Pham Duy 2010
Phạm Duy: “Sống là biết quên và tha thứ”
Phạm Duy: “Sống là biết quên và tha thứ”Sau 2 năm trở về VN với tâm trạng mừng rỡ mà vẫn có lúc “chưa thể nào tin được”, đến nay, nhạc sĩ Phạm Duy chắc như đinh đóng cột: “Tôi về ở hẳn VN”. Với người khác thì không có gì để nói, nhưng với một con người phức tạp như ông thì điều giản dị ấy đã đi qua cả một đời người.


Vì sao? Ông già 87 tuổi cười sảng khoái: “Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời”…
 
Thứ thuốc tinh thần khiến ông vui nhất -ông khoe- đó chính là tấm chứng minh thư.
 
“Tấm chứng minh thư nói lên một điều gì đó, chứng minh tôi không phải là con người như người ta nói, đại loại tôi phản bội, tôi theo Mỹ… Tôi là một trong những người được trở về quốc tịch VN rất dễ dàng. Đời tôi như một cái kính soi ai cũng nhìn thấy rõ: Tôi là người của dân tộc VN. Lâu nay tôi từng đi khắp thế giới. Nhưng Hà Nội hay Los Angeles, đó chỉ là chốn nương thân. Luật tự nhiên, lá nào cũng rụng về cội, con chim bay đâu thì bay, cuối cùng cũng về xứ. Mọi điều đều giản dị.”
 
-Làm chứng minh thư ông phải mất bao lâu?
 
-1 năm rưỡi. Với tôi thế là nhanh lắm rồi.
 
-2 năm đủ để ông nhìn thấy nhiều điều. Ông thấy gì ở mình và ở VN?
 
-Tôi là người sòng phẳng. Về đây là để xóa hết mọi thành kiến, không có gì giữa tôi và chính quyền đương thời. Trong lúc tao loạn, tình thế khác, nhưng giờ thì cả hai bên đều vui vẻ; tôi vẫn là tôi, chính quyền vẫn là chính quyền. Tôi thấy chính quyền hết sức rộng rãi, không còn khe khắt như những năm 50-60. Nước mình khá hơn trước nhiều, về mọi phương diện, chỉ có âm nhạc là có phần kém đi. Khán giả không phải khó tính, nhưng đã qua rồi lối làm nghệ thuật chân thật. Nhạc không có gì là sáng tạo cả. Chúng tôi khi bắt đầu làm nền tân nhạc, sáng tạo ra những bài hát VN. Riêng tôi không sáng tạo những nét nhạc giống Tây phương. Mình có ngôn ngữ của mình sao không dùng? Đến bây giờ, tôi đã gần 90 tuổi rồi mà vẫn chưa khai thác hết kho tàng ngôn ngữ âm nhạc ấy.
 
-Có bao giờ ông cảm thấy mình cay đắng?
 
-Người VN mình mà đến tuổi 70 thì thường thấy buồn rầu, cay đắng. Nói chung là họ thường hay yếm thế. Nhưng nếu là bạn bè, tôi sẽ chỉ cho họ ngay, là họ phải tập thiền đi để quên hết mọi chuyện. Tôi thiền không giống như người ta. Cứ nằm lăn ra đất, thế đã là thiền. Thiền của tôi là giác ngộ, là nhìn thấy cuộc đời. Thiền là thở. Khi tôi thấy nặng lòng, thở xong là hết cả. Hai là phải biết tha thứ. Có những người tha thứ nhưng không quên được. Có những người quên được nhưng lại không tha thứ.  Mình phải sống thật đại lượng. Con người sinh ra đã là vô lượng. Bây giờ tôi sống rất đại lượng. Ngay cả con cái, bạn bè, có chuyện làm mình buồn hay cả khi bị người khác chơi xấu, tôi cũng đều bỏ qua. Con người sinh ra hết sức bi quan, còn tôi thì luôn lạc quan. Mình phải có nhân sinh quan, làm người VN mà không đại lượng thì khổ. Phải biết quên, biết cảm ơn, đạo nào cũng dạy người ta thế. Có một thời, người VN không nghĩ tới đạo, còn bây giờ đã nghĩ trở lại. Không có đạo thì mình như người tiền sử. Khi hiểu ra, con người phải có đời sống tâm linh. Sống dạng vật chất đã mệt lắm rồi, người Âu châu phục người Á Đông chỉ vì họ có đời sống tâm linh để quân bình lại. Những người bỏ nước ra đi trở nên cay nghiệt là chuyện thường. Họ chỉ là thiểu số 3 triệu người, trong số 80 triệu dân VN. Tôi ở Mỹ 30 năm, tôi hiểu họ là những người thế nào.  
 
Khi tôi về VN, tôi lần lượt gặp những người bạn cũ. Người đầu tiên tôi tìm gặp là ông Tố Hữu, sau đó là Hoàng Cầm, Hữu Loan…, đủ cả. Gặp lại nhau, không nói gì nhiều. Về đây, tôi gặp những người mà suy nghĩ của họ đã ra thoát hay không thoát ra khỏi thời 45. Tôi thì đã sống tới những năm 2000, nên khó đối thoại với những người mà đầu óc còn đông đặc.
 
-Về ở hẳn, ông có định mua nhà?
 
-Nhà thì công ty Phương Nam cho tôi và các con ở, không phải lo nữa. Còn tôi thì làm cố vấn cho Duy Quang mở phòng trà Văn Nghệ, sau đó chuyển sang phòng trà Tình ca. Mừng là già rồi mà vẫn còn có ích cho con và chúng rất nghe lời cha, dù có đứa đã 60 tuổi. Tôi bảo Duy Quang mời những ca sĩ đang nổi như Đàm Vĩnh Hưng hay Quang Dũng, cho dù có phải trả 30 triệu/đêm thì phần lời thu lại cũng cao. Tuấn Ngọc có về đây thì cũng phải trả 3.000USD/đêm như diễn ở Mỹ, vì có anh ta mới thu về 5.000USD. Nhân tài giờ hiếm lắm. Trong nước, ngoài nước cũng chỉ có Elvis Phương, Lệ Thu, Thái Thanh, Ý Lan…
 
-Như vậy, đại gia đình Phạm Duy đã trở về đông đủ ở VN?
 
-Đúng thế. Duy Quang, Duy Minh, Duy Cường, Duy Đức thì đang ở với tôi. Đức thì vẫn qua Mỹ ở 6 tháng, làm nghề  chụp ảnh phổi. Duy Quang từ khi lấy vợ, có người lo tính chuyện tiền nong, quản lý. Con gái thì không nói làm gì, đã lấy chồng thì thôi. Suốt đời tôi dành cho con cái, đứa nào không phải lo là coi như nó thương mình. Tôi nghĩ nghề này hết sức bạc bẽo, mình đẩy con cái theo nghề, nên phải bày vẽ những kinh nghiệm sống cho chúng. Nhiều nghệ sĩ bị thất bại, dù họ có tài hơn tôi. Người nào cũng chỉ có một thời; còn tôi, tôi có đến 5-7 thời (khổ quá). Ai không hiểu thì bảo tôi là kẻ theo thời. Thỉnh thoảng tôi cũng làm một vài điều sơ hở, nhưng tôi nghĩ mình đã làm vài điều đúng trong đời mình.
 
-Ông bảo mình có nhiều thời, vậy thời bây giờ ông còn sáng tác hay không?
 
-Có chứ. Tôi đang viết truyện Kiều phần 4, đoạn Thúy Kiều gặp Từ Hải. 10 năm nay viết được 3 phần. Cũng có thể đó là bản nhạc dang dở. Không đặt tên là loại gì, không hẳn là nhạc kịch. Viết như mình thích, thế thôi.
 
-Nếu “cho đi lại từ đầu”, ông có viết đạo ca, tục ca, tình ca, hư ca, rong ca, thiền ca nữa không?
 
-Trong sáng tác, tôi có 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu sáng tác nhạc tình cảm dào dạt, 2 con người, nam và nữ nghĩ về nhau. Giai đoạn 2 là nhạc xã hội, nhạc kháng chiến, phản chiến. Giai đoạn 3 là nhạc tâm linh. Tôi đang ở cái đuôi của tâm linh. Bây giờ mà viết “anh yêu em” là nói láo. Mà phải là thiền ca, rong ca, đạo ca…
      
-Vậy dự định lấy vợ của ông sao rồi?
 
-Lúc đầu, tôi cũng muốn bên mình có một người đàn bà. Cũng nhiều quen biết, có dăm ba người xứng đáng… nhưng cuối cùng tôi lại thôi. Chuyện của mình, tôi không muốn nói ra công khai, không nên chiều lòng sự tò mò của quần chúng quá. Còn nếu nói về con người, thì tôi là người phóng dật. Khó tìm ra nghĩa của từ này, nhưng đúng là trong tình yêu, tôi không bao giờ có định kiến. Chính vì thế mà năm tôi 50 tuổi, vẫn có cô gái 18 tuổi yêu say mê. Trong tác phẩm của tôi, khi nào cũng có tình yêu, khi tinh thần, lúc xác thịt; khi nào cũng có một hình bóng nào đó. Nhưng vẫn có một hình bóng lớn nhất bao trùm lên những bài hát đó, mà tôi xin không nói ra. Cuộc đời này đẹp lắm. Tôi thấy mình là người hạnh phúc. Người ta sống lâu hơn 1 tháng đã là mừng. Còn tôi, không chỉ sống đời 90 tuổi, hay 100 tuổi, mà có thể, 300 năm nữa người ta vẫn còn hát nhạc của tôi. Bởi thế mà tôi phải trở về VN, vì nếu không về, sang năm người ta quên hết. Mình không có mặt thì người ta quên. Người Pháp có câu nói: L’absent a toujours tort - Kẻ vắng mặt luôn là kẻ lầm lẫn. Tôi là kẻ luôn luôn hiện sinh, theo nghĩa lúc nào tôi cũng sống.
 
-Xin cảm ơn nhạc sĩ.
 
 
Nhật Lệ
 


Các bài khác: