Một Đời Với Âm Nhạc

Từ Paris trở về Hoa Kỳ, lại có thêm một đêm gọi là Một Đời Với Âm Nhạc do Thúy Nga - Paris By Night tổ chức cũng tại Rạp La Mirada, với chương trình nhạc giao hưởng gồm các ca sĩ hữu danh và các ca sĩ -- "nòi" -- rất trẻ của hãng sản xuất video này.

Tuần san VIET TIDE, cơ quan ngôn luận của Đài Little Saigon cũng có hai bài viết về tôi của Bùi Bảo Trúc, phát thanh vài ngày đêm CONCERT.

Đêm Thu
Nghe Nhạc Phạm Duy

Bùi Bảo Trúc

Trong bốn mùa, Thu là mùa thơ mộng nhất, được nghệ sĩ yêu thích nhất. Vì vậy, các sáng tác lấy cảm hứng từ mùa Thu thường chiếm đa số so với ba mùa còn lại. Trong lãnh vực tân nhạc, nhắc đến Thu, mình có thể nghĩ ngay đến Thu của Nguyễn Văn Khánh, mang quá nặng âm hưởng của Stormy Weather nếu không nhờ hình ảnh lướt thướt bao áng mây Thu vàng kéo ta trở về Đông phương. Một bài khác về Thu được nhiều người ưa thích chính là Buồn Tàn Thu của Văn Cao. Bài hát có nhiều hình tượng thật đẹp nhưng... hỏng về nhạc.

Lúc đó, có lẽ Văn Cao còn non tay và viết theo cảm hứng liên miên bất tuyệt, rồi chợt thôi. Bài hát này hỏng vì chủ điểm khởi lên bất ngờ nhưng miên man không dứt mà lại có thể kết thúc bất cứ nơi nào. Mình cứ nghe thử lại mà coi, bài hát có thể dứt bất ngờ mà chẳng mất gì: mỗi đoạn lại là một bức tranh đẹp, kết hợp làm một mà thiếu giai điệu chủ đạo, thiếu cái nét chính trong toàn tác phẩm, thiếu cái khí Thu. Đây là ca khúc tả tình hơn tả cảnh, và không có cái hơi Thu đằng đẵng của Trường ca Sông Lô :
Sông Lô!
Sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu...

Chúng ta không biết phần đóng góp của Phạm Duy trong Suối Mơ của Văn Cao gồm những gì, nhưng, về nhạc thuật, ca khúc này rõ ràng là có carrure hơn, khai mở và kết thúc đâu ra đấy...
Suối ơi, bên rừng Thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...

Một ca khúc nữa về Thu, cũng được rất nhiều người ưa chuộng, có gặp nhược điểm của Buồn Tàn Thu, đó là Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ. Bài hát này mà được cắt vài đoạn -- là điều Vũ Thành đã làm năm xưa, trong hòa âm của ông -- thì thật tuyệt !

Nhưng vì sao, hình như nói về Thu, ta cứ hay nhớ đến các ca khúc "tiền chiến" như vậy? Phải chăng sau đó mùa Thu đã tàn tạ, hoặc đã "Nam tiến" và hòa vào hai mùa nắng mưa trong Nam? Thu Vàng của Cung Tiến là ca khúc ông không thích lắm, dù nhiều người cho là hay nhất, vì gợi lại hơi Thu của Hà Nội. Nhớ Hà Nội là chúng ta lại rộn ràng hát Thu Vàng với niềm luyến tiếc, nỗi bâng khuâng nhè nhẹ.

Nhắc đến Buồn Tàn Thu của Văn Cao chúng ta nhớ lại hình ảnh nàng chinh phụ ngồi đan áo, nhìn mùa Thu của đất trời và tuổi thanh xuân của mình lui dần vào Thu. Có tiếng động ngoài cửa là nàng lại ngoái nhìn, rồi lại tuyệt vọng. Vẫn chưa phải là chàng. Nên đành nghe mùa Thu rớt, rơi trên lá vàng... Gần như cùng một thời kỳ đó, với cùng chủ đề, một ca khúc khác đã xuất hiện mà thời nay ít người còn nhớ. Chính là Chinh Phụ Ca, của Phạm Duy.
Từ chàng ra đi
Lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ

Bài này ít được chúng ta nhớ có thể vì ngôn ngữ cổ phong, ý tứ diễm lệ với hình ảnh được cách điệu hóa về chinh nhân, nhưng là một bài cực hay về cả từ lẫn nhạc. Ca khúc không nói gì về Thu, mà nghe vẫn ra mùa Thu, kể cả câu cuối:
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Đem theo biết bao nhiêu ngày vàng.

Ngày vàng đó có thể là những đêm ngà ngọc sau bao tháng ngày xa vắng, nhưng mình nghe vẫn thấy phảng phất hương Thu tỏa nắng vàng trên giây phút đoàn tụ. Một ca khúc nữa, có thể được Phạm Duy sáng tác trong cùng thời kỳ, ngày nay cũng bị lãng quên. Đó là Thu Chiến Trường.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, biến cố 19 tháng Tám được gọi là "Cách mạng mùa Thu" và mùa Thu vì vậy được đem vào rất nhiều hành khúc, thí dụ điển hình là Nhạc Tuổi Xanh (Một mùa Thu năm qua cách mạng tiến ra... ) Nhưng, khác hẳn những bản hùng ca lấy mùa Thu làm cái cớ, chính trị hóa mùa Thu, bài Thu Chiến Trường của Phạm Duy vẫn hùng mà lại có không khí bi thảm lạ thường, như báo trước những hoạn nạn chính trị sẽ xảy ra cho người nhạc sĩ vào thời kỳ tham gia kháng Pháp. Đây là một ca khúc "phản chiến" trước khi từ này được phát minh vì thường nhắc tới cái chết cùng với ước vọng hòa bình. Thực ra, mùa Thu chẳng là mùa của sự tàn tạ để chuẩn bị cho mùa Xuân đó sao?
Thu ơi Thu, ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái hòa cho muôn chúng ta.

Ngày nay, hình như chỉ còn Kim Tước nhớ và hát lại ca khúc này, một trong những bài hát về Thu độc đáo, vừa ngợi ca kháng chiến vừa ước mơ thanh bình, với nhịp trầm hùng, mà vẫn có nét bi thảm, giai điệu rất cổ mà có những chuyển khúc thật mới.

Bồi hồi nhớ lại thì hình như mình phát giác ra một điều... Hãy nghe lại Chinh Phụ Ca Thu Chiến Trường của Phạm Duy rồi Buồn Tàn Thu Thu Cô Liêu của Văn Cao, chúng ta thấy cuộc đời của hai người bạn nhạc quả là tương phản. Phạm Duy đam mê hơn nhưng nhân bản hơn, và nhất là lạc quan hơn. Cho nên, ngay giữa sự chết chóc trong biên khu, ông đã muốn hát câu thái hòa cho mọi người, ông đã nghĩ đến ngày chinh phu trở về trên ngựa hồng cùng nàng chinh phụ. Đêm Thu ở nơi đây mà nghe lại những ca khúc đó, mình hiểu vì sao chỗ của ông không thể là ở trong núi rừng Việt Bắc để rồi "kháng chiến thành công" sẽ trở về Hà Nội như một chính ủy hay Tổng thư ký hội Nhạc sĩ của cộng sản được! Như trong bài Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu và Tử Phác, khi người ta >i>nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh, thì Phạm Duy lại... mơ làm diều mang sáo thanh bình... Cái tội "không oán thù" đó to lắm.

Nhưng, đang nhớ về Thu mà nói chuyện đó, đâm mất thú!

*

Một ca khúc nữa của Phạm Duy, Đường Chiều Lá Rụng, được ông viết sau này, cũng gợi nhớ đến Thu:
Chiều rơi trên đường vắng
Có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng,
Theo làn gió đìu hiu,,,

Không phải vạt nắng hay làn gió đìu hiu, mà cũng chẳng vì :
Lá vàng bay, lá vàng bay
Như dĩ vãng gầy,
Tóc buông dài,
Bước ra khỏi tình phai

… mà cũng chẳng vì những chiếc lá vàng rơi, lá vàng rơi...

Bài hát gợi lên cảm xúc về mùa Thu của đời người, khi chuyện tử sinh đã lởn vởn trước mắt với sự dịu dàng, bình thản. Đây là một ca khúc trác tuyệt nhất của Phạm Duy mà mình chỉ nên nghe vào một đêm Thu thật sâu. Lời ca sang trọng, cao quý, đầy nét siêu thực về nhân sinh thì chỉ nên nghe và nên ngẫm vào mùa Thu. Mình cứ tưởng tượng là Phạm Duy viết bài này khi ông đã trọng tuổi. Thực ra không, ông viết bài này khi ở tuổi trung niên, với thân thể và trái tim của một tráng niên. Giữa Sàigon ngột ngạt không khí chiến tranh mà nghe Đường Chiều Lá Rụng thì chẳng thấy là mình văn minh lắm sao ! Hãy nghe Hà Nội thời bình hát ngày nay thì thấy. Ngoài Dương Thụ, Phú Quang hay Trịnh Công Sơn, mình hiếm thấy gì lọt tai... Có lẽ phải một thế hệ nữa.

Phạm Duy nổi tiếng nhất ở công trình cải biên dân ca, điều này, chúng ta quên rồi. Phạm Duy cũng nổi tiếng ở nhạc tình, điều này, có lẽ ai cũng nhớ vì ai chả có lúc mượn lời ca của ông để tỏ tình của mình ! Nhưng, đêm nay, có hai bản tình ca vào Thu của ông đáng được nhắc tới, hơn cả bài Nước Mắt Mùa Thu. Vì cả hai đều lấy cảm xúc từ thơ Pháp. Nước Mắt Mùa Thu là khúc bi ca bốn mùa, buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên. Nghe lại bài này, ta nhớ nhất giọng ca buồn bã vào trong đời úa, nhớ thương một tiếng hát, một đời ca sĩ hát trong buồn tênh hơn là nhớ về mùa Thu. Hai bài kia mới có hơi Thu rất lạ.
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo...
Em nhớ cho,
Mùa Thu đã chết rồi....
Em nhớ cho, em nhớ cho...
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này
Trên cõi đời này...

Đó là một, Mùa Thu Chết, lấy cảm hứng từ bài thơ vỏn vẹn năm câu L'Adieu của Guillaume Apollinaire. Bài kia là Thu Ca Điệu Ru Đơn, ông cảm dịch từ thơ Verlaine nhưng thổi vào đó một khí Thu tệ tái rã rượi hơn.
Mùa Thu nức nở tiếng thở dài...
Tiếng vĩ cầm,
Buồn ơi mùa Thu ơi !
Lòng ta khốn khổ với mỏi mòn
Tiếng Thu buồn,
Buồn ru điệu ru đơn...

Chẳng cần biết hai bài thơ đã gợi hứng cho ông mình đã thấy hay. Biết hai bài thơ đó rồi, lại càng thấy thần tình hơn. Cái langueur monotone qui coule dans mon coeur của Verlaine nó tan biến đâu mất, mà mình cũng chẳng cần biết hoa "thạch thảo" là bruyère hay là gì khác, vì nó đã thành một chùm hoa mùa Thu của Việt Nam. Hai bài thơ chỉ gợi lên nỗi rung động của Phạm Duy về mùa Thu, và nỗi rung động đó hoàn toàn thoát khỏi thơ Tây để tạo ra một cảnh sắc khác, hoàn toàn khác.

Đêm Thu nghe tiếng vĩ cầm và tiếng thở dài nức nở, không ai liên tưởng đến một cabaret hay phòng nhạc của Tây phương, hoặc những vẫn thơ lãng mạn của Paris thời xưa mà chỉ thấy quặn đau niềm đau trước mắt, ở nơi đây. Hai ca khúc trở thành hoàn toàn Việt Nam và khí Thu cũng hoàn toàn Việt Nam, nghẹn ngào mà đầy não tính của một thành phố khắc khoải trong chiến tranh.

Từ Thu Chiến Trường viết thời kháng chiến âm u cho đến Thu Ca Điệu Ru Đơn viết tại Saigòn u ám, mùa Thu đã biến dạng, trở nên gần gũi hơn. Như từ một bức tranh cổ, nàng Thu đã bước xuống, vít lấy đầu chúng ta, để giọt lệ lã chã rơi, nóng hổi, trong tiếng vĩ cầm ai oán nức nở.

Sau này, Phạm Duy còn sáng tác một ca khúc không còn Thu, dù tên là Nghìn Thu. Nghìn Thu đó là thiên thu, là đời người vĩnh cửu, là khi ta đi về coi chung. Kẻ viết bài này trộm nghĩ rằng đó là bài "đạo ca thứ mười một", trong nhịp ba bốn rộn ràng về đời người, không phải về mùa Thu của thi nhân.

Một ca sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ là Bing Crosby, có nói như sau về một bậc sư của nhạc Jazz, Louis Armstrong: "Louis Armstrong là khởi đầu -- và cũng là kết cục -- của âm nhạc tại Mỹ."

Nói như vậy về Phạm Duy, dĩ nhiên, nhiều người sẽ ngạc nhiên, có khi nổi giận. Nhưng, xin nghe lại mà xem. Trong tháng tới đây, khi khí Thu đã già, hình như mình sắp có một buổi trình diễn nhạc Phạm Duy tại miền Nam California. Mãi rồi cũng phải có một lần, xin hãy đến nghe và tự hỏi lòng mình, rất thành thật: sau ông, còn mấy ai?..

Thu ơi, buồn vô hạn.


Không Có Phạm Duy

Bùi Bảo Trúc

Năm nay, nước Pháp tổ chức kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Victor Hugo. Ông là một nhà thơ lớn, một nhà văn, một người viết kịch và tranh đấu cho dân chủ của Pháp dưới thời Đệ nhị Đế chế chống lại Hoàng đế Napoléon đệ Tam. Khi Victor Hugo mất, nền Cộng Hòa Pháp đã tổ chức quốc táng có cả triệu người tham dự, và ông hiện an nghỉ tại điện Panthéon cùng các danh nhân vĩ đại của Pháp. Victor Hugo sinh năm 1802 và mất năm 1885, thọ 83 tuổi, để lại một dấu ấn văn học kéo dài suốt thế kỷ 19. Ông là văn hào của Pháp được cả thế giới ngưỡng mộ. Ngày nay, nhớ về ông, đại đa số dân Pháp đều nhắc đến sự nghiệp văn học đồ sộ, và có nói về cuộc đời tình cảm vô cùng sóng gió của ông thì cũng với sự trìu mến. Cuộc đời đó và những cuộc tình đó, ta có thể nghĩ như vậy, gắn liền làm một, và không có cái này tất khó có điều kia.

Thời gian thường để lại hào quang lộng lẫy trên vầng trán thiên tài và quên đi những chứng tật của con tim. Thời gian đó chưa có với Phạm Duy.

Nền Cộng Hòa thì không còn và đất nước còn tang thương giành giật miếng sống sau quá nhiều năm lầm than đói khổ. Ít ai nghĩ đến Phạm Duy như dân Pháp đã nghĩ về Victor Hugo khi sinh tiền và sau khi tạ thế.

*

Phạm Duy sinh năm 1921, năm nay cũng thọ gần bằng Victor Hugo, quá bát tuần. Và trung tuần tháng 11 này, ông vẫn lên đường qua Âu châu. Như thường lệ, đôi chân ông không biết ngơi nghỉ, như con tim của ông vẫn dội lên nhịp đập khác với chúng ta. Xin có lời cám ơn con tim đó. Một nhà phê bình âm nhạc người Gia Nã Đại đã có nhận xét, đại để là "không thể tưởng tượng được một Việt Nam không có Phạm Duy, và cũng chẳng thể tưởng tượng được một Phạm Duy không có Việt Nam". Dù không được ở Việt Nam, Phạm Duy vẫn có Việt Nam ở trong ông.

Chứ một Việt Nam không có Phạm Duy, thì ra sao nhỉ?... Xin đừng ai khó chịu nếu ta nhắc tới Victor Hugo để nói về Phạm Duy. Hãy nhìn sự việc với con mắt trăm năm, ngàn năm mà xem...

Sáu mươi lăm năm về trước, từ giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, cả một nước Việt Nam đang như ở trong một cơn sốt vỡ da mà chưa thoát ra được. Toàn bộ nền văn học nghệ thuật nước nhà bị đảo lộn đến tận cùng trong khi cả nước vẫn nằm dưới sự cai trị của chế độ thuộc địa Pháp. Vào đầu thế kỷ 20, chúng ta biết là mình không thể nói, viết, khóc than, ca hát như xưa được, như thời Nguyễn Sơ hay thời cực thịnh của văn học là thời Lê Mạt và Tây Sơn. Cú "sốc" của Tây phương và tình trạng Pháp thuộc đã làm thay đổi hết quan niệm sống, sáng tác và cả đấu tranh của dân tộc. Vài chục năm sau, khi những vận động của Cần Vương rồi Đông Du đều thất bại -- mà nào có phải vì thiếu ý chí đâu -- tiềm thức dân tộc bắt đầu cảm nhận được một cách chậm rãi và bàng bạc, rằng ta phải thay đổi cách suy tư, phải làm chủ được các phương tiện diễn đạt theo lối mới, để huy động lòng người, để toàn dân cùng nhìn về một hướng.

Hoàng Đạo viết ra trong điều tâm niệm thứ nhất của Mười Điều Tâm Niệm, là "theo mới, triệt để theo mới"... Từ thời điểm đó, ta không viết không vẽ như trước, không làm thơ như cũ, không duy trì tập quán cũ. Và không hát như xưa nữa. Nền tân nhạc Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh đó, vào khoảng 1935-1938. Ở mọi địa hạt, các bậc tiền bối lúc đó đã dọ dẫm đi tìm. Trong lãnh vực âm nhạc, có một thanh niên với đôi kính tròn đã mở to đôi mắt theo dõi, rồi tham dự. Đó là Phạm Duy, đầu tiên với vai trò của một gã rong ca, của một người trình diễn, sau đó là người sáng tác.

Khi ông bắt đầu sáng tác, mọi sự bắt đầu đổi khác.

*

Đừng hỏi rằng ông học nhạc ở đâu. Phạm Duy học nhạc từ tiền kiếp, và học nhạc ở ngoài đời nhiều hơn là học chữ. Khác với một vị tiền bối hơn ông gần chục tuổi là Dương Thiệu Tước, con nhà văn học từ nhiều đời, Phạm Duy là kẻ phá ngang để rong chơi với đời. Nhưng nhờ đó, ông tiếp cận với đời nhiều hơn, rộng hơn, trong khi Dương Thiệu Tước vẫn là người quá tài hoa cho quần chúng. Hai người đều là cự phách của nền tân nhạc phôi thai thời đó, Phạm Duy trở nên phổ thông hơn, trong khi hiểu được để hát được nhạc Dương Thiệu Tước chỉ là một thiểu số. Và nay đang là thiểu số tuyệt đối.

Trong cuộc hành trình vào tân nhạc, Phạm Duy đi cùng một người trẻ hơn mình mà vẫn luôn luôn trân quý, chính là Văn Cao. Thực ra, và ngược với luận cứ của nhiều người, và của chính Phạm Duy, Văn Cao không thể so sánh được. Ông có một lý do giảm khinh là sự thúc bách của chế độ Cộng Sản, nhưng, thời nào mà nghệ sĩ chẳng bị chính trị thúc bách? Ông có tài, nhưng không dài hơi và đa diện bằng Phạm Duy. Và về nhạc thuật, "thiên tài" Văn Cao giậm chân tại chỗ trước khi bị chỉ đạo văn nghệ đóng gông, chứ Phạm Duy vẫn đi tiếp, và đi mãi, ngay cả khi chỉ đi loanh quanh trong các chiến khu trên khắp ba miền. Sau này, mãi tới sau này, chỉ có Trịnh Công Sơn là người mà chúng ta có thể tạm so sánh với Phạm Duy. Nhưng đó là chuyện về sau...

*

Trở lại chuyện xưa, thời xưa, dân ta hát bằng tai và bằng mắt. Nghe mãi rồi thuộc, nhìn mãi thì quen với cách diễn tả. Thời xưa, chúng ta chưa có ký âm pháp với khuông nhạc và các nốt Đồ Rê Mi... Vì vậy, nếu không gặp nhau, nhìn nhau, nghe nhau và hát cùng nhau thì cũng vẫn chỉ là mỗi nơi diễn tả sự rung động của mình theo một cách. Người trong Nam hát khác với người miền Bắc, và cũng khác với điệu hò miền Trung. Chúng ta quay trở lại thực tế đó để hiểu ra là khi cả nước đang tìm cách diễn đạt tư tưởng hoặc tâm hồn của mình, có một gã "du ca", "rong ca", là những chữ về sau ta nghĩ ra, đã đi vào tận sâu thẳm của dân tộc - chữ "tình tự quê hương" hay "tình tự dân tộc" là chỉnh nhất, và vì chỉnh quá nên bị lạm dụng, nên xin không dám nhắc tới ở đây - để bắt lấy nhịp đập đó ở cả ba miền và viết lại thành những giai điệu mà miền nào hát cũng được. Phạm Duy đã cải biên dân ca và làm cho cô gái Hậu Giang có thể ngân lên làn điệu Bắc Ninh, thậm chí Kinh Bắc, dù chưa hề ra khỏi đồng bằng Cửu Long. Tất cả những bài dân ca thời kháng chiến của Phạm Duy, từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Trung và về Bắc, đều trở nên gần gũi với toàn quốc chính là nhờ Phạm Duy.

Và ông đi vào cuộc hành trình âm nhạc đó khi là một chú cán bộ đấu tranh trẻ măng trong mặt trận toàn quốc chống Pháp !

*

Ngay sau năm 1975, người ta thấy không thiếu các tổ "Thanh Niên Xung Phong" của Cộng sản hồn nhiên hát nhạc Phạm Duy mà tưởng mình đang thắng Mỹ một cách thần thánh. Cho tới khi "trên" ra lệnh cấm thì mới tiu nghỉu giật mình ! Vì nhạc Phạm Duy đã là phần hồn, và trác tuyệt nhất của thời kỳ "Ủy ban Hành kháng Nam bộ", từ những năm 1948 về trước ! Thế rồi, cứ đời này qua đời kia truyền nhau hát mà không hay ! Chúng ta cứ băn khoăn về bài quốc ca của mình lại do Lưu Hữu Phước góp phần sáng tác mà chẳng biết là bên kia, người ta hát nhạc Phạm Duy ông ổng trong khi lãnh đạo văn nghệ tố giác Phạm Duy không hết lời. Chỉ vì, lúc kháng chiến, ông có tham gia thật, và viết nhạc thật, với cả tấm lòng. Cùng với dân ca, Phạm Duy đã chuyển nhạc hành khúc của thanh niên, của thời phong trào Hướng đạo còn phôi thai thành kháng chiến ca, thành chiến trường ca. Và có hồn hơn, nên có tác động hơn những bài hùng sử ca của Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ.

Như trận đánh Sông Lô mà Việt Minh về sau đề cao như chiến công oai hùng thực ra chỉ là trò đùa cấp tiểu đội. Nhưng lời ca Phạm Duy đã biến thành một đại chiến công làm nức lòng chiến sĩ. Cũng từ đó mới có Trường Ca Sông Lô của Văn Cao hay Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận để thần thánh hóa trận phục kích cỏn con này ! Người nhạc sĩ chỉ có cây đàn thùng mà tạo thành chiến công cấp sư đoàn ! Cống hiến của Phạm Duy suốt năm năm rong ruổi với kháng chiến là điều làm đẹp cho kháng chiến. Không có Phạm Duy, chưa chắc là đời sau đã bồi hồi như vậy khi nói đến "kháng chiến". Ông viết rất nhiều, rất khỏe và rất hay trong thời đó, khi chưa đầy ba chục tuổi. Hãy nghe những người ba mươi tuổi thời nay viết gì và hát ra sao thì ta mới thấy Phạm Duy đi trước thời đại đến chừng nào.

Công của ông là ở đó, mà tội của ông cũng ở đó.

*

Chỉ vì ngay giữa kháng chiến, khi mọi người đều phải nghiến răng trợn mắt, đòi phanh thây uống máu quân thù, có chàng trai trẻ lại viết nhạc tình. Bên Cầu Biên giới, Cây Đàn Bỏ Quên, Tình Kỹ Nữ, và ngay trong Nương Chiều cũng có bóng dáng cô nàng về để suối tương tư... Suối nào tương tư đâu, Phạm Duy đấy ! Và khi viết đến Cành Hoa Trắng, người nhạc sĩ đã tỉnh ngộ, để rời bỏ kháng chiến đỏ lòm và mê chuyện khác. Mê tình yêu và viết tình ca.

Ông là một trong những nhạc sĩ viết tình ca và nhạc tình hay nhất của Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Ông "Nam tiến" rất sớm, từ năm 1951, và tự Nam hóa rất nhanh nhờ đã có vào Nam thời kháng chiến. Hai mươi mốt năm tự do ở miền Nam, dù có giới hạn và dù gặp chiến tranh, chưa chắc đã có phong thái văn nghệ như vậy nếu không có Phạm Duy. Hãy thương cho Văn Cao sau này chỉ vẽ chứ không còn được viết. Trong thời kỳ đó, Phạm Duy đã đưa nhạc tình đến đỉnh cao nhất và đó cũng là cống hiến đáng kể của ông, sau dân ca và chiến trường ca... Việt Nam không có Phạm Duy, lấy ai dìu nhau đi trong phố vắng để hát câu mùa Thu chết mà tôi còn yêu, tôi cứ yêu, trên cỏ hồng...?

Ở vào tuổi quá bát tuần của ông ngày nay, chúng ta kinh ngạc phát giác là trong bất kỳ lãnh vực nào, khi thấy xã hội cựa mình là lại thấy có nhạc Phạm Duy. Chúng ta có tục ca, đạo ca, có lời ca phản chiến, có tiếng hát âu ơ của con trẻ và nhất là có một thể tài khó thể nào cao điệu hơn: tình yêu và nỗi chết. Hơn hẳn Trịnh Công Sơn, Phạm Duy rong chơi bằng âm nhạc giữa hai cõi tử sinh như một triết gia với trái tim thật trẻ. Ông viết Tạ Ơn Đời lời tự thú, ông viết Đường Chiều Lá Rụng khi chưa đầy 50 tuổi như một nối tiếp tuyệt vời hơn của Lữ Hành thời xưa để nói về lẽ phù du của cuộc đời. Trong lúc đó, ông vẫn đi, đi rất nhiều, để cho chúng ta hai bản trường ca bất hủ, Mẹ Việt NamCon Đường Cái Quan. Phạm Duy viết rất nhiều về tình yêu, quê hương và xã hội, và các ca khúc của ông có làm thay đổi nếp suy tư, những giận hờn hay đam mê của người nghe. Việt Nam không có Phạm Duy, chưa chắc chúng ta đã mê đắm như vậy trong biển tình, hoặc tha thiết với quê hương đất nước như vậy.

Ông là người phù thủy khanh khách cười với những nổi trôi của chúng ta trong âm nhạc, nhưng đêm về, một mình một cõi, Phạm Duy khổ đau với từng nốt nhạc, từng khám phá mới như kẻ luyện đan. Để hôm sau lại bày ra phương thuốc mới. Ông là người nổi tiếng luông tuồng và còn khoái chọc thiên hạ với sự nổi tiếng nhưng tai tiếng đó, trong khi lại rất tận tụy ngăn nắp với cái nghiệp ngàn đời của mình, là âm nhạc. Giờ đây, ông còn tiếp tục đem cái tài lớn của mình làm đẹp cho một tác phẩm lớn của dân tộc là Truyện Kiều. Có cái gì ngăn cản được người nghệ sĩ quái đản này không ?

*

Dân ca, chiến trường ca, tình ca, đạo ca, trường ca về quê hương, bi ca về xã hội, thảm ca về thuyền nhân và chốn lưu vong... Phạm Duy là người hát lên cái thân phận Việt Nam, cái Vietnamitude một cách tuyệt vời nhất. Mai này, khi thảm kịch đã lắng, những xô bồ đã êm, chúng ta và con cháu sẽ còn phải nhắc tới Phạm Duy. Với lời biết ơn.

Việt Nam không có Phạm Duy ? Được lắm chứ, nhưng chúng ta sẽ diễn tả bao cảm xúc đa diện và phức tạp của mình trong một thế kỷ nhiễu nhương nhất, một cách rất ngọng nghịu, vụng về.


Rạp La Mirada

Trong vòng 5 tháng của năm 2002, tại rạp La Mirada có 2 đêm nhạc Phạm Duy, lần đầu với giàn nhạc giao hưởng của HỘI HIẾU NHẠC VIỆT MỸ do nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng điều khiển, lần sau với ban nhạc THE DREAMERS do Duy Cường làm leader. Lần thứ hai này do Thúy Nga Paris By Night tổ chức vào đêm cuối tháng 12-2002, với thành phần ca sĩ đại diện cho ba thế hệ : Lệ Thu, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Thái Thảo, Phi Khanh, Như Mai, Anh Dũng, Mộng Thủy, Quang Lê, Thế Sơn, Nguyên Khang, Nhật Trung, Ngọc Hạ, v.v...


Duy Cường


Duy Quang, Tuấn Ngọc


Duy Quang, Phi Khanh

Và đêm nhạc đã rất thành công vì những ca sĩ trẻ đang được nhiều người ái mộ như


Với Ngọc Hạ


Với Thanh Hà, Như Mai, Lệ Thu


Hậu trường : ngoài Duy Cường, Duy Minh là Thế Sơn, Đinh Ngọc, Ngọc Trọng


Duy Hùng, Thái Hiền, Phạm Duy, Nguyễn Ngọc Ngạn, Duy Cường, Duy Minh, Thái Thảo


Màn Finale
Thái Thảo, Tuấn Ngọc, Nguyễn Ngọc Ngạn, Phạm Duy, Thái Hiền, Mộng Thủy

Trước khi tan hát, tôi nhận nơi ông Vũ Quang Ninh Giám Đốc Đài Littlle Saigon, tấm huy hiệu ghi những dòng chữ :

Hôm sau, báo VIỄN ĐÔNG có bài viết về đêm nhạc này...

Nhạc Phạm Duy
Những Dòng Đời Chẩy Mãi Chưa Nguôi

Nguyễn Văn Lập -- báo Viễn Đông

Nếu một nhà thơ nào gom hết tựa đề cả ngàn bản nhạc của Nhạc sĩ Phạm Duy lại và xếp lại thành thơ chắc chúng ta sẻ có được rất nhiều câu thơ thú vị như trên, và cả ngàn khán giả đến Nhà hát La Mirada tại Thành phố cùng tên chiều nay, Chủ Nhật 01 tháng 12 năm 2002 đã tạm quên những tháng năm muộn phiền cũng như hạnh phúc đời mình để theo bước chân Phạm Duy đi hết hành trình đất nước trong suốt 60 năm giòng nhạc và 60 năm giòng đời của người Nhạc sĩ tài hoa, cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam nầy.

Gia đình Phạm Duy và thân hữu đã tổ chức Buổi Đại nhạc hội nầy, và Trung Tâm Thúy Nga Paris đã thực hiện một chương trình ca nhạc với các ca sĩ hàng đầu của mình cùng với các nghệ sĩ trong đại gia đình Phạm Duy và nghệ thân hửu đã đem đến cho khán giả một chương trình văn nghệ mà nhà báo nổi tiếng Đổ Ngọc Yến, Tổng Giám Đốc Nhật báo Người Việt đã nói là thật tuyệt. Còn Ông Vũ Quang Ninh, Tổng Giám Đốc Đài Little Saigon Radio thì khi lên tặng hoa và bằng tưởng lục cho Nhạc sĩ Phạm Duy để vinh danh người Nhạc sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam nầy đã nói hết lòng ngưỡng mộ tài năng của người Nhạc sĩ lảo thành mà không chịu ngừng nghỉ nầy.

Mà quả thực Nhạc sĩ Phạm Duy ở tuổi 82 nầy vẩn còn sung mản, mới đây Ông vừa hoàn tất Minh Họa Kiều phần hai cũng như phần cuối Hồi ký gồm 4 tập của mình. Chưa có một Nhạc sĩ nào của Việt Nam có sức làm việc và sáng tác, cũng như sống hết mình cho chính mình như Phạm Duy. Đã có không ít những người viết về nhạc Phạm Duy. Nói về âm nhạc thôi thì thế giới biết tiếng Ông là người đại diện cho nền âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy cũng là người đã biến đổi và tân trang làm cho âm nhạc nói chung và dân nhạc Việt Nam nói riêng có một sắc thái đặc biệt trong dòng nhạc thế giới, còn đối với Việt Nam thì cho đến nay chưa có Nhạc sĩ nào làm được một trường ca mà vừa nghe đã thấy giòng huyết quản của mình cuồn cuộn lòng yêu nước, khi thì như sóng dồn khi thì man mác một tình hoài hương khôn tả như Trường ca "Mẹ Việt Nam" và" Con Đường Cái Quan"của Phạm Duy. Nếu xếp ba bài "Hòn Vọng Phu I, II, III" của Nhạc Sĩ Lê Thương thành một Trường ca thì có thể so sánh với các Trường ca của Phạm Duy về loại nầy được. Nhưng Phạm Duy vẫn là Phạm Duy. Ông có chổ đứng riêng mình trong lịch sử âm nhạc Việt Nam qua 60 năm sáng tác và một phần nhỏ đã tạm gói gọn chiều nay. Dĩ nhiên chủ đề và nhửng bài hát đều do ông soạn thảo trong chương trình nầy. 60 năm dòng đời, 60 năm dòng nhạc Phạm Duy chính là dòng sinh mệnh bên cạnh những thay đổi của đất nước, vì hoàn cảnh sáng tác của ông được xếp đặt theo những buồn vui của thời cuộc, và nhạc Phạm Duy, do đó, được tuần tự sáng tác theo thời gian qua các thể nhạc: Kháng chiến ca, những tình khúc trong kháng chiến, trường ca, nhạc thời chia đôi đất nước, thanh bình ca, những tình khúc thời bình kể cả những bài phổ thơ của các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam, hoan ca dành cho tuổi trẻ, rong ca, tục ca ( mà báo chí đã bình luận sôi nổi một thời ở Việt Nam trước đây), và đạo ca hay nhạc tâm linh. Mặc dù đã sáng tác cả ngàn bản nhạc nhưng Ông ít phổ thơ, chỉ có khoảng hơn một chục bài mà thôi. Nhưng minh họa Kiều tức là nhạc phổ thơ lại là một công trình tim óc của Ông trong lúc xế chiều, có lẽ ông muốn để lại về sau một công trình văn học nghệ thuật gắn liền với một tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất của Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất, đó là Truyện Kiều của Đại văn hào Nguyễn Du.

Đứng trong một góc tối nhìn ra sân khấu nếu ai không để ý đến mái đầu bạc trắng chắc không nhận ra Phạm Duy đâu, không có vẻ gì lo lắng nhưng cũng không an nhiên tự tại, Phạm Duy tới lui từ trong bóng tối nhìn ra lớp khán giả yêu mến những dòng nhạc của mình từ mấy chục năm qua, có lẻ Ông muốn đo lường mức độ ái mộ từ những khuôn mặt thân thương kia hơn là những tiếng vổ tay mà từ lâu ông đã được đón nhận, cho đến khi tất cả khán giả đồng đứng dậy vổ tay hoan hô khi Ông chấm dứt chương trình với lời nói thành thực từ trái tim sự rằng thành công nầy có được chính là nhờ quý vị, tức nhờ các nghệ sĩ thượng thặng đã chuyên chở những dòng nhạc Phạm Duy và sự hiện diện của khán giả ngoài sự mong đợi của chính Ông.

Chương trình Nhạc Phạm Duy thực hiện chiều nay gồm 31 bài hát dưới sự điều khiển chương trình của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn qua các tiêu đề "Kháng chiến ca" với phần mở đầu bài hợp ca "Đường Về Quê", rồi "Nhớ Người Ra Đi" với Quang Lê, kế đến bài "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà" với Thế Sơn. Tiếp đến hai tình khúc nổi tiếng trong kháng chiến là bài 'Bên Cầu Biên Giới" qua giọng ca Phi Khanh và bản "Cây Đàn Bỏ Quên" với Nhật Trung. Những bài hát của Phạm Duy cùng với Nhạc phổ thơ trong thời kỳ chia đôi đất nước như bài "Tâm Sự Gửi Về Đâu" qua tiếng hát Nguyên Khang, "Đây Thôn Vỹ Dạ" phổ thơ Hàn Mặc Tử qua giọng hát Ngọc Hạ, bản "Ngậm Ngùi" phổ thơ Huy Cận với Đệ nhất nử danh ca Lệ Thu, bài "Tình Cầm" với hai giọng ca Duy Quang và Tuấn Ngọc, "Nụ Tầm Xuân" qua giọng hát Như Mai. "Tiếng SáoThiên Thai" phổ thơ của Văn Cao với giọng ca Thái Hiền và Thái Thảo, và "Tôi Ước Mơ" với Thái Hiền. Phần nhạc phỏng dịch với bài "Mùa Thu Paris" qua giọng hát Duy Quang, và bài "Mùa Thu Chết" với tiếng hát Như Mai. Nhạc hoan ca với hai bản "Tuổi Ngọc" và "Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ" với giọng hát Thủy Tiên. Sau khi nghỉ giải lao, phần hai của chương trình gồm những tình khúc thời loạn gồm các bài "Còn Chút gì Để Nhớ" qua giọng ca Anh Dũng, bản " Con Đường Tình Ta Đi" với tiếng hát Duy Quang và Phi Khanh, bài "Nghìn Trùng Xa Cách với Thanh Hà, bản "Giết Người Trong Mộng" với giọng ca Lê Uyên, "Tình Hờ" qua ca nhạc sĩ Ngọc Trọng, "Bao Giờ Biết Tương Tư" với Thúy Anh, Đinh Ngọc với bài " Nghìn Năm Vẫn Không Quên", "Có Bao Giờ Em Hỏi" qua tiếng ca Trần Thái Hòa, Thái Thảo với bài "Đố Ai", và "Cỏ Hồng" do Thái Thảo và Tuấn Ngọc song ca. Kế đến là nhửng bản nhạc tâm linh với Đệ nhất Nam danh ca Tuấn Ngọc qua bài "Quán Thế Âm", bài "Trăm Năm Bến Củ" phổ thơ Lưu Trọng Văn (con trai của Nhà thơ Lưu Trọng Lư) với Quốc Vũ đệm dương cầm và Mộng Thủy đơn ca, bài "Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng" phổ thơ Phạm Thiên Thư qua giọng hát Ngọc Hạ.

Trong tiếng nhạc như mưa rơi róc rách của Ban nhạc Dreamer gồm các nhạc sĩ Duy Cường, Duy Minh, Duy Hùng, Lê Ngọc, Xuân Khôi, và Andy, tất cả khán giả đều đứng dậy vổ tay khi Nhạc sỉ Phạm Duy cánh gà tiến ra sân khấu chào và cãm tạ khán giả trong lúc các nghệ sỉ cùng bước ra kết thúc chương trình qua màn đồng ca hai bản nhạc "Giọt Mưa Trên Lá" và "Mẹ Việt Nam Ơi". Nhạc sĩ Phạm Duy rất cãm động khi nhận những bó hoa tươi từ tay cô Tô Ngọc Thủy, Giám Đốc Trung Tâm Thúy Nga Paris và bà Vũ Quang Ninh, còn Ông Vũ Quang Ninh thì trao tặng bằng tuyên dương về nhửng công lao đóng góp không mỏi mệt của Nhạc sĩ Phạm Duy đối với nền âm nhạc nghệ thuật Việt Nam . Nhưng phần thưởng quý giá nhất dành cho Nhạc Sĩ Phạm Duy chính là sự trân trọng thưởng thức nhạc Phạm Duy của hằng ngàn khán giả đang vổ tay hoan hô dưới kia.

Nguyệt San NGHỆ THUẬT có bài viết như sau của Nguyễn Đình Toàn :

Báo Nghệ Thuật

Bài viết của Nguyễn Đình Toàn
nhân dịp có ngày "PD, Một Đời Với Âm Nhạc".


>>>Một Đời Nhìn Lại