Quỳnh Lệ - Thêm một bước mới trong hoạt động âm nhạc |
![]() Việc nhạc sĩ Phạm Duy hồi hương vào giữa năm 2005 đã gây nhiều sôi nổi trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại cũng như ở trong nước. Riêng ông, sau 30 năm viễn du làm người viễn xứ, ở độ tuổi ngoài 80 ông hài lòng với việc “làm lại cuộc đời” - cùng với 4, 5 con trai trở về Việt Nam, di chuyển hầu hết tài liệu, máy móc, đồ đạc từ Hoa Kỳ về nước (70 thùng đồ)... Ông đã kể: “Cuộc đời mới này xem ra rất là vất vả vì chuyện xây cất nhà cửa, phòng ốc, tìm ra công ăn, việc làm cho mọi người…, nhưng rất vui vì mọi sự đã được giải quyết một cách khá nhanh chóng nhờ ở sự giúp đỡ của nhiều người”.
Nhưng sự việc được xem là có ý nghĩa nhất đối với ông và gia đình trong thời gian vừa qua chính là việc hoạt động âm nhạc ở quê nhà. Ông nói: “Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi được tiếp tục hát cho đồng bào nghe. Chỉ cần thế thôi!”
Vâng. Được hoạt động âm nhạc, được gửi lời ca tiếng hát đến với công chúng là niềm vui lớn lao của ông và gia đình. Cột mốc đầu tiên là đêm nhạc “Phạm Duy – ngày trở về” - ra mắt Album vol1 của nhạc sĩ Phạm Duy (05.01.2006 tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon). Chương trình do chính nhạc sĩ Phạm Duy làm "MC" và môt số các bài hát đều do nhạc sĩ Duy Cường hòa âm, phối khí. Ngoài các ca sĩ trình diễn trong đêm này: Mỹ Hạnh, Hồng Hạnh, Thu Minh, Đoan Trang, Đức Tuấn, 5 Dòng Kẻ,... còn có sự hiện diện của Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng và Duy Cường, 4 người con trai của nhạc sĩ Phạm Duy trong ban nhạc Dreamer ngày xưa đã cùng đứng bên ông trong “Ngày trở về”. Đi “cặp” với CD, còn có tập Hồi ức “Nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy. Sau đêm ra mắt album và tập Hồi ức “Nhớ” là những live shows tại Saigon, Huế, Đà Nẵng. Ở đâu ông cũng được đón nhận nồng nhiệt, có khi còn có những giọt nước mắt xúc động vì sự hoài cảm được mang đến bởi những tác phẩm xưa xa của ông.
Album vol2 là “Đưa em tìm động hoa vàng”. Và album vol3 “Tình Hoài Hương” được ra mắt công chúng yêu nhạc trong đêm nhạc hoành tráng thứ hai của nhạc sĩ Phạm Duy tại khán phòng Sofitel Plaza...
Những ấn phẩm này được phát hành bởi Công ty văn hóa Phương Nam - đơn vị được nhạc sĩ Phạm Duy ủy thác độc quyền về quyền tác giả và hợp pháp phát hành tác phẩm của NS Phạm Duy trong 20 năm (kể từ năm 2005). Nhạc sĩ Phạm Duy còn làm một cuộc hành trình xuyên Việt để thực hiện một cuốn phim về cuộc đời gắn liền với những nhạc phẩm của ông – Phim do công ty Phương Nam thực hiện, đang ở giai đoạn hậu kỳ.
Trưa thứ hai, 16.4.2007, chúng tôi có dịp gặp lại nhạc sĩ Phạm Duy cùng với ca sĩ Duy Quang và nhạc sĩ Duy Cường ở phòng trà Tình Ca (số 1A đường Phổ Quang, phường 2 Tân Bình). Phòng trà 200 chỗ ngồi này sẽ khai trương vào ngày 20.4 sắp tới, việc lắp đặt và trang trí đang tiến hành những khâu cuối, hệ thống âm thanh ánh sáng và dàn nhạc mới tinh – vừa được ca sĩ Duy Quang cất công sang Mỹ mua sắm. Có thể nói, phòng trà Tình Ca là một “điểm hẹn” mới trên con đường hoạt động âm nhạc của gia đình Phạm Duy sau 2 năm hồi hương.
Nhạc sĩ Phạm Duy có gầy đi một chút so với trước đây, nhưng ánh mắt vẫn tinh anh, nụ cười vẫn hào sãng và phong cách ung dung tự tại. Tôi hỏi:
- Thưa nhạc sĩ, cảm nhận của ông như thế nào khi gầy dựng phòng trà Tình Ca?
- Tôi rất vui khi cuối đời có được một nơi để các con hành nghề. Tôi thật hạnh phúc khi sẽ được cùng với khán giả lắng nghe các con của mình hát nhạc của mình.
- Vai trò của nhạc sĩ Phạm Duy ở phòng trà này sẽ được thể hiện như thế nào?
- Tôi có kinh nghiệm gì về nghề ca hát sẽ bảo ban cho các con. Tôi xa đất nước lâu năm, có khi có những kinh nghiệm hợp với nước khác, nhưng cũng có thể áp dụng ở đây. Ví dụ như: những phụ tùng – âm thanh, ánh sáng, vũ đạo - có thể phụ họa thêm...
- Ông thích một phong cách hát trên sân khấu như thế nào?
- Tôi rất sướng khi con tôi đứng trên sân khấu hát với một phong cách bình dị, không có những điệu bộ lố lăng. Trình diễn với giọng hát chân thật, diễn tả tình cảm bài hát qua giọng hát chân phương chứ không qua kỹ thuật và động tác. Cho nên, có thể, cùng một bài hát mà khi hát lần này không hoàn toàn giống như những lần khác, bởi nó còn tùy vào khán giả và cảm xúc.
- Nhạc sĩ Phạm Duy sẽ lại đứng trên sân khấu hát cho mọi người nghe, phải không ạ?
- Khi còn trẻ thì tôi có hát đấy. Tôi hát thật, hát được, nhưng hay thì không hay. Giọng ca này ế khách rồi (cười).
- Phòng trà Tình Ca do gia đình nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức thì có gì khác với những phòng trà khác ?
- Tôi có 2 năm đi nghe nhạc ở Sài Gòn. Có khi người ta chỉ tới để nói chuyện với nhau. Có khi âm thanh như là sự tra tấn. Tình Ca sẽ khác các phòng trà khác ở tính chân phương. Nhạc phẩm trình diễn phải được tuyển chọn những bài có giá trị xưa và nay. Ban nhạc sẽ chơi như kiểu thính phòng, nhạc nhẹ, không ồn ào sôi động. Tôi đã từng đến nhiều phòng trà trên thế giới mà vào đó thì như là vào nhà thờ, mọi người tuyệt đối yên lặng và hết sức tôn trọng nhau.
- Những đêm nhạc ở khán phòng của khách sạn Sofitel Plaza cũng có sự tôn trọng ấy.
- Vâng, để đóng góp vào sinh hoạt văn hóa tại thành phố, khách Sạn Sofitel có kế họach tổ chức những đêm tuyên dương nghệ sĩ như đêm nhạc Nguyễn Ánh 9, đêm nữ dương cầm gia Trinh Hương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông chủ Sofitel rất quí tôi và đã tổ chức 2 đêm nhạc Phạm Duy. Nhưng ở đó, khách đặt tiệc, tổ chức hội nghị dày kín.
- Cho đến nay, ngoài các bài Ngậm Ngùi, Mộ Khúc, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Ngày Trở Về, Thuyền Viễn Xứ, Quê Nghèo, Tình Ca, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Hoa Xuân, Xuân Ca, Cây Đàn Bỏ Quên, Kỷ Niệm, Ngày Xưa Hòang Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Bà Mẹ Quê, Em Bé Quê, Nghìn Trùng Xa Cách… còn rất nhiều nhạc phẩm hay của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn chưa được chính thức lưu hành trên thị trường trong nước.
- Điều này tuỳ thuộc vào công ty văn hoá Phương Nam. Phương Nam đã mua độc quyền tất cả các tác phẩm của tôi. Phương Nam xin phép được bài nào thì phổ biến bài đó. Đa số những bài đã phát hành được viết từ rất lâu rồi. Có những bài tôi viết sau này, tôi rất tâm đắc, nhưng chưa được đưa vào đời sống ấm nhạc, tất cả còn tùy vào Phương Nam. Tôi không chủ động được. Tôi không có chọn lựa nào khác.
- Những ca sĩ muốn hát hoặc tổ chức nào muốn sử dụng nhạc Phạm Duy đều phải trả tiền bản quyền lại cho Công ty Phương Nam, điều đó sẽ là một sự hạn chế trong việc phổ biến tác phẩm. Thế, ông có lấy làm tiếc vì đã ký hợp đồng độc quyền với Phương Nam không?
- Tôi chẳng có gì ân hận hay tiếc. Bởi vì tôi về Việt Nam 10 lần và quyết định hồi hương, thì chỉ có công ty Phương Nam “chiếu cố” đến tôi. Dù sao chăng nữa thì cũng may rồi. May là mình tưởng không còn sống được để về lại quê hương. Nhưng mà tôi vẫn sống. Tôi nghĩ tôi đã về Việt Nam, hát được 1 bài coi như đã là 100 bài rồi. Đây là cái tôi hài lòng nhất. Không nên tham lam.
- Bây giờ thì nhạc sĩ còn mong muốn hay ấp ủ điều gì nữa, không?
- Chỉ mong mong muốn ăn ngon và ngủ yên. Danh vọng, tiền tài tôi thấy mình có đủ rồi. Hiện tại, hạnh phúc của tôi là được nghe các con hát.
- Có khi nào ông cảm thấy cô đơn - sự cô đơn trong âm nhạc?
- Con người nghệ sĩ thường có tâm trạng cô đơn. Bởi có những điều mà người đời không hiểu hết. Mình nghĩ 10 điều may ra thì người ta hiểu 5 điều. Đôi khi có những điều hôm qua đúng, nhưng ngày mai lại trở thành sai, và ngược lại. Điều đó càng làm cho người nghệ sĩ cảm thấy cô đơn.
- Ông tự giải toả sự cô đơn của mình như thế nào?
- Tôi chưa bao giờ tìm cách giải toả sự cô đơn của mình…
- Ông đã nhận mình là ca nhân “khóc cười theo mệnh nước” thì... “nước” rẽ qua khúc nào, tôi rẽ theo khúc nấy! Ông cảm nhận như thế nào về đất nước ở thời điểm hiện nay?
- Nước ta đã rẽ qua giai đoạn đổi mới thì tôi cũng đã thay đổi từ độ, chị không thấy à ? Bài Rồi Đây Anh Sẽ Đưa Em Về Nhà ra đời mười năm trước khi tôi về sống tại quê nhà !
- Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại?
- Từ trước tới giờ, tôi chưa hề bao giờ bất mãn với cuộc đời luôn luôn nổi trôi, bình lặng hay sóng gió. Từ giờ trở đi, tôi tận hưởng một cuộc sống yên vui, êm đềm, lặng lẽ.
- Ông có những kế hoạch gì trong thời gian tới?
- Thưa không ạ !
- Xin cảm ơn nhạc sĩ. Chúc ông nhiều sức khoẻ, nhiều tác phẩm mới và không còn cảm thấy cô đơn trong sáng tác.
|
Các bài khác:
- Hà Minh - Ngày trở về của Người hát rong thế kỷ
- Hồi cố tri tân
- Lưu Trọng Văn - Đất mẹ đón Phạm Duy
- Đỗ Trung Quân - Về đây với những thương yêu hằng ngày
- Phạm Quang Tuấn - Ngày trở về của Phạm Duy trong bối cảnh âm nhạc Việt Nam
- Phản ứng của Công ty Văn hóa Phương Nam
- Phạm Quang Tuấn - Có nên cho tranh luận về Pham Duy không?
- Hồ Văn Xuân Nhi - Ai Giết Nổi Phạm Duy ?
- Nguyễn Đức Quang - Viet Weekly phỏng vấn
- Nói Chuyện Với Nguyễn Đức Quang
- Giáo Sư Lê Văn Lang - Phạm Duy, Một Chứng Nhân Lịch Sử
- Việt Quang - Pham Duy Trở Về
- Nghe Thiền ca Phạm Duy...
- Đặng Thu Hương - Dài dòng về Phạm Duy
- Nguyễn Ngọc Sơn - Người nước ngoài nghe nhạc Phạm Duy
- Nhịp Cầu Thế Giới - Nghe Nhạc Phạm Duy
- Nguyễn Ngọc Sơn - Sức sống của cái chết trong âm nhạc Phạm Duy
- Quỳnh Lệ - Thêm một bước mới trong hoạt động âm nhạc
- Phỏng Vấn - Người tình già trên đầu non
- Nhạc sĩ Phạm Duy: Tôi như sỏi đá trên đường cái quan
- NS Phạm Duy: Yêu Người Tình Tôi Không Giấu Vợ
- Phạm Duy: “Sống là biết quên và tha thứ”
- Phỏng Vấn tại Hamburg
- Nhạc Phạm Duy mà đi xin ư?
- Phạm Duy - Một Người và Mọi Người Cùng Trên Một Chiếc Thuyền
- Nhạc Sĩ Phạm Duy: Văn Hóa Dân Tộc Từ Trong Lòng Mình - Bonus: Nghe nhạc "Phạm Duy: Bốn Mùa Ca Hát"