Pham Duy 2010
Nguyễn Đức Quang - Viet Weekly phỏng vấn
Nguyễn Đức Quang - Viet Weekly phỏng vấnLTS: Tiếp tục phản hồi những ý kiến của giới nhạc sĩ, độc giả, khán giả ở trong và ngoài nước về bài viết “Không thể tung hô” của tác giả Nguyễn Lưu (trong nước), phê bình chuyện Phạm Duy về nước được tung hô, đón tiếp rất rình rang, cụ thể qua những đêm nhạc “Ngày trở về” rất thành công. Bài báo đã mở ra một diễn đàn tranh luận thật sôi nổi, giữa trong và ngoài nước. Dưới đây là ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, một người hiểu khá rõ về âm nhạc và con người Phạm Duy.


NGUYỄN QUANG MINH ghi
 
VW: Sự kiện Nhạc sĩ Nguyễn Lưu đưa lên một bài báo phê bình, với những lời lẽ khá là nặng nề đã tạo ra dư luận trong cũng như ngoài nước. Trong góc nhìn của anh, sự trở về của Phạm Duy gặp phản ứng này, anh thấy sao?
NĐQ: Trước khi anh Duy trở về, tôi đã dự đoán những vấn đề như vậy trước hay sau cũng sẽ xảy ra. Điều chúng ta có thể hiểu được. Tuy nhiên, một nghệ sĩ lớn bước chân trở về một vùng đất nước mà từ xưa tới giờ không chấp nhận, anh Phạm Duy, dù có thu mình lại, trong những điều anh đã nói và anh đã trình bày, cũng làm sao mà tránh được. Trong một nơi mà thành phần khác nhau, giới nghệ sĩ khác chính kiến, làm sao người ta dung chứa được một ông Phạm Duy có nhiều thứ đồ sộ như vậy. Thành ra, tôi chờ mong anh Duy làm một cuộc hội nhập vào xã hội Việt Nam như thế nào và phản ứng xã hội chống đối sẽ đến từ những nơi nào. Điều đó bây giờ đã bộc lộ ra, tất nhiên là sẽ có một số người bất bình trước chuyện anh trở về được thành công, được người này người kia nhắc nhở. Điều nguy hiểm là, một lúc nào đó sự nhắc nhở nhiều hơn, to hơn những người khác, có người khó chịu. Nhưng không phải tất cả đều khó chịu.

VW: Không phủ nhận được sự đóng góp lớn lao của Phạm Duy đối với nền âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, về tính chất “công thần”, đối với những nhạc sĩ trong nước họ đã có một quá trình, hy sinh cống hiến nhiều cho công cuộc chiếm miền Nam Việt Nam v.v. Với sự xung khắc như vậy, qua phản ứng của ông Nguyễn Lưu chắc cũng không phải là một thiểu số, phản ứng này, theo anh thấy là cần thiết hay không, trong lúc này?
NĐQ: Tôi cho rằng, đó là chuyện đương nhiên, không phải vấn đề cần thiết hay không cần thiết. Bởi vì, một người trở về nước gây ồn ào, tạo những ảnh hưởng hoặc là người ta nhìn thấy mình có được những ảnh hưởng, nguy cơ lấn lướt,… phải có một số người lo lắng. Như tôi đã nói, không phải tất cả những người trong nước họ đều nghĩ như thế, bằng chứng là sự lên tiếng của một số người. Không thể nào trong một chốc lát mà chúng ta có thể tẩy rửa được những quan niệm hay những ý nghĩ của một số người về những phản ứng của họ. Nó chật hẹp, nó đã bị ở trong cái ống lâu rồi, thành ra dễ có những vấn đề xảy ra. Không phải là cần thiết hay không cần thiết, mà tôi nghĩ rằng, khi đã xảy ra, chúng ta nên có một tiếng nói để cho sự việc càng ngày càng rõ hơn. Nếu họ nói không đúng, họ có thể hiểu được điều không đúng của họ.

VW: Bỏ qua những sai sót trong bài viết của ông Nguyễn Lưu. Như chúng ta vẫn thấy rằng, nền báo chí ở Việt Nam là một nền báo chí tập quyền có chỉ đạo. Không phải đơn giản mà ông Nguyễn Lưu muốn viết gì thì viết, hay để lọt ra một bài viết, gây ra phản ứng mạnh trong giới văn nghệ, và cả nước nói chung. Có dư luận cho rằng, đây là một sự “đạp thắng” của chính quyền Việt Nam, anh nghĩ sao?
NĐQ: Chúng ta đã quen với lối nhìn rằng, người trong nước phát biểu một điều gì sai lệch, đó là sự xúi giục hoặc là chủ định của phía nhà cầm quyền. Điều này cũng đúng nhưng cũng có thể không đúng. Nhiều khi đây là một vấn đề tư ý riêng của ông Nguyễn Lưu. Như tôi nói, tư ý đó cũng được sự đồng ý của một số người, có thể là cơ quan thông tin đó, tờ báo đó thấy ý kiến của ông ta phù hợp với những suy nghĩ của họ, họ cho đăng. Hoặc cũng có thể họ nghĩ rằng, cứ cho đăng, bởi vì đây là chuyện sẽ còn tranh cãi hoặc sẽ phải trao đổi qua lại. Nói tóm lại, chuyện này cho chúng ta thấy rằng, có thể có nhiều đường để xuất phát. Vấn đề như vậy, có hai dấu hiệu. Một là, nhà nước Việt Nam muốn chặn lại, bởi vì họ thấy mối nguy của công việc phục hồi những ca khúc của anh Duy có thể gây ảnh hưởng chăng? Hoặc là có thể làm cho những người khác khó chịu chăng? Cánh tay cánh chân gì của đảng bực mình chăng? Cứ nói đi, để cho anh Duy biết hoặc là những người khác liệu đường (cười) mà làm cách khác v.v... Theo tôi nghĩ, làm cách đó không có gì là hay cả. Nếu đây là phản ứng của một số nghệ sĩ trong nước lâu nay không có va chạm những vấn đề như vậy, lần này họ cảm thấy rằng chuyện xảy đến phải nghĩ trước, bởi vì có thể sau ông Duy là ông nào khác nữa chẳng hạn, có thể chúng ta sẽ thấy (cười) họ muốn lên tiếng nhắn gửi những người khác chăng. Như vậy, dễ chịu hơn. Bởi vì, hiểu như vậy, chúng ta cần nói với họ rằng, cái nhìn như vậy không có đúng đâu. Vốn liếng tài năng, trí tuệ của người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước đều phải được tôn vinh và bảo trì.

VW: Ở hải ngoại, chúng ta đã đóng băng, đã khép lại vấn đề Phạm Duy trong việc trở về. Có vẻ như là báo chí hải ngoại tránh nhắc tới Phạm Duy hoặc là có nói chăng cũng chỉ nói bằng một thái độ cay cú gần như chúng ta mất Phạm Duy. Chúng ta ít nghe thấy hoặc là trao đổi một cách thẳng thắn trên các diễn đàn báo chí hải ngoại, tại sao như vậy?
NĐQ: Trên diễn đàn báo chí và truyền thông hải ngoại phải công nhận rằng, chúng ta đã có những phản ứng không thuận tiện cho ông Phạm Duy. Phản ứng đó, phải công nhận một điều là, khi anh ấy trở về, anh ấy đã có những cử chỉ và lời nói làm cho một số người ở hải ngoại xúc động, kích động nếu không chính đáng, cũng không thể trách được. Cần phải bình tĩnh hơn và để không bao giờ chúng ta đánh mất kho tàng đó. Ông Phạm Duy đối với chúng ta, là một kho tàng. Con người ông có thể là đẹp trai, xấu trai; hay là ông ăn nói tốt hay là xấu; nhưng tác phẩm và kho tàng đó không có vấn đề tốt xấu. Khi chúng ta còn giữ, còn sử dụng, còn đem ra trưng bày, chúng ta phải biết quý kho tàng đó chứ! Thành ra con người, giá trị cứ để đó. Còn nhiều chuyện đằng sau chuyến trở về của ông, đâu phải ông về nước là xong chuyện. Luồng thông tin ở ngoài, trong thời gian qua, không dành cho Phạm Duy sự rộng rãi hoặc là bình tĩnh. Cũng không chê trách những cơ quan truyền thông đã làm sai, chúng ta sẽ học bài học như nhau thôi. Chỉ có điều là, càng nhìn về trường hợp của Phạm Duy, chúng ta càng cảm thấy phải kiên tâm hơn và giữ kho tàng đó ở lại với chúng ta. Ông đã trải cả đời sống của ông đối với mình, không có lý do gì mình đạp đổ hoặc là tống tất cả về phía trong nước cũng như về phía chính quyền họ muốn lợi dụng nhiều hơn là muốn hành xử một công việc văn hóa.

VW: Trong thời điểm này, chúng ta tưởng niệm Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta xem Trịnh Công Sơn như là một kho tàng lớn của Việt Nam và rất nhiều người thần tượng Trịnh Công Sơn sau khi ông qua đời. Riêng đối với Phạm Duy, gia tài âm nhạc của ông đồ sộ hơn và trải dài nhiều giai đoạn, tại sao số phận âm nhạc Phạm Duy và con người Phạm Duy cho tới giờ phút nầy vẫn còn chông chênh như vậy?
NĐQ: Tôi không nghĩ rằng vấn đề tác phẩm hoặc là kho tàng giá trị âm nhạc của Phạm Duy bị bỏ đi. Trong hầu hết những cuộc tiếp xúc, nói chuyện của tôi trong những chuyến đi suốt thời gian vừa qua, sau khi nhạc sĩ Phạm Duy đã về nước, mọi người đều trân quí nhận xét rằng sự nghiệp, cuộc đời của anh là vĩ đại. Sở dĩ họ không lên tiếng bảo vệ hoặc là tha thiết với việc làm mới nhất của anh bởi vì anh đã có một số những phản ứng làm cho người ta bị bực mình. Cũng như anh Trịnh Công Sơn, một tài năng âm nhạc, anh cũng đã cống hiến cho chúng ta cả một kho tàng, một bề dày thật là hiếm hoi, có lẽ chỉ sau ông Phạm Duy. Về phẩm lượng và số lượng chưa chắc là nghiêng ngửa. Thành ra đối với tất cả chúng ta, hưởng văn nghệ của Trịnh Công Sơn khá nhiều, chúng ta cũng yêu quí anh, phát huy, gìn giữ và bảo vệ kho tàng có trong tay không thể đem vứt đi một cách đơn giản. Tôi nghĩ rằng, chúng ta yêu quí tất cả những người đã đóng góp cho nền văn học và nghệ thuật, tất cả những người đó đều được trân quý, nhất là kho tàng giá trị mà họ để lại.

VW: Là người đi sát Phạm Duy từ khởi đầu âm nhạc của mình, cho tới giờ phút này anh vẫn giữ được sự khách quan nhất khi đánh giá con người âm nhạc của Phạm Duy. Có một nhận xét cho rằng có lẽ chúng ta lầm, chúng ta không hiểu Phạm Duy, ông chỉ làm bằng được những điều ông muốn. Còn dư luận, những đánh giá, không phải điều ông quan tâm. Phạm Duy chỉ quan tâm những điều của ông hơn, anh nghĩ sao về nhận xét đó?
NĐQ: Điều đó quá đúng. Không có gì sai cả. Bởi vì ông Phạm Duy cũng chỉ là một con người. Khi xét đến phần đó, ông cũng có nhiều tệ như những người bình thường khác thôi. Nhiều lúc ông bị lẩn quẩn giữa một chuyện nhỏ, con người nhỏ nhoi của ông và những vấn đề lớn của văn nghệ hoặc nghệ thuật. Chúng ta phải hiểu rằng là hai điều đó không bao giờ đi đôi với nhau. Có những nhà thơ nổi tiếng trên thế giới là những người trông rất tàn tệ, gần như mang một thứ bệnh tâm thần, nhưng họ tuyệt vời trong thi ca. Trong nhiều ngành nghệ thuật khác cũng vậy. Thành ra khi chúng ta yêu quí quá đáng về những vấn đề của ông Phạm Duy, nhất là một người hay được nhắc đến trong những vấn đề thời cuộc, chuyện đời, nhân nghĩa, sôi nổi của đất nước… ông là người tham gia trong tất cả những đề tài lớn như vậy, chúng ta nghĩ rằng con người này phải lớn đến cỡ như vậy. Chúng ta quên rằng, ông cũng chỉ sống 24 tiếng một ngày, ông cũng phải làm tất cả những công việc của một con người rất là bình thường, tầm thường. Thành ra nếu có những quái dị trong cá nhân ông Phạm Duy, chúng ta cứ để mặc cho chuyện diễn ra bởi vì ông ở một tuổi đáng cho chúng ta kính trọng. Mong rằng, là trong những ngày cuối, ông được tự do thao diễn con người của ông và trình bày được con người của ông.

VW: Cách đây chừng vài năm trước khi Nhạc sĩ Phạm Duy quyết định đi về Việt Nam sống, ông đã bày tỏ sự lo lắng, phải gọi là bi quan, khi nghĩ rằng suốt 30 năm, một quãng thời gian khá dài, âm nhạc của ông đã bị tắt nghẽn lại, không được phổ biến ở Việt Nam. Cả một thế hệ 30 năm không được nghe, không được hát, không được hiểu về một cây đại thụ Việt Nam. Cho tới giờ phút này, ánh sáng đã được mở ra cuối đường hầm, ở tuổi 84 của Phạm Duy như vậy, anh có nghĩ rằng đây là một kết thúc tốt đẹp cho Phạm Duy và âm nhạc của ông nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung không?
NĐQ: Vấn đề đó, là điều cốt lõi trong nội tâm của ông Phạm Duy trong những ngày cuối đời. Không có ai trong chúng ta hiểu được rằng một người nghệ sĩ lớn đến như vậy, không bao giờ ước muốn rằng, sự nghiệp bị chết đi hoặc là bị bỏ rơi. Đối với Phạm Duy, ông cho rằng, mấy chục năm qua, cá nhân ông là người bị thiệt thòi nhất là bởi vì những tác phẩm đó không sống lại trong 80 triệu dân trong nước, không được cùng với tất cả người dân đó trôi nổi hoặc là không được một tình cảm mà ông đem tới, mối lo đó rất là chính đáng. Như mỗi chúng ta đây, có một gia tài như vậy, tất cả chúng ta đều nghĩ rằng, phải trao lại gia tài cho ai và ở chỗ nào, tự nhiên người ta sẽ thấy rằng là 80 triệu dân trong nước là nơi mà mình muốn trao lại. Một đất nước mà sinh hoạt văn hóa với nghệ thuật chết đứng trong mấy chục năm trời, đã khô héo. Những  người khác không đặt vấn đề bởi vì họ không ở mức cần phải kêu gọi khẩn thiết nhưng đối với Phạm Duy, ông ở trong trường hợp như vậy, đó là chưa kể ông ở trong một trường hợp mà ông đã nhìn thấy một số người khác đã có được cơ hội, tuy là không hoàn hảo, như trường hợp Trịnh Công Sơn, bên kia họ chỉ hé mở mức nào thôi mà anh cũng luồn qua và đi ra được, đưa ra tiếng nói cuối cùng. Tôi cho rằng, điều đó kích động một cụ già hiếu thắng như là ông Phạm Duy. Thành ra, anh Phạm Duy có nhiều điều rất là trái ngược nhau, phản ảnh nhau. Chúng ta phải hiểu sự tha thiết của con người anh, ở trong phần tinh thần, gọi là mặt xấu của nó, anh có nhiều tính, thói, nết ở gần mới thấy được, không ở gần không thể chịu được. Thành ra, anh Duy thiết tha với điều đó, tôi cho đó là việc đúng. Tôi thích thú chuyện anh trở về, bởi vì đó là một điều lớn lao, thử thách. Một người hiệp sĩ, chịu khó đem hết tất cả cuộc đời của mình, còn dám vứt hết tất cả để mà vào cuộc chơi. Anh sẽ làm như thế nào, anh được những gì và anh sẽ chịu đựng những gì. Trường hợp phản ứng của ông Nguyễn Lưu mới là một thôi. Chúng ta sẽ còn nghe nhiều nữa, để biết rằng, cuộc hy sinh trở về của anh Phạm Duy, mình tìm ra được ý nghĩa và niềm yêu mến đối với ông già 84 tuổi này.
 
 
 
 


Các bài khác: