Pham Duy 2010
Nguyễn Ngọc Sơn - Người nước ngoài nghe nhạc Phạm Duy
Nguyễn Ngọc Sơn - Người nước ngoài nghe nhạc Phạm DuyTại Moscow nơi tôi đang là một nghiên cứu sinh về luật hoc, tôi được may mắn quen và chơi thân với Stive Nopve, một sinh viên gốc Ukraina, con trai một giáo sư âm nhạc tại nhac viện danh tiếng Schaiskopky. Trong nhiều lần đến chơi và sống với gia đình của cậu bạn, tôi cũng được nói chuyện nhiều với giáo sư. Vì hợp nhau và vì muốn giới thiệu những giá trị văn hóa của người việt qua nhiều giai đọan, tôi giới thiệu với ông nhiều CD nhạc giá trị mà tôi có của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy.


Có lẽ bài hòa tấu đầu tiên mà ông nghe của nhạc Phạm Duy là bài Chiều Về Trên Sông do nhạc sĩ Duy Cường hòa âm. Ông chăm chú và đòi nghe lại nhiều lần… Ông ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên và thích thú như đang ngồi nghe gió trên sông Vonga, trầm ngâm như đang lặng lẽ đứng ngắm những con sóng trên dòng sông một mùa thu lãng mạn…
 
Ông nói với tôi : “Lạ quá, trong dòng nhạc này có âm hưởng của nhạc cổ điển Châu Âu, nhưng lại mang phong cách phương Đông rõ nét. Từng giai điệu và những điểm nhấn trong âm vực, âm hưởng đầy hoành tráng của nhạc cổ điển, vững chắc như những rừng cây nhưng thiết tha như những cơn gíó, điều này chỉ có trong nhạc cổ điển Châu Âu. Bên cạnh đó, cách luyến âm, chuyển đọan lại rõ nét âm nhạc của phương Đông …“ Ông nghe ở đó có hơi thở của người Á Đông với những điệu cười và những cơn bão nhiệt đới…
 
Thật thú vị, tôi vui lắm vì lúc này tôi mới hiểu rằng trong âm nhạc không hề có sự cách biệt về ngôn ngữ và dân tộc, một nhạc sĩ người Việt đã rong ca hơn nửa thế kỷ trước, một ông giáo già người Nga Sô Viết chính hiệu, thế mà chỉ với một nhạc phẩm, họ dường như đã nghe được tiếng nói của nhau, hiểu được những cảm nhận của nhau. Ông giáo già đánh giá rất cao sự sáng tạo của nhạc sĩ PD. Sự kết hợp Đông và Tây trong giai điệu và trong nhạc lý đã tạo cho nhạc phẩm một sức sống vượt không gian, tạo nên sự sáng tạo trong phong cách của nhạc Phạm Duy. Ông giáo già vui lắm, vì Ông tìm được sự đồng điệu của người phương Tây và người phương Đông trong Chiều Về Trên Sông.

Ông nói : “Con sông dù ở đâu cũng là dòng nước… cũng cuốn trôi những gì ngăn cản nó, cũng réo rắt tiếng gió và cũng tạo nên những khỏang trống trong không gian. Nhạc Phạm Duy đã vẽ lên được điều đó, đã làm cho người hưởng thụ dù ở phương đông hay phương tây đều cảm nhận được cái cảm giác đó của chính Pham Duy bằng giai điệu trong lòng mình”.
 
Tôi chợt bừng tỉnh, bài hát này được sáng tác mấy chục năm về trước mà bây giờ tôi nghe vẫn hay. Có một buổi chiều đứng bên Cửu Long Giang, tôi cũng nghe trong gió tiếng nhạc hòanh tráng của thiên nhiên, trong tiếng của dòng chẩy có âm vang vài trăm năm của cha ông mà nhạc phẩm đã truyền tải… Không nói đến ca từ, chỉ nói đến cảm giác mà Chiều Về Trên Sông đem lại cho người nghe cũng đã thấy được giá trị hiện đại của nó.
 
Người bố giáo sư của bạn tôi đã dạy cho tôi biết rằng : một nhạc phẩm mà không mang hơi thở của hiện đại thì không thể dùng giàn nhạc Tây Phương để hòa nhạc được. Ông cho rằng Chiều Về Trên Sông sẽ là một nhạc phẩm tiêu biểu qua mọi thời đại của Nhạc Việt Nam. Và để hòa âm nó, người ta phải kết hợp cả nhạc khí phương Tây và phương Đông mới nói hết được ý nghĩa và nội dung của nó. Sự cao vút trong âm hưởng và sự réo rắt trong giai điệu đòi hỏi điều đó. Nó xuất phát từ tự nhiên và tính nhân bản của con người nên nó luôn hiện đại cho dù thời gian nó ra đời đã qua.
 
Minh Họa Truyện Kiều
 
Tôi chỉ có hai CD Kiều mà nhạc sỹ Phạm Duy đã xuất bản. Có lẽ bất kỳ ai học và tìm hiểu văn hóa Việt Nam cũng biết đến Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Vì vậy sức ép đối với người muốn phổ nhạc tác phẩm này rất lớn, tương ứng với tầm vóc vĩ đại của tác phẩm và tác giả.
 
Điều đầu tiên mà nhà giáo người Nga cảm nhạn và nhận xét về Truyện Kiều là : Minh Họa Truyện Kiều đã đạt đến đỉnh cao của âm nhạc hiện đại phát triển trên nền tảng văn hóa dân tộc. Điều đó được thấy rõ trong nhạc cụ và hòa âm của nhạc sĩ Duy Cường. Khả năng phối khí, phối âm đạt đến tuyệt đỉnh bởi nó không chỉ đơn thuần là sử dụng những nhạc khí phương Tây hiện đại mà đã có sự phối hợp với nhiều lọai nhạc cụ dân gian của phương Đông nhưng không phải là sự lắp ghép vô thức, không phải là sự lắp ghép thô sơ thô thiển. Trong tác phẩm Nhạc Kiều, giai điệu của các nhạc cụ Đông-Tây hòa với nhau một cách thần kỳ đến mức ký bí mà người ta có cảm giác đây là giai điệu của lòng người và của tạo hóa. Chính điều đó làm cho tác phẩm dài nhưng không chán.
 
Ông còn đánh giá rằng, trong Minh Họa Kiều, dường như âm nhạc của Phạm Duy cứ phát triển theo mạch của tác phẩm mà không dừng lại. Tôi có hỏi ông là điều đó nghĩa là gì ? Thể hiện ở đâu ? Có tác dụng gì ? Cho thấy điều gì ? Ông nói : “Trước hết một tác phẩm âm nhạc với thời lượng lớn dễ rơi vào tình trang dài dòng, trùng lắp cả về giai điệu ca từ và ngữ cảnh.
 
Về ca từ, vì ông không biết tiếng Việt nên miễn bàn, về giai điệu Minh Họa Truyện Kiều, ông nói : “Không có sự trùng lắp mà diễn biến theo mạch logic của ca kịch. Nghe hòa âm trong CD, ông thấy mạch giai điệu có sự cộng hưởng của những bản giao hưởng với tiết tấu logic và đơn giản. Nó giống với giao hưởng phương Tây là nó có mạch giai điệu, nó có phút thăng, phút trầm, có điểm nhấn và điểm dài của giai điệu… Nó có phút nhanh nhẹn, nó có kịch tính, dẫn đến cao điểm hoặc có những câu trải dài thư giãn. Nhưng nó lại khác với giao hưởng là nó có những tiết tấu dân dã phương Đông vì vậy nó không rơi vào tình trạng khó hiểu. Nói cách khác, nó mang tính hàn lâm nhưng lại bình dị lạ lùng, các đọan với giai điệu không trùng lắp. Nếu không trùng lắp có thể sẽ rời rạc, thế mà Phạm Duy làm Truyện Kiều không hề rời rạc…
 
Lúc này tôi mới hiểu rằng hình như PD đã thấu đến tận cùng tâm hồn của Kiều và của Tố Như, bởi lẽ trong vài ngàn câu Kiều không hề có câu nào trùng nhau mặc dù có thể có nhiều đọan cùng miêu tả một tâm trạng của Kiều. Tài hoa gặp tài hoa nên đã ra đời cùng một tác phẩm với sự thăng hoa khác nhau.
 
Sự phát triển của âm nhạc Truyện Kiều được người bạn già Nga Sô của tôi nói đến qua diễn tiến của hòa âm và phối khí, tôi có kể cho ông nghe về nội dung câu truyện, ông ồ lên và nói :
“…Đúng như tôi cảm nhận vì giai điệu của Nhạc Kiều dường như có phút hạnh phúc, e lệ. Có một sự mãnh liệt của tình yêu và thậm chí còn nghe trong nó những âm thanh ma quái của số phận…”
 
Càng nghe hai CD Kiều, ông càng thích thú vì sự phát triển đó. Tôi thì chỉ có sự hứng khởi, chứ làm sao mà có thể cảm nhận tinh tế như ông đuợc !
 
Nói tiếp về giá trị của những điều đó, ông khẳng định rằng về mặt tác dụng với người nghe, sự tiến triển trong giai điệu làm cho người thụ hưởng không nhàm chán và thậm chí còn thăng hoa trong các nốt nhạc và lời ca. Sự thăng hoa ấy cứ dần tiến theo diễn biến của âm nhạc. Đồng thời nó làm cho người nghe có những câu hỏi vô hình trong vô thức để tâm can cứ đòi mãi, đòi mãi được thưởng thức giai điệu ấy. Về mặt học thuật, ông cho rằng sự diễn tiến trong âm nhạc làm cho ngôn ngữ của âm nhạc (âm thanh) phát triển không ngừng. Sự phát triển ấy thông qua sự kết hợp Đông-Tây, sự vận hành các âm hưởng và tạo cho âm nhạc một sức sống vĩnh cửu.
 
Sự phát triển trong Minh Họa Kiều chứng minh sự tinh tế trong cảm nhận và tài hoa của chính Phạm Duy. Truyện Kiều mãi mãi là tác phẩm kinh điển trong văn học và với Phạm Duy, Minh Họa Kiều lại là một tác phẩm của thời đại. Ông đã phủ lên nó cái mới của thời hiện đại với những giai điệu mang tinh hoa của cả nhân lọai trên nền tảng sự thẩm âm của dân tộc Việt Nam. Ông nhờ tôi chuyển lời cảm ơn đến tác giả vì đã cho Ông cái nhìn mới về sự phát triển và về tâm hồn Việt qua âm nhạc.


Khúc Chiêu Quân

Trong Minh Họa Kiều, tôi thật sự hứng thú và tâm đắc với đọan Hán Sở Chiến Trường. Thế mà khi nghe CD Kiều II, người giáo sư già lại kêu lên vì giai điệu và tiếng hát ai óan trong Chiêu Quân Cống Hồ. Ông nói : ”… ở đó khả năng phối khí và sử dụng nhạc cụ đạt đến mức cực chuẩn. Ông nghe thấy tiếng gió của sa mạc, tiếng lạc đà lóc cóc trên cát và tiếng gió vi vu, hòa lẫn tiếng nghẹn ngào ai óan của người con gái bạc mệnh. Nhạc khí hiện đại cứ ngân nga và nhạc khí phương Đông cứ réo rắt não nuột trong đó âm hưởng lại có chút gì của nhạc khí của các dân tộc di cư tại vùng sa mạc châu Á. Sự nhắc lại của giai điệu trong đọan này nghe như những nỗi đau và những nhát cắt trong giai điệu, làm cho đọan trích thêm phần xót xa… Cứ thử nghe vài đọan trong Hồ Thiên Nga của Schaikoky, sẽ thấy tác dụng của những giai đọan lặp lại nỗi đau của nhân vật.
 
Vậy là tôi chứng kiến và nghe thật nhiều, còn nhiều điều tôi không nhớ hết, vì có những từ ngữ tôi chưa hiểu hết. Hãy cho tôi thời gian để tìm hiểu những đánh giá của các dân tộc khác về nhạc Phạm Duy.


 
Nguyễn Ngọc Sơn
Saigon (August 2003)
 


Các bài khác: