết rằng đời anh ta có một ước vọng duy nhất là được đi đưa đám tang của Thái Thanh. Bây giờ thì kể cả Thái Thanh lẫn Hoàng Hải Thủy đều ở lại Sài Gòn và tôi ngậm ngùi nghĩ rằng rồi đây không biết ai sẽ đi đưa đám ma ai. Biết có dịp để đi đưa đám ma của nhau không ? Ôi ! Ban hợp ca Thăng Long của ngày xưa bây giờ còn lại những ai? Khánh Ngọc, người ca sĩ đa tình đó đã từ lâu biến dạng. Gia đình Hoài Trung di tản kịp và Hoài Bắc ở lại.

Bây giờ xin trở lại với Phạm Duy. Thực ra năm nay anh Phạm Duy đã đến cái tuổi mà người ta có thể gọi là lão thành. Tuy nhiên, dù mái tóc bạc phơ nhưng tâm hồn, nhân dáng và cốt cách của anh vẫn còn trẻ. Vẫn còn nhiều lúc tươi vui nhưng đã mang nặng nhiều cay đắng. Thực vậy, vẫn còn nhiều đau thương lắm bởi vì cũng như những số lớn đồng bào của chúng ta, gia đình Phạm Duy còn kẹt lại bốn người con trai đã trưởng thành tại Sài gòn. Ban nhạc gia đình Phạm Duy với ba người đứng đó, hầu như mang nặng hình ảnh của một gia đình chia cách. Đó là hình ảnh của một quê hương tan nát. Với bằng ấy tuổi, với địa vị và khả năng của anh trong văn hóa, chỗ đứng của anh trong nhạc Việt, nếu quê hương của chúng ta còn, thì ít nhất định mệnh cũng dành được cho anh một cuộc sống bình yên, trong cái nghĩa hạnh phúc tương đối. Có lẽ cuộc sống tuy không vương giả mà cũng chẳng quá đạm bạc. Nhưng bây giờ vào buổi chiều của đời người, với một trái tim tan nát mang nỗi xót xa như kẻ lưu đày với một người vợ và một cô con gái, anh phải soạn những chương trình ca nhạc tạp lục để rồi làm thân con dế đi an ủi những người khác.

Đem tiếng quê hương, tiếng quê hương thê lương ảo não như từ ngàn trùng vọng lại để gọi là giúp vui cho đồng bào. Có lẽ vừa là một sự thật đau lòng mà vừa là một nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên như anh Phạm Duy đã từng nói, ít nhất những người nghệ sĩ như anh còn có cơ hội để mà hát được. Cũng như hân hạnh cho những ai bỏ nước sang đây mà còn làm được nghề đúng chỉ số. Đúng cái nghề mà mình vẫn làm khi ở quê hương. Cũng còn hơn là đi làm những cái công việc mà mình không thích. Người nghệ sĩ còn cất được tiếng hát là còn được một chút an ủi và không có gì đau khổ hơn cho nhạc sĩ mà không còn được đờn ca. Và con dế đầu bạc Phạm Duy, bao giờ cũng vậy mỗi lần cất tiếng ca là một lần hứa hẹn. Con dế hát rằng: rồi sẽ có ngày trở về. Người nghe và người hát, chúng ta cùng hẹn nhau. Chúng ta cùng gặp nhau ở một điểm. Chúng ta có chung một ước mong là rồi sẽ có ngày trở về. Bao giờ ? Ai trả lời được hay không ai trả lời được? Không ai biết bao giờ nhưng nhất định sẽ có ngày trở về. Và cứ như vậy Phạm Duy bấm nốt trên phím đàn mòn mỏi để đệm cho tiếng hát trẻ đầy triển vọng của Thái Hiền cất cao lên mãi. Và vai trò của Thái Hằng, người ca sĩ cả mười năm nay không cất tiếng, ngày nay lúc đứng cạnh Phạm Duy, lúc lại đi vào hậu trường, như bóng của một người mẹ trong một gia đình. Đứng đó mà mắt nhìn về đâu đâu phía chân trời. Nơi xa kia những đứa con trai đã trưởng thành nhưng mờ mịt bóng chim tăm cá. Và cuối cùng thì bao giờ cũng vậy tất cả cử tọa cùng với gia đình Phạm duy đã cùng hát bài ca Việt Nam ! Việt Nam ! Bài ca đó chẳng phải quốc ca nhưng mà rất quen thuộc. Tất cả đều hát, hát như là một sự kêu gọi, như là để cho vơi đi niềm khắc khoải và có lẽ sẽ còn hát như vậy thật lâu. Phạm Duy cùng ban nhạc gia đình của anh vẫn còn lang thang lưu diễn. Đôi khi, thực ra cũng có người cho rằng chẳng hay lắm nhưng vẫn đến, vẫn đến mãi vì hay hay không, đâu có thành vấn đề. Mọi người vẫn phải đến với anh bởi vì Phạm Duy là tiếng gọi từ quê hương. Vì vậy cho nên khi có thể được, chúng tôi đều đến với anh. Từ Chicago trở về lúc hai giờ đêm đi 200 miles trong bão tuyết. Đến nhà vừa đúng 7 giờ sáng thứ hai, uống một ly cà phê rồi đi trả nợ Mỹ. Bốn tháng sau khi nghe có anh cất tiếng ở Bloomington lại đi thêm 100 miles. Lần này thì chương trình biết cả rồi nhưng vẫn đến nghe, gặp anh em hàn huyên, nghe Thái Hiền hát rồi tán chuyện với những người khác. Rồi đôi khi sực tỉnh, lại ngồi nghiêm chỉnh để nghe. Bởi vì tiếng quê hương có lúc đứt đoạn, có lúc liên tục. Biết rồi mà vẫn đến, vì ở cái xứ này 100 hay 200 dặm xa cách đâu có nghĩa lý gì. Ngày nay bằng hữu phần lớn đang tù đày, tuổi này đã già rồi, ta trốn đi được đâu phải đến đây để thành công dân hữu dụng. Cái mục đó, nếu có là để dành cho nhi đồng. Nước này đâu có cần đến ta, làm gì mãi cho thêm còm cõi. Có dịp là tri âm phải đến với nhau như những con dế họp đàn. Ôi ! Những con dế nhiều ảo vọng, rồi sẽ có ngày trở về?

-------------------------------------
* Bài này viết năm 1976. Hiện nay 4 người con trai của Phạm Duy đã vượt biên định cư tại CA. Nhạc sĩ Hoài Bắc cũng đã qua Mỹ cùng với Hoài Trung và Mai Hương tái lập ban hợp ca Thăng Long. Chỉ còn Thái Thanh ở lại Việt Nam. Ghi chú năm 1983. (Tái bản lần 2)
* Sau cùng Thái Thanh cũng qua định cư tại Hoa Kỳ. Hoài Bắc Phạm Đình Chương và Thái Hằng (vợ Phạm Duy) cũng đã qua đời. Ghi chú năm 2001. (Tái bản lần 4)


Phạm Duy
Từ Xuân Bính Thìn 1976
Đến Qúy Mùi 2003

Chúng ta vừa trải qua những ngày đầu Xuân Quý Mùi. Những ngày Hội Tết ở miền Bắc tiểu bang California thật đáng ghi nhớ. Các tổ chức đã tìm được một lịch trình rất hòa thuận. San Francisco tổ chức trước Tết một tuần. Hội Tết Fairgrounds năm thứ 21 chú trọng vào ngày thứ Bảy đầu năm. Hội Xuân và diễn hành ở Downtown San Jose tổ chức vào ngày Chủ Nhật mùng 2 Tết. Hội Xuân Oakland tổ chức sau Tết một tuần.

Và suốt hai tuần qua, người Việt đã hưởng một cái Tết đâu ra đấy, dù rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có phần ốm yếu và cuộc chiến với Irac rất gần kề. Các chương trình TV, Radio, và báo Xuân làm cho Tết Quý Mùi thêm ý nghĩa. Cái Tết năm nay làm chúng tôi nhớ đến mùa Xuân năm Bính Thìn 1976, cách đây 27 năm.

Lúc đó gia đình chúng tôi định cư tại Springfield, thủ đô của tiểu bang Illinois. Vài ba gia đình Việt cô đơn đã đi 200 dặm trong bão tuyết để đến dự đêm văn nghệ Phạm Duy tại Chicago.

Hai năm sau, nhân danh cơ quan IRCC chúng tôi có dịp tổ chức cho gia đình Phạm Duy ra mắt lần đầu tiên tại San Jose tức là năm 1978. Trong hoàn cảnh của hơn 25 năm về trước, nhạc Phạm Duy là quê hương bỏ lại, là nước mắt của quá khứ đem theo. Tôi còn nhớ khi ca sĩ cất tiếng, bất cứ là ca sĩ nào, và dù ở xa hay gần sân khấu, lời ca và nhạc điệu của ông vẫn tuôn trào trong lòng khán giả. Hầu hết chúng tôi đã thuộc lời ca.

Và bây giờ, San Jose lại đón chào Phạm Duy trong một chương trình đặc biệt. Một lần nữa, các khán giả cao niên lại leo đồi Foothill để đến với nhà nhạc sĩ lão thành mà cùng nhau nhìn lại cuộc đời đã trải qua với 60 năm âm nhạc Phạm Duy.

Mặc dù chỉ tự nhận là ca nhân nhưng trong lịch sử của nhạc Việt, Phạm Duy quả là một tên tuổi vĩ đại về cả số lượng lẫn phẩm chất. Không một thể loại nào mà thiếu tác phẩm của ông. Tình ca, quân ca, dân ca, tục ca, thiền ca, v.v... Nhạc của ông đã được ghi nhận thành ngàn lời ca và không một ca sĩ nào có thể nói là chưa hát nhạc Phạm Duy và cũng không ca sĩ nào có thể nói là thuộc hết nhạc Phạm Duy. Nhạc của ông phản ảnh của mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, suốt từ thập 50 cho đến những năm đầu của thế kỷ thứ 21. Người ta gọi văn vẻ dòng nhạc theo vận nước nổi trôi.

Đến đây tôi xin nhắc lại một câu chuyện đau thương nhất. Chuyện kể rằng vào thập niên 80 có con thuyền vượt biên 60 người bị hải tặc hãm hiếp đàn bà, đập đầu đàn ông, vất trẻ con xuống biển. Sau cùng còn lại một đám hơn 30 người già trẻ lớn bé nam nữ bị hải tặc lùa lên hoang đảo, tất cả gần như trần truồng, ngồi quây quần bên đám lửa như những con người tiền sử. Trong hoàn cảnh đau thương kinh hoàng đó, đám hải tặc điên cuồng lại còn bắt các nạn nhân của chúng làm văn nghệ. Nếu hát thì cho ăn uống, không hát thì bị đánh đập.

Những người tỵ nạn sau đó được giải thoát vào trại đã kể rằng, đêm hôm đó họ đã hát bản Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy. Như vậy là nhạc điệu cao quý hào hùng của ông đã từng có lần xuống đến đáy địa ngục để rồi vẫn trở lại với chúng ta.

Để kết luận phần đóng góp ý kiến về nhạc Phạm Duy, xin quý vị cùng chúng tôi đóng vai trò tiên tri cho thế hệ tương lai.

Một trăm năm sau, con cháu chúng ta sẽ thưởng thức nhạc Phạm Duy ra sao. Có thể những lời ca phản ảnh thời sự sẽ ít được nhắc tới. Các bản hùng ca, nhạc chiến đấu, nhạc phản chiến không biết có còn ai hát nữa không. Tuy nhiên, chắc rằng những bản tình ca và dân ca sẽ đi vào danh sách vĩnh cửu. Chừng nào đất nước vẫn còn những con sông đào, thì phải là những con sông đào xinh sắn. Nếu vẫn còn tiếng nước tôi thì sẽ còn là tôi yêu tiếng nước tôi. Chừng nào trời đất vẫn còn mùa Xuân, mùa Thu thì vẫn còn mùa Xuân và mùa Thu trong nhạc Phạm Duy. Đó là lý do mà những dòng nhạc sẽ đưa ông vào bất tử.

Còn bây giờ ta lại rủ nhau leo lên đồi Foothill ở Cupertino mà gặp lại một Phạm Duy tóc trắng. Đối với loại khán giả 70 đi thăm tác giả ngoại bát tuần, trong cái phù vân của trời đất bây giờ, lúc nào cũng có thể là lần cuối. Chẳng biết rằng sang năm có còn sức mà leo lên các bậc thềm tai ác đó được không ?

Giao Chỉ - San Jose 2003


Một Đời Nhìn Lại
Lâm văn Sang
Mercury News - San Jose

Thứ Bảy cuối tuần qua, 8 tháng Hai, 2003, trên sân khấu của trường Foothill College, Một Đời Nhìn Lại là một chương trình nhạc có một không hai được tổ chức ở San Jose trong những năm tháng gần đây. Chương trình do Rainbow Youth Foundation thực hiện với sự góp tay của dàn nhạc giao hưởng Vietnamese-American Philharmonic Symphony Orchestra do nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng điều khiển. MC Nguyễn Xuân Hoàng gọi đây là "một tóm tắt của hành trình âm nhạc Phạm Duy." Cái hiếm hoi, cái có một không hai là ở đấy. Phạm Duy, 83 tuổi, đã tuyên bố giải nghệ từ bốn năm qua, với gần một nghìn nhạc phẩm là một hành trình không thể ngắn và một chương trình kéo dài trên ba tiếng đồng hồ không thể nói khác hơn như "một tóm tắt."

Chương trình qua lời giới thiệu là một "phóng tác" từ những ca khúc vốn giản hơn của Phạm Duy thành loại nhạc giao hưởng. Đây là việc làm không giản đơn của các nhà hòa âm nổi tiếng như Duy Cường, Lê văn Khoa, Đặng Xuân Thìn, Trần Chúc, Vương Hương. Nhạc Phạm Duy, nhiều người đã nghe (đã biết, đã hát), có cũ, có mới, có âm hưởng ngũ cung, có âm điệu Tây phương... nhưng đặt chung trong khuôn khổ của loại nhạc giao hưởng, từ đầu đến cuối, cũng là một hiếm hoi khác, ít được nghe thấy hơn.

MC Kim Oanh giới thiệu Âm nhạc Phạm Duy là tiếng khóc cười theo vận nước nổi trôi Đó là một câu nói khá quen thuộc chỉ có thể dành riêng cho Phạm Duy, một đời sống (và sáng tác gắn liền với đời sống đó) trải dài suốt chiều dài Việt Nam, suốt bề mặt thế giới và bao trùm cả chiều kích lịch sử (thời gian) Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua.

Nhìn Lại
Cái nhìn lại đó, qua chương trình, là một sắp xếp không thẳng hàng theo thời gian (và vì vậy, không gian). Nó bắt đầu bằng hòa tấu nhạc phẩm Chiều Về Trên Sông và bài Tình Ca do ca sĩ Bích Liên trình bày (người có giọng ca hao hao Thái Thanh trong những nốt nhạc mở đầu "Tôi yêu tiếng nước tôi..."), trước khi hai MC xuất hiện, chào đón và giới thiệu chương trình. Một mở đầu cũng khá hiếm hoi.

Bài Cô Hái Mơ được giới thiệu sau đó (do Thái Hiền hát) là nhạc phẩm đầu tay của Phạm Duy, sáng tác trong năm 1942, phổ thơ Nguyễn Bính, dễ khiến người nghe có cảm tưởng "cuộc hành trình" thực sự bắt đầu từ khởi điểm. Nhưng, không. Những nhạc phẩm kế tiếp là một chạy nhảy, tới lui trong hành trình âm nhạc đó qua nhiều thời điểm khác nhau, qua nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau. Cách sắp xếp này, vì một lý do gì đó, đánh lạc hướng người nghe, như ngầm bảo rằng ở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Phạm Duy vẫn có mặt, vẫn viết nhạc, vẫn nói lên tiếng nói của mình và mọi người trong hành trình này, của ông. Theo Nguyễn Xuân Hoàng, sự sắp xếp này từ phía ban nhạc và hoàn toàn do khía cạnh kỹ thuật. Điều này đã thật sự gây khó khăn cho người giới thiệu chương trình vì thiếu một đường chỉ xuyên suốt.

Cái đa diện trong gia tài âm nhạc Phạm Duy được nhìn thấy. Qua lời giới thiệu của Nguyễn Xuân Hoàng, người ta biết có ba con người trong Phạm Duy, theo ông thú nhận : con người tình cảm (soạn nhạc cho riêng mình), con người xã hội (soạn nhạc dung hòa, điều hợp con người và xã hội), và con người tâm linh (soạn nhạc nhiên hòa, một cách hòa mình vào với thiên nhiên).

Trình bày những mặt khác nhau trong âm nhạc Phạm Duy trong đêm thứ Bảy bên cạnh những tiếng hát của một thời như Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Lệ Thu, Duy Quang, Thái Hiền, còn có những tiếng hát gần hơn bây giờ như Anh Dũng, Nguyễn Thành Vân, Bích Liên, Mộng Thủy, Lê Hồng Quang, Phạm Hà. Và đến với Phạm Duy, còn có một thế hệ rất trẻ người ta có thể chưa bao giờ nghe thấy họ bao giờ. Một Đời Nhìn Lại hẳn nhiên không thể không kể đến sự có mặt của ba tiếng hát Tâm Đan, Việt Hải, Bảo Châu trong nhạc phẩm Em Bé Quê với phần hòa âm độc đáo của Lê văn Khoa. Sự có mặt đó và những tiếng hát đó đã mang lại chút gió mát cho chương trình, một chương trình vốn nghiêm chỉnh, và đồng phục ngay từ đầu.

Phải, ngay sau một vài nhạc phẩm đầu tiên được trình bày và trước khi Lệ Thu hát Mùa Thu Chết, MC Kim Oanh đã khéo léo nhắc khán giả chờ cho đến khi ban nhạc dứt tiếng đàn thì chúng ta hãy vỗ tay, như vậy ban nhạc rất cám ơn quý vị. MC Kim Oanh còn là người đứng đầu trong ban tổ chức, phối hợp và điều hành chương trình (cùng với Hạ Thu Thủy). Nhờ nhắc nhở của cô, người nghe biết chuyện phải làm. Nhưng, dường như, chỉ riêng người nghe tỏ ra kính trọng ban nhạc thôi, chưa đủ. Người ra (tôi) còn một yêu cầu khác, ngược lại, cho ban tổ chức. Một sự nghiêm chỉnh đồng đều đòi hỏi người chỉ dẫn ghế ngồi cho khách đến trễ phải chờ đến khi một bản nhạc chấm dứt mới làm nhiệm vụ hướng dẫn của họ. Hẳn nhiên, đây không phải chỉ là chuyện xảy ra làm phiền người nghe nhạc trong riêng chương trình này.

Chỗ Đứng
Một Đời Nhìn Lại có trình chiếu một đoạn phim ngắn mang tên Người Tình Già do Y Sa thực hiện và Charlie Nguyễn đạo diễn (phim Vật Đổi Sao Dời). Đó là một cố gắng nhỏ, một giới thiệu bằng hình ảnh về cuộc đời của Phạm Duy. Người diễn giải trong phim nói Phạm Duy đứng trên chính trị nhưng không đứng ngoài thời cuộc. Đó là câu nói khá quen thuộc khác - người ta có thể thay thế Phạm Duy bằng tên một người nào khác, cũng được. Câu nói đó, gần như một tuyên ngôn, cho một khuynh hướng văn học vẫn còn được mang ra dùng. Trong trường hợp Phạm Duy, đó là một lời giải thích, muộn màng, sau chuyến trở về thăm quê hương -- bị nhiều người chống đối -- của ông. Câu trả lời cho những chống đối này hẳn nhiên không đầy đủ, không được mọi người hài lòng. Người chống ông, đã đành. Người mến mộ tài năng ông, không nỡ. Nhiều người đã chọn thái độ im lặng. Tạp chí Văn, số 66 & 67 (tháng Sáu và Bảy, 2002), đặc biệt về Phạm Duy, giữ thái độ im lặng này. Đêm thứ Bảy, tại Foothill College, người ta vẫn đến với Phạm Duy chật thính đường. Những người đã đến với ông có phải đều đến với lập trường "đứng trên chính trị" của ông ? Có bao nhiên người khác ở Vùng Vịnh không đến với ông vì lập trường này nhân danh cho "đa số thầm lặng" phản đối và không phản đối ? Sau Trịnh Công Sơn, Phạm Duy là trường hợp thứ hai nhưng không hoàn toàn giống nhau.

Trong bài viết Phạm Duy, và vết thương di tản của tập chương trình, dầy 48 trang, trình bày mỹ thuật dành riêng cho đêm nhạc Một Đời Nhìn Lại, Nguyễn Xuân Hoàng có dùng bài viết của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kunkera để đưa ra một so sánh giữa hai nhạc sĩ Stravinski và Phạm Duy. Kundera viết, Không còn nghi ngờ gì nữa, Stravinski mang trong mình vết thương của sự di tản, như tất cả những người khác; không còn nghi ngờ gì nữa, sự phát triển nghệ thuật của ông sẽ đi một con đường khác nếu ông có thể ở lại nơi ông đã sinh ra.

Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét, Phần đầu của Stravinski và Phạm Duy có vẻ như trùng hợp nhau. Sự khác là ở phần cuối. Chủ đề [trong âm nhạc Stravinski không còn là Nga nữa. Trong khi chủ đề] trong âm nhạc Phạm Duy luôn luôn là Việt Nam.

….. Điều còn lại nói theo George Orwell, Quan niệm nghệ thuật không dính dáng gì đến chính trị, chính đó, cũng là một thái độ chính trị là một cách giải thích khác cho việc "đứng trên chính trị" của Phạm Duy. Biên giới -- George Steiner cho rằng khái niệm biên giới là một trong những phát minh táo bạo nhất của tinh thần hiện đại -- là ngưỡng cửa của đi, về. Có phải chúng ta vẫn lo ngại có người ra đi và sẽ đi luôn ? Có phải chúng ta ít lo ngại hơn trong trường hợp ngược lại? Ra đi để trở về, bằng cách này hay cách khác, trong tình huống này, hay khác, đều đáng để nói đến. Và có phải về để rồi lại ra đi vẫn còn hơn về và ở lại? Phạm Duy đi và về nằm trong ý thức tự do không để bị đánh mất, bị tướt đoạt.

Lâm văn Sang


Bắc Cali Đến Với
Phạm Duy “Một Đời Nhìn Lại”

Giao Chỉ Vũ Văn Lộc (TVNs)

Từ San Jose, chúng tôi vẫn có cơ hội đọc tin tức báo chí, Radio, TV tại Nam Cali về các chương trình dành cho nhạc sĩ Phạm Duy vào cuối năm 2002. Và nhiều số báo đặc biệt đã phát hành với chủ đề Phạm Duy. Tất cả đều đến từ quận Cam, vùng Sài Gòn nhỏ, nơi tập trung của tinh hoa văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Và sau cùng, trong cái hào hứng và nồng nhiệt của không khí nhìn lại một đời Phạm Duy ở miền Nam, cô Kim Oanh ở San Jose bạo gan đóng vai bà bầu nhỏ đưa toàn bộ chương trình này lên đồi Foothill ở thị xã Los Altos của miền Bắc California. Đó là ngày thứ Bảy 8 tháng 2-2003. Vùng San Jose vừa trải qua một loạt các đêm văn nghệ lớn nhỏ từ mùa Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tân Niên, và đón Xuân Quý Mùi. Vì vậy trong lòng tôi có chút e ngại rằng kỳ này không chừng, công việc nhìn lại cuộc đời của Phạm Duy có thể hơi vất vả. Nói gì thì nói, đa số khách của ông đều từ cấp trung niên trở lên. Vé mà bán không hết, chỉ còn nhìn lại có nửa cuộc đời thì cuộc vui sẽ lạnh giá rất nhiều. Anh em vẫn còn bàn nhau rằng, đến với Phạm Duy là đến với quê hương tình cảm. Mỗi khán giả đều đã có món nợ từ 20 đến 50 năm nghe nhạc Phạm Duy. Nhưng tuổi già sức yếu, đường xa tối tăm, xe cộ không có, cái khó bó cái khôn, cho nên có khi phải đành phải ngồi nhà mà nghe "trái sầu rụng rơi". Vào đầu tháng 2 ở Mỹ, trời tối đen, gió se lạnh. Kiếm được một trăm người leo đồi college không phải dễ. Nói gì đến chuyện đầy rạp hơn 900 chỗ Đây chẳng phải là giấc mộng bình thường. Thêm vào đó, bạn bè nói nhỏ với nhau, không thấy có các ca sĩ danh tiếng hiện diện. Ban tổ chức quản ngại đã đành, thân hữu từ VIP đến khán giả thông thường cũng đều có chút e ngại. Sợ rằng nhạc sĩ lão thành của chúng ta đứng trên sân khấu nhìn xuống thấy vắng vẻ chợ chiều chợt thấy lạnh lẽo cuộc đời. Trong cái tâm trạng đó, gia đình chúng tôi đến tham dự đêm văn nghệ. Thay vì đậu xe dưới chân đồi, chúng tôi đi vòng quanh mấy lượt để leo lên Parking số 6. Ở đây có cùng độ cao với rạp hát, và đi bộ một đoạn để đến từ phía sau. Thật đáng mừng khi nhìn thấy khán giả đã đứng đầy cửa rạp. Vé bán tại cửa đã hết. Một số khách đã dặn vé "will call" nhưng ban tổ chức vẫn không còn vé. Một vài người rất hậm hực vì đã đến từ Sacramento, tôi không biết rồi sau đó có vào coi được không. Cầm tập chương trình trình bày xuất sắc. Coi bộ có đường nét nghệ thuật kiểu Silicon Valley. Với những chỉ dấu tốt đẹp từ bước đầu, chúng tôi từ tốn ngồi thưởng ngoạn một chương trình văn nghệ rất dễ chịu đầy tình tự quê hương. Trước khi tả lại cho các bạn về đêm "Nhìn lại cuộc đời Phạm Duy" vào thứ Bảy 8 tháng 2-2003 tại Foothill College Theater, xin nói trước là chúng tôi không có khả năng chuyên môn về âm nhạc. Đây chỉ là một loại khán giả rất thường tình, phát biểu linh tinh theo cảm tính. Trước hết là không khí văn nghệ rất trật tự từ sân khấu xuống đến khán giả. Chương trình khá chặt chẽ hoặc là có lủng củng gì bên trong thì chúng tôi không thấy. Ban nhạc hòa tấu đông đảo và trình diễn nghiêm trang. Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng trẻ trung duyên dáng. Tất cả các ca sĩ đều trình diễn hết sức trật tự. Tôi được hân hạnh ngồi khá gần nên nhìn thấy rõ nét mặt cố gắng tập trung của từng người. Tất cả đều để hết năng lực vào bài ca và việc này gián tiếp bày tỏ sự kính trọng khán giả. Ca sĩ lần lượt trình bày nhạc Phạm Duy trải qua nhiều giai đoạn. Ban hòa tấu sử dụng phần phụ soạn hòa âm của các nhạc sĩ tài hoa như Lê Văn Khoa, Duy Cường đều được MC Nguyễn Xuân Hoàng và Kim Oanh giới thiệu đầy đủ. Khác với các chương trình đại nhạc hội hiện nay mà các MC thường đóng vai trò giúp vui cho sân khấu. Phần MC ở đây nhằm mục đích thông tin vừa đủ để chuẩn bị cho khán giả. Việc này thực ra không có trong các chương trình nhạc hòa tấu của Tây phương, nhưng trong khung cảnh của đêm nhạc Phạm Duy được coi như một nhu cầu cần thiết và đã được đáp ứng chừng mực. 25 ca khúc với 15 ca sĩ hiện diện được ban nhạc 30 người hòa tấu đã làm cho trên 900 khán giả hiện diện hài lòng và ở lại với cuộc vui cho đến giờ phút cuối cùng. Nhạc sĩ Phạm Duy với gương mặt sáng ngời đầy phấn khích đã lên mời các nghệ sĩ cùng ra hát Nhạc Tuổi Vàng tặng khán giả. Bản nhạc Tuổi Xanh bất hủ của ông hơn 50 năm trước được cải lời thành Tuổi Vàng mà ông nói là gieo mầm cho một thế hệ nối tiếp. Danh ca Lệ Thu với làn hơi còn phong phú đã hết sức một lần nữa để khóc mùa thu của Phạm Duy tại Los Altos. Người ta nói rằng khi sáng tác Mùa Thu Chết với cụm hoa thạch thảo, Phạm Duy chỉ khóc mùa Thu một lần. Nhưng sau đó Lệ Thu và Julie Quang thay nhau khóc mùa thu hằng đêm tại các phòng trà Sài Gòn suốt nhiều năm. Và lần này, thêm một lần mùa thu lại nức nở với Lệ Thu ở miền Bắc California. Phần Duy Quang trình bày xuất sắc bản nhạc của thân phụ phổ thơ Hữu Loan về cái chết của người em nhỏ hậu phương. Đây là bản nhạc nổi tiếng của Phạm Duy với bước quân hành vang động bỗng chợt dừng chân chuyển qua đoạn bi ai khóc thương người vợ bé bỏng chết ở làng quê.

Bác sĩ Bích Liên, một ca sĩ tài tử nhưng rất sống động với bản tình ca của một Thái Thanh ngày xưa. Qua phần hai, chị đã làm chúng tôi rất ngạc nhiên với bài ca khá lạ tai được MC giới thiệu là một đạo ca với tựa đề Qua Suối Mây Hồng. Nhạc và lời của bài này kể lại câu chuyện binh đao giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thần núi cầu hôn đến trước đưa công chúa lên núi. Thủy Tinh đến chậm đã làm cuồng phong, sấm chớp, mưa bão dâng nước lên và Sơn Tinh lại nâng núi cao hơn. Bài ca khó khăn và mạnh mẽ này đã được Bích Liên diễn tả rất sống động. Tôi ước mong có được một đoạn Video Tape của bài này để làm kỷ niệm. Và thêm một chút ghi chú nhỏ vào lúc mọi người hát nhạc Tuổi Vàng. Đây là một sáng tác với lời ca mới mẻ nên cả tác giả Phạm Duy cùng mọi người đều phải cầm giấy. Chị Kim Tước, riêng một mình, dường như đã thuộc hết nên hát ngon lành. Con chim Tước ngày xưa vẫn còn giọng ca Vàng mạnh mẽ. Tôi cũng thích nam ca sĩ Phạm Hà, một giọng ca mới tinh. Dứt khoát không làm điệu bộ gì hết. Micro cắm trên giá, mắt nhìn thẳng, mặt rất căng, hai tay nắm cứng, rồi Lên xe tiễn em đi, đâu ra đấy. Được lắm. Dù là tiễn em hơn vất vả. Đối với khán giả ở tuổi 70, mỗi bài ca của Phạm Duy là một kỷ niệm. Năm xưa nằm ở tiền đồn nghe thơ Cung Trầm Tưởng quyện với nhạc Phạm Duy. Những anh sĩ quan còn trẻ hết sức mộng mơ và ghen tức. Thời đó đang đóng đồn ở U Minh mà mơ được sang Tây du học. Cặp được em đầm tóc vàng sợi nhỏ thì một trăm ngày xa cách mà có xá gì. Hơn 2 năm mới có ngày phép về Sài Gòn mua bàn chải đánh răng, mong gì có ngày tiễn em về xứ mẹ. Đó chính là cái tâm sự của khán giả cao niên đến với Phạm Duy. Và giữa hai phần trình diễn là chương trình chiếu một phim ngắn về cuộc đời Phạm Duy cũng được coi là một tác phẩm công phu.

Chúng tôi cũng được biết là hầu hết các nghệ sĩ trình diễn từ nhạc công đến ca sĩ đều từ miền Nam lên trình diễn. Rồi thật lạ ở chỗ có cả một số khán giả cũng từ quận Cam theo lên coi hát. Xin cảm ơn quý vị đã đến và đem đến San Jose một đêm vui, thanh lịch, đẹp đẽ.

.

Các ca sĩ đều lịch sự, xin nói lại, rất kỷ luật, hát hết sức mình, tôn trọng khán giả. Chúng tôi xin cảm ơn. Có điều, tôi xin lỗi, hình như khán giả Bắc Cali đáp ứng kém nồng nhiệt so với miền Nam. Vỗ tay hơi nhẹ. Dù chúng tôi có lịch sự rất im lặng trong buổi trình diễn. Đã ở lại với một sân khấu về khuya, nhưng chưa có màn tự động đứng lên vỗ tay khá một chút khi nhà viết nhạc cho ba thế hệ của chúng ta lên sân khấu nói lời cảm tạ.

MC cũng lại quá lịch sự, không mời bà con đứng lên cho màn từ biệt thêm đằm thắm như ở miền Nam. Rất tiếc. Cần sửa chữa lại kỳ sau chăng? Hay là ta hẹn đến sang năm, Nhìn lại cuộc đời thêm lần nữa